"Đề văn đã đề cập những vấn đề thiết thực với giới trẻ"

Đề thi Ngữ văn, kỳ thi trung học phổ thông sáng nay được các giáo viên dạy văn đánh giá hay. Đề vừa kiểm tra được kiến thức cơ bản của học sinh, vừa đề cập đến những vấn đề thiết thực với cuộc sống.
"Đề văn đã đề cập những vấn đề thiết thực với giới trẻ" ảnh 1Thí sinh trao đổi bài sau giờ thi. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)

Đề thi Ngữ văn, kỳ thi trung học phổ thông sáng nay được các giáo viên dạy văn đánh giá là hay. Đề vừa kiểm tra được kiến thức cơ bản của học sinh, vừa đề cập đến những vấn đề thiết thực với con người, nhất là với giởi trẻ.

Cụ thể, theo cô Đoàn Thị Thu Hà, giáo viên trường Trung học phổ thông Yên Hòa, phần đọc hiểu đoạn thơ trong bài ​"Hát về một hòn đảo" của tác giả Trần Đăng Khoa vừa mang tính thời sự, vừa khơi gợi tình yêu Tổ quốc. Học sinh không chỉ cảm nhận đoạn thơ mà còn có cơ hội bộc lộ tình yêu đối với những người lính đảo, niềm tự hào về vẻ đẹp của biển đảo quê hương. Chính câu hỏi đã khơi dậy tinh thần yêu nước và trách nhiệm của công dân đối với Tổ quốc. 

Trong khi đó, ở phần câu hỏi nghị luận lại bàn đến các vấn đề rất thiết thực trong cuộc sống.

Cô Mai Hương, giáo viên trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú cho rằng, phần đọc hiểu đoạn văn trích trong ​"Nguồn gốc sâu xa của hiểm họa" đã bàn về một vấn đề đang được cả xã hội quan tâm, đó là hội chứng vô cảm, sự xuống cấp nghiêm trọng về nhân văn của con người trong xã hội hiện đại. Đề thi đã cho thí sinh cơ hội để bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề này, cũng là để các em nhìn lại chính thái độ sống của mình.

Câu hỏi nghị luận xã hội cũng đi vào vấn đề rèn luyện kĩ năng sống là vấn đề vừa rất thiết thực với học sinh, vừa không quá khó. Các em sẽ dễ dàng bày tỏ quan điểm của cá nhân của mình.

Cũng đánh giá cao đề thi, tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết, giáo viên trường Trung học phổ thông Chu Văn An cho rằng đề đã kiểm tra được kiến thức toàn diện của học sinh. Những yêu cầu kiến thức tiếng Việt như thể thơ, biện pháp tu từ, phương thức biểu đạt; các kỹ năng cảm thụ, bình luận và trình bày cách đánh giá riêng của mình về một vấn đề của xã hội hoặc văn chương đều được đặt ra trong yêu cầu của đề thi. 

Cô Tuyết cũng cho rằng bên cạnh việc đánh giá kiến thức cơ bản, đề cũng đã phân loại được thí sinh. Học sinh trung bình có thể trả lời được những câu 1, 2, 5, 6 phần đọc hiểu, có thể lý giải được ở mức độ nhận biết và thông hiểu đối với câu nghị luận xã hội và nghị luận văn học.

Học sinh khá và giỏi ngoài mức độ nhận biết và thông hiểu có thể trả lời sâu sắc ở mức độ vận dụng và vận dụng cao với cả hai phần đọc hiểu và làm văn. 

Điều này đáp ứng được yêu cầu của đề thi trung học phổ thông quốc gia là vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển đại học, cao đẳng.

Còn theo thầy Nguyễn Phi Hùng, Tổ trưởng Tổ Văn, trường Trung học phổ thông Anhxtanh Hà Nội, phần làm văn, đề đưa một đoạn trích tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa" và yêu cầu thí sinh phân tích nhân vật trên ngữ liệu đoạn trích. Điều này giúp thí sinh không cần phải học thuộc các dữ liệu dẫn chứng trong tác phẩm vẫn có thể làm bài. 

Thầy Hùng cho rằng, đề đã đáp ứng được yêu cầu mà Bộ đưa ra là không bắt học sinh phải học thuộc lòng và kiểm tra đánh giá các kỹ năng của các em.

Sau môn Ngữ văn, thí sinh đã hoàn tất ba môn bắt buộc để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông. Chiều nay, các em sẽ dự thi môn tự chọn đầu tiên, môn Vật lý, thời gian làm bài là 90 phút, theo hình thức thi trắc nghiệm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục