Đề án 1956: Không để dân lãng phí thời gian và tiền

Sau gần 3 năm thực hiện, Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn khiến nhiều người nghi ngờ về tính hiệu quả và liệu có gây lãng phí?
Sau 3 năm triển khai, chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn (gọi tắt là Đề án 1956) đang có nguy cơ trở thành một chương trình đầu tư lãng phí, khi mà số lượng lao động nông thôn được đào tạo ngày càng tăng nhưng đời sống người nông dân lại không mấy thay đổi sau các lớp dạy nghề.

Bế tắc đầu ra sau học nghề

Theo phản ánh của một số địa phương, nhiều nông dân sau mấy tháng học nghề vẫn làm nghề cũ hoặc thực hiện phương pháp sản xuất cũ. Nguyên nhân chủ yếu do không có vốn để theo đuổi nghề mới, không có đầu ra cho sản phẩm sau sản xuất…

Trong khi mấu chốt để chương trình đào tạo nghề đạt hiệu quả là đào tạo phải gắn với nhu cầu của xã hội thì hiện nay các địa phương được dường như chỉ chú trọng đến mục tiêu dạy nghề. Cái người dân nông thôn cần là học xong sẽ làm việc ở đâu và sản xuất ra sản phẩm rồi bán cho ai thì hầu như vẫn còn bỏ ngỏ. Về tình trạng này, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi thừa nhận: "Đây là một kẽ hở trong đào tạo gắn với tổ chức thị trường”.

“Tại nhiều nơi, chính quyền địa phương chưa thật sự chú trọng vào tính hiệu quả, tính thiết thực của dạy nghề cho lao động nông thôn mà còn chạy theo số lượng.” Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi nói.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi, dạy nghề nông thôn hiện nay mới đáp ứng phần lớn tự cung, tự cấp. Hiện nay, ngoài đào tạo nghề các địa phương cần tổ chức lại thị trường, tạo lòng tin giữa người sản xuất, người nông dân với đơn vị dịch vụ để tìm đầu ra cho các sản phẩm của bà con nông dân.

Đồng tình với quan điểm của Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi, ông Đào Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Dạy nghề thường xuyên (Tổng cục Dạy nghề), nhấn mạnh sau học nghề, chúng ta cần hỗ trợ tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ vay vốn và các điều kiện để tổ chức sản xuất, hỗ trợ về thị trường tiêu thụ sản phẩm... để đảm bảo tính bền vững và hiệu quả của công tác dạy nghề cho lao động nông thôn.

Vì vậy, các chuyên gia cho rằng đây là một chính sách lớn với quy mô rộng nên nếu cứ đào tạo ngày càng nhiều nhưng lại không áp dụng được vào thực tế thì sẽ gây lãng phí rất lớn.

Dạy sai nghề sai người

Dạy nghề cho lao động nông thôn là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, những gì đề án muốn mang đến cho người nông dân lại chưa phải là điều mà người nông dân thực sự cần.

Chỉ vài tháng học nghề làm thể nào để có thể thay đổi cuộc sống của nông dân đang là bài toán khó đặt ra cho các trung tâm đào tạo nghề. Đặc biệt khi mà hiện tại, những chương trình học mà các trung tâm đào tạo nghề đang dạy lại không phải điều mà người nông dân muốn học.

Ông Nghiêm Trọng Quý, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cũng thừa nhân, tại một số địa phương vẫn còn tình trạng người dân chỉ đi học nghề như phong trào, đến “đánh trống ghi tên” lấy tiền trợ cấp.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi cho rằng, một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến lao động nông thôn không quan tâm tới học nghề là do đối tượng học, chương trình học chưa phù hợp dẫn tới học nghề không đem lại hiệu quả.

“Có những chương trình học quá chi tiết về kỹ thuật nghề khiến người dân khó áp dụng vào thực tế. Mặt khác, lại có những chương trình học thời gian chỉ cần khoảng một tháng lại kéo dài tới ba tháng gây lãng phí thời gian, tiền bạc.” Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi nói.

Mục tiêu tăng năng suất lao động, tăng thu nhập cho người dân không được đảm bảo chính vì từ cấp địa phương, việc hoạch định chương trình, đối tượng học nghề đã chưa sát với nhu cầu thực tế gây nên lãng phí nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, để không có tình trạng học xong không có việc làm, cần phải điều tra khảo sát không chỉ nhu cầu học nghề mà còn cả nhu cầu sửa dụng lao động của các sở sở sản xuất và có hợp động đối với doanh nghiệp phải sử dụng lao động sau đào tạo.

Song song với việc thực hiện đề án cần tăng cường công tác thanh tra, giám sát. Trong đó tập trung kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất thiết bị dạy nghề và tổ chức các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi nhấn mạnh: “Quá trình giám sát hiệu quả cần có sự tham gia của các tổ chức hiệp hội tại địa phương như hội nông dân, hội phụ nữ, hội thanh niên…”/.
Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Đề án 1956) với tổng kinh phí 25.980 tỷ đồng kéo dài từ 2010-2020 với mục tiêu ban đầu mỗi năm đào tạo khoảng 1 triệu lao động nông thôn, nhưng sau 2 năm triển khai đã phải hạ thấp chỉ tiêu đào tạo xuống vì nhiều lý do.

Theo thống kê của Tổng cục Dạy nghề, đến tháng 12/2012 cả nước đã tổ chức dạy nghề cho gần 485.000 lao động nông thôn, trong đó trên 350.000 người đã học xong. Sang năm 2013, mục tiêu đề án đặt ra là dạy nghề cho 600.000 lao động và 70-80% lao động sau học nghề có việc làm, tăng năng suất lao động.../. 
Hồng Kiều (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục