Đề cao vai trò ICT trong thúc đẩy phát triển bền vững

Tổng Thư ký Liên minh Viễn thông quốc tế nhấn mạnh vai trò của công nghệ thông tin truyền thông trong phát triển bền vững toàn cầu.
Ngày 27/6, Tổng Thư ký Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), Hamadoun Touré, đã nhấn mạnh vai trò của công nghệ thông tin truyền thông (ICT) và mạng băng thông rộng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững toàn cầu.

Tổng Thư ký ITU nhấn mạnh Văn bản chính trị cuối cùng “Vì tương lai chúng ta mong muốn” của Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc mới đây về phát triển bền vững (Rio+20) đã coi trọng vai trò của ICT trong việc tạo điều kiện thúc đẩy dòng thông tin giữa các chính phủ và công chúng, cũng như thúc đẩy việc trao đổi các nguồn tri thức, hợp tác công nghệ và tăng cường năng lực cho tất cả 3 trụ cột của phát triển bền vững là tăng trưởng kinh tế, phổ quát xã hội và bền vững môi trường.

Nhu cầu hợp tác và chia sẻ thông tin cảnh báo sớm từ các tổ chức tương ứng, tầm quan trọng của công nghệ ICT đối với việc xác lập bản đồ, quan sát và hoạch định chính sách phát triển bền vững cũng đã được khẳng định tại Rio+20.

ICT là công cụ đặc biệt, phổ quát và thân thiện với môi trường để thúc đẩy tăng trưởng xanh và tạo việc làm, tăng cường tiến bộ xã hội, đảm bảo bảo vệ môi trường và tương lai bền vững mà nhân loại mong muốn.

Rio+20 cũng thừa nhận vai trò không thể thiếu của ICT và mạng băng thông rộng trong phát triển xã hội thông minh, bền vững, phổ quát và trong tiến trình phát triển kinh tế bền vững dài hạn. Rio+20 khuyến khích hợp tác giữa khu vực công và tư nhân để triển khai mạng băng thông rộng nhằm thúc đẩy phát triển bền vững, đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai.

Tổng Thư ký ITU khẳng định ICT và mạng băng thông rộng đã tạo ra thời điểm bước ngoặt trong tiến hóa của con người và tác động kích thích hành tinh phát triển bền vững.

Chương trình “Băng thông rộng phổ quát cho tất cả mọi người” của ITU phải được hòa nhập hoàn toàn vào các chiến lược sẽ được định hình trong khuôn khổ phát triển quốc tế sau năm 2015, năm kết thúc tiến trình thế giới thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và bắt đầu thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững.

Nối kết băng thông rộng có thể cung cấp các giải pháp vượt qua các thách thức phát triển bền vững, đồng thời đẩy nhanh phát triển kinh tế xã hội và chất lượng cuộc sống cũng như tạo điều kiện thúc đẩy đổi mới trong các lĩnh vực kinh tế then chốt như năng lượng, vận tải, xây dựng, giáo dục, y tế và nông nghiệp./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục