Đề án tái cơ cấu "bỏ qua" lao động chất lượng cao

Đề án tái cơ cấu nền kinh tế mà Chính phủ vừa trình Quốc hội tại kỳ họp nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ những người đại biểu của dân.

Theo bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, một nền kinh tế tái cơ cấu lại để đi vào phát triển theo chiều sâu và tăng trưởng bền vững, rõ ràng phải có yếu tố nguồn nhân lực, trong đó có nhân lực chất lượng cao. Nhưng vấn đề này lại chưa được đề cập đầy đủ, đúng mức trong báo cáo về tái cơ cấu nền kinh tế. Một yếu tố nữa liên quan tới nguồn nhân lực mà đề án cũng "bỏ qua", đó là nguồn nhân lực có tay nghề.
Đề án tái cơ cấu nền kinh tế mà Chính phủ vừa trình Quốc hội tại kỳ họp nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ những người đại biểu của dân. Bên lề Quốc hội, phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với bà Trương Thị Mai, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội xung quanh vấn đề nguồn nhân lực trong tái cơ cấu cũng như thang bảng lương của người lao động.

Bỏ qua nguồn nhân lực có tay nghề

- Đọc Đề án tái cơ cấu nền kinh tế của Chính phủ, có ý kiến cho rằng đề án chưa đề cập rõ nét đến nguồn nhân lực. Vậy xin bà cho biết ý kiến của mình về nguồn nhân lực trong quá trình tái cơ cấu?

Bà Trương Thị Mai: Nguồn nhân lực là một yếu tố quan trọng tham gia vào đề án tái cơ cấu nền kinh tế. Một trong 3 đột phá 10 năm tới mà Đại hội Đảng XI đã xác định là đột phá về nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Một nền kinh tế tái cơ cấu lại để đi vào phát triển theo chiều sâu và tăng trưởng bền vững, rõ ràng phải có yếu tố nguồn nhân lực, trong đó có nhân lực chất lượng cao. Nhưng vấn đề này lại chưa được đề cập đầy đủ, đúng mức trong báo cáo về tái cơ cấu nền kinh tế.

Thêm vào đó, một yếu tố nữa liên quan tới nguồn nhân lực mà đề án cũng "bỏ qua", đó là nguồn nhân lực có tay nghề. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của chúng ta hiện nay còn ở mức độ thấp, trên 30%. Chúng ta đang hướng tới đến năm 2020 sẽ có khoảng 55% lao động trong tổng số khoảng 50 triệu lao động có tay nghề, có chất lượng bước vào nền kinh tế thị trường. Điều này đòi hỏi trong tái cơ cấu phải xây dựng kế hoạch rất bài bản mới có thể triển khai được đội ngũ này.

Theo một báo cáo của VCCI, do quá trình đào tạo, chất lượng chưa cao nên doanh nghiệp khi nhận lao động vào phải đào tạo lại, tiền đào tạo chiếm tới 6-7% chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Rõ ràng, đây cũng là sự lãng phí, nếu lao động được đào tạo rất bài bản, có chất lượng, thì chi phí đó doanh nghiệp không tốn lần thứ hai. Đây là yếu tố chúng ta phải xem xét thêm trong quá trình chuẩn bị cho đề án tái cơ cấu mà hiện nay Quốc hội đang trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến cho Chính phủ.

- Đó là về nguồn nhân lực có tay nghề, còn lao động nông nghiệp, nông thôn thì sao, thưa bà?

Bà Trương Thị Mai: Một chủ đề đáng quan tâm là hiện nay chúng ta có một tỷ lệ lao động nông nghiệp khá cao. Bước vào năm 2020, mức độ lao động nông nghiệp chỉ còn khoảng 20%, điều này đồng nghĩa sẽ có hàng chục triệu lao động từ nông thôn bước vào khu vực công nghiệp và dịch vụ. Nếu họ bước vào với một trình độ chưa qua đào tạo bền vững thì sẽ bị tổn thương. Quá trình vừa qua chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy nhóm dễ bị tổn thương nhất là nhóm lao động nông thôn và phổ thông, đình công cũng xuất phát từ nhóm lao động này.

Do đó, tôi đề nghị vấn đề này cần được xem xét một cách đầy đủ, đúng mức hơn. Phải đưa ra chính sách và phải có một khoản ngân sách Nhà nước nhất định cùng với sự tham gia của xã hội để chuẩn bị cho nguồn nhân lực 10 năm tới đi vào tái cơ cấu nền kinh tế. Trong đó, phải đặc biệt quan tâm đến nhóm lao động phổ thông và lao động nông thôn.

Giao thang bảng lương cho doanh nghiệp

- Cũng liên quan tới người lao động, có ý kiến cho rằng thang bảng lương đang áp dụng đã lỗi thời, cần phải cơ cấu lại?

Bà Trương Thị Mai: Thang bảng lương trong khu vực doanh nghiệp, quá trình chuẩn bị cho bộ Luật Lao động sửa đổi còn hai loại ý kiến.

Thứ nhất là có nên còn tồn tại thang bảng lương trong Bộ Luật lao động hay không? Hai là việc đó giao lại cho doanh nghiệp để doanh nghiệp tự quyết định. Qua hai ý kiến tranh luận này cho thấy, hiện nay có đưa ra quy định thang bảng lương, có đưa ra việc nộp thang bảng lương đó cho cơ quan quản lý Nhà nước thì cũng không quản lý được, không ai kiểm soát.

Cơ quan quản lý Nhà nước cũng chưa bao giờ thanh tra, kiểm tra xem thử thang bảng lương này được doanh nghiệp thực thi như thế nào. Vì vậy có thể nói tính hiệu quả trong thực tiễn là không cao.

Qua quá trình thảo luận này, chúng tôi đã chọn một giải pháp dung hòa là còn tồn tại mức độ đăng ký và đăng ký đó phải có hướng dẫn việc thành lập thang bảng lương trong các doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý Nhà nước phải thanh kiểm tra, nơi nào làm sai sẽ bị xử lý để đảm bảo cho quy định thang bảng lương đó có thể đi vào cuộc sống.

Về lâu dài, tôi vẫn nghĩ thang bảng lương sẽ không tồn tại trong bộ Luật Lao động và nên giao lại cho doanh nghiệp chịu trách nhiệm. Việc đó chủ sử dụng lao động cùng với tổ chức người lao động thảo luận, bàn bạc giải quyết các quyền lợi thiết thực của người lao động.

- Nhưng nếu giao cho doanh nghiệp và người lao động tự thỏa thuận lương, liệu có xảy ra trường hợp người lao động bị thua thiệt hay không, thưa bà?

Bà Trương Thị Mai: Thỏa thuận này là thỏa thuận thang bảng lương. Nhà nước vẫn can thiệp và dựa trên Bộ luật Lao động quy định bằng việc công bố tiền lương tối thiểu, tức là doanh nghiệp không được trả lương cho lao động thấp hơn lương tối thiểu. Nếu chúng ta có được lương tối thiểu ngành thì lương cũng không được thấp hơn lương tối thiểu ngành. Định kỳ Nhà nước phải công bố mức lương bình quân trong xã hội, lương trong các khu vực và lương trong một số ngành nghề để người lao động căn cứ vào đó thỏa thuận và ký hợp đồng với doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, có rất nhiều cơ chế để chúng ta bảo vệ người lao động, chứ không chỉ thang bảng lương này. Thang bảng lương chỉ là một yếu tố nhưng với điều kiện là quản lý Nhà nước phải thanh tra, kiểm tra được, còn không người lao động sẽ rất tù mù, không biết thế nào là hợp lý đối với họ và tổ chức công đoàn phải mạnh để bảo vệ quyền lợi cho người lao động./.

- Xin cảm ơn bà!

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục