Đề Ngữ văn: Sĩ tử thở phào với “cửa ải” đầu tiên

Thời tiết khá mát mẻ cùng với đề ngữ văn không quá khó đã giúp sĩ tử có một buổi sáng khá dễ thở ở môn thi tốt nghiệp đầu tiên.

Thời tiết khá mát mẻ cùng với đề văn không quá khó đã giúp sĩ tử có một buổi sáng khá dễ thở ở môn thi đầu tiên.


Theo ghi nhận của phóng viên Vietnam+, ở hầu hết các điểm thi, rất nhiều sĩ tử đều có chung nhận định, đề văn năm nay không quá dài và bám sát trọng tâm ôn tập trước đó.

Em Nguyễn Minh Anh, một trong những học sinh ra sớm nhất tại điểm thi trường Việt Đức (Hà Nội) cho hay, câu 5 điểm và 2 điểm trong phần đề thi khá dễ thở. Tác phẩm “Số phận con người” và “Việt Bắc” là hai nội dung ở lớp Minh Anh đã được ôn luyện rất kỹ.

Theo Minh Anh, câu 2 điểm về tác phẩm “Số phận con người” đòi hỏi thí sinh phân tích đoạn cuối của tác phẩm. Đây cũng là nội dung được chú trọng trong chương trình ôn luyện.

“Đề thi đã bám rất sát chương trình. Em học ban A nhưng cũng làm tương đối tốt,” cô học sinh trường Marie Curie hớn hở.

Cũng đánh giá về môn thi đầu tiên, nhiều sĩ tử cũng cho rằng, câu hỏi nghị luận khá hay với nội dụng “Thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái trong đời sống xã hội.”

Cầm tấm đề trên tay, em Nguyễn Thành Bắc, trường Trung học phổ thông Marie Curie hào hứng với kết quả làm bài thi của mình.

Theo Bắc, đề thi năm nay khá bao quát chương trình, thí sinh chỉ cần nắm vững kiến thức học trong trường là có thể đạt điểm trung bình. Duy nhất, chỉ có câu nghị luận đòi hỏi thí sinh phải tổng hợp khả năng phân tích, bình luận, kinh nghiệm cuộc sống.

“Câu này rất hay và phù hợp với thực tế xã hội hiện nay. Sẽ rất ít thí sinh có thể dành trọn 3 điểm tuyệt đối ở câu này vì đó là câu hỏi mở, mỗi học sinh sẽ có góc nhìn nhận vấn đề, cách tiếp cận theo nhiều cách khác nhau,” Bắc nhận xét.

Chung nhận định này nhưng Nguyễn Văn Bình, học sinh trường Ngô Thì Nhậm (Thanh Trì, Hà Nội) thừa nhận, bài thi lần này cùng lắm Bình cũng chỉ mong được 6 điểm.

“Em làm lần lượt từ câu 1 tới câu 3 nhưng phân bổ thời gian không tốt lắm nên tới câu nhiều điểm nhất lại làm không tốt lắm,” Bình tiếc rẻ.

Theo lời câu học sinh lớp 12, đoạn thơ trong bài “Việt Bắc” của tác giả Tố Hữu cũng khiến Bình vã mồ hôi. Mặc dù đoạn thơ này nằm trong phần ôn nhưng Bình thú thật, phân tích thơ vẫn là điều cậu sợ nhất.

“Em làm được 7 trang, như thế là cố hết sức rồi,” Bình chia sẻ.

Sau khi kết thúc 150 phút làm bài, nhiều thi sinh thi khối A lại phản ánh đề Văn cần nhiều tư duy hiểu biết xã hội.

Em Phạm Thanh Dung, học sinh trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Tố thút thật, em vốn học khối A nên làm không được tốt lắm môn văn.

Đề thi em làm khá tốt câu đầu và cuối. Với câu thứ 2, em không thực sự làm được do kiến thức rộng và đòi hỏi khả năng tư duy tốt nhưng em cũng khá hài lòng với bài làm của mình.

“Để đạt được tổng điểm cao nhất có thể, em sẽ cố gắng hơn ở những môn thi khối tự nhiên, đặc biệt là môn Hóa học chiều nay," Bình bày tỏ quyết tâm.

Nhận định về đề Ngữ Văn năm nay, cô Nguyễn Kim Anh (trường phổ thông trung học Phan Huy Chú- Đống Đa), cho rằng, đề thi năm nay đã quay về truyền thống, không có nhiều phá cách như mùa thi năm ngoái

Trong câu 2 điểm phần văn học nước ngoài, các ý được hỏi rất rõ ràng nhưng cũng không yêu cầu học sinh quá sâu về kiến thức. Học sinh chỉ cần nêu được  tên 2 nhân vật chính và nói được tại sao hai con người này “côi cút” giữa cuộc đời là đã có điểm.

"So với câu 2 điểm năm ngoái thì câu năm nay dễ hơn," cô Kim Anh nhận định

Với câu 3 điểm nghị luận xã hội, cô cho rằng, học sinh không cần học cũng làm được vì đề bài yêu cầu bàn về thói dối trá, suy thoái đạo đức. Các em được bày tỏ ý kiến riêng.

Đồng tình, cô Lê Thị Thanh Huyền, giáo viên trường chuyên Hà Nội Amsterdam bình luận thêm,  câu nghị luận không những giúp học sinh chủ động bày tỏ quan điểm của mình mà còn có có giá trị giáo dục cao vì các em có thời gian để suy nghĩ nghiêm túc về sống chân thật và giả dối.

Cũng theo nhiều giáo viên dạy Văn, câu 5 điểm với hình tượng sông Đà mang giá trị nghệ thuật cao nhưng học sinh khó đạt điểm tối đa nếu không phải là người say mê bộ môn.

"Đoạn thơ trích trong bài thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu không khó nhưng cũng không phải đoạn thơ được coi là đoạn thơ kinh điển như trong bài “Tây Tiến” của Quang Dũng ở đề thi năm trước," cô Kim Anh, giáo viện trường Phan Huy Chú nói./.

Nhóm PV (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục