Đẩy mạnh tuyên truyền giá trị Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị về giá trị Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN nhằm đẩy mạnh tuyên truyền về Cộng đồng ASEAN.
Đẩy mạnh tuyên truyền giá trị Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Kim Dung-Chí Giáp/Vietnam+)

Nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về Cộng đồng ASEAN, đặc biệt là về trụ cột Cộng đồng Văn hóa-Xã hội (ASCC), một trong những trụ cột chính của Cộng đồng ASEAN, ngày 20/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị về giá trị Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN 2015.

Phân tích những kết quả và bài học kinh nghiệm trong thực hiện Kế hoạch tổng thể ASCC giai đoạn 2009-2015, những mục tiêu và Kế hoạch tổng thể ASCC 2025, Vụ phó Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), bà Hà Minh Đức cho rằng, trong bối cảnh Cộng đồng ASEAN sẽ chính thức được thành lập vào ngày 31/12/2015, để thực hiện được các mục tiêu ASCC 2025, việc xây dựng Đề án thực hiện các mục tiêu của ASCC giai đoạn 2015-2025 là rất cần thiết.

Đề án này sẽ cụ thể hóa các mục tiêu, thu hút nguồn lực và tạo thế chủ động cho các bộ, ngành liên quan, từ đó nâng cao nhận thức và năng lực hội nhập của đất nước.

Kế hoạch tổng thể ASCC 2025 bao gồm những mục tiêu như thúc đẩy và đảm bảo cân bằng giữa phát triển xã hội và môi trường bền vững, đáp ứng nhu cầu của người dân tại mọi thời điểm; nâng cao năng lực ứng phó và thích ứng chung với những thách thức hiện nay và các xu hướng mới nổi về sức khỏe, khí hậu, an sinh xã hội…

Bên cạnh đó, Kế hoạch tổng thể ASCC 2025 cũng làm tăng cường tính năng động, khả năng đổi mới, hướng tới một ASEAN cởi mở, sáng tạo và thích ứng.

Để thực hiện tốt các mục tiêu của ASCC 2025, các hoạt động truyền thông, thông tin về Cộng đồng ASEAN, đặc biệt là Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN cần được quan tâm, chú trọng. Các bộ, ngành, người dân cần nhận thức đầy đủ về mối quan hệ qua lại giữa hoạt động khu vực và quốc gia, những mục đích, giá trị của Cộng đồng ASEAN và từng trụ cột của Cộng đồng, để từ đó khai thác tối đa những lợi ích thiết thực mà Cộng đồng ASEAN đem lại, bà Hà Minh Đức nhấn mạnh.

Tại Việt Nam, các mục tiêu ASCC 2009-2015 có sự tham gia thực hiện rộng rãi và tích cực của 12 bộ, ngành liên quan, giải quyết khoảng 99% các dòng hành động của Kế hoạch tổng thể ASCC thông qua việc tiến hành các hoạt động khác nhau của các cơ quan chuyên ngành ASEAN.

Tuy nhiên, theo các đại biểu dự hội nghị, tính phù hợp giữa mục tiêu khu vực và ngành còn bất cập do tính đa dạng và sự khác biệt giữa các nước, các nền văn hóa, đồng thời các hoạt động truyền thông, thông tin còn hạn chế, ảnh hưởng đến nhận thức của các bộ, ngành, người dân về ASCC./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục