Đẩy nhanh cấp sổ đỏ

Đẩy nhanh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Trong năm 2012, Tổng cục Quản lý Đất đai sẽ đẩy nhanh tiến độ đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại trên cả nước.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm nay của Tổng cục Quản lý Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) là đẩy nhanh tiến độ đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các địa phương trong cả nước.

Tổng cục sẽ triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 1474 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách để chấn chỉnh việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu đất ở và tài sản khác gắn liền với đất và xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai.

Về xây dựng hồ sơ địa chính, Tổng cục Quản lý đất đai đã và đang phối hợp với Bộ Tài chính, chỉ đạo các địa phương rà soát Dự án Tổng thể xác định lại khối lượng thực hiện cho sát với thực tế, yêu cầu nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; tổ chức khảo sát, đánh giá tình hình xây dựng cơ sở dữ liệu đất tại 9 tỉnh. Đồng thời, Tổng cục cũng đề xuất xây dựng văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, điều chỉnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu tại 9 tỉnh tham gia Dự án hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam (VLAP).

Tính đến tháng 12/2011, cả nước đã thực hiện đo đạc lập bản đồ địa chính với tổng diện tích trên 25 triệu ha đất, chiếm 76% tổng diện tích cần đo đạc, trong đó tỷ lệ 1:200 là 15,30 nghìn ha; tỷ lệ 1:500 là 237,80 nghìn ha; tỷ lệ 1:1000 là 1.526 nghìn ha; tỷ lệ 1:2000 là 4.443, 80 nghìn ha; tỷ lệ 1:5000 là 3.181,50 nghìn ha, tỷ lệ 1:10.000 là 15.664,90 nghìn ha.

Cho đến nay các địa phương trong cả nước đã cấp được 35.394.800 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, với diện tích 20.264 nghìn ha; trong đó đất sản xuất nông nghiệp đạt 85,1% diện tích, đất lâm nghiệp đạt 86,3%, đất nuôi trồng thủy sản đạt 83% diện tích cần cấp, đất ở nông thôn đạt 79,3%, đất ở đô thị đạt 63,5%...

Phần lớn các địa phượng đã triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính thay thế hồ sơ địa chính dạng giấy. Trong đó, 2 tỉnh Đồng Nai và An Giang đã hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đến cấp xã. Nhiều tỉnh khác đã xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu địa chính cho một số huyện, như Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Vĩnh Long, Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Long An, Nghệ An.

Cũng trong năm nay, Tổng cục Quản lý đất đai sẽ tổ chức triển khai thực hiện Đề án thí điểm kiện toàn hệ thống Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thành một cấp, trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường; Dự án thí điểm xác định ranh giới, cắm mốc ranh giới, đo đạc, thống kê chi tiết hiện trạng đất nông, lâm trường quốc doanh./.

Văn Hào (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục