Đề xuất hướng dẫn cơ chế đầu tư xây dựng bệnh viện dã chiến khẩn cấp

Quá trình xây dựng bệnh viện dã chiến được cải tạo từ các nhà xưởng tại địa phương được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng, tuy nhiên còn một số vướng mắc liên quan đến Luật Đầu tư công.
Đề xuất hướng dẫn cơ chế đầu tư xây dựng bệnh viện dã chiến khẩn cấp ảnh 1Khu điều trị bệnh nhân COVID-19 dã chiến tại xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương với quy mô 1.000 giường đang gấp rút hoàn thành. (Ảnh: TTXVN)

Trong các ngày 28,29/8, Tổ công tác đặc biệt phòng chống COVID-19 của Bộ Xây dựng tại các tỉnh phía Nam do Thứ trưởng Lê Quang Hùng là Tổ trưởng dẫn đầu đã đi kiểm tra việc xây dựng bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung, cung cấp nước sạch, thu gom rác thải… tại 2 tỉnh Bình Dương và Long An.

Hướng dẫn gấp về cơ chế đầu tư xây dựng bệnh viện dã chiến theo lệnh khẩn cấp và hỗ trợ lò đốt rác thải y tế là những kiến nghị được các địa phương đề xuất.

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, địa phương này đang áp dung mô hình điều trị tháp 3 tầng cho bệnh nhân COVID-19.

Tỉnh có tổng số 27 khu điều trị với hơn 34.000 giường bệnh. Hiện, Bình Dương đã đầu tư và đưa vào sử dụng 11 bệnh viện dã chiến với gần 17.000 giường; đang xây dựng 5 bệnh viện dã chiến công suất trên 15.000 giường.

Lãnh đạo Sở Xây dựng Bình Dương cho biết, quá trình xây dựng bệnh viện dã chiến được cải tạo từ các nhà xưởng tại địa phương được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng.

Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc về việc trưng thu, xử lý tài sản sau khi hết dịch; mô hình, bố trí mặt bằng công năng, khu vệ sinh, phòng cháy chữa cháy…

Đánh giá từ thực tế, ông Phạm Như Huy, Phó Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, nhiều địa phương cũng phản ánh việc đầu tư xây dựng bệnh viện dã chiến theo lệnh khẩn cấp sử dụng vốn đầu tư công đã được hướng dẫn cụ thể trong Luật Xây dựng và Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Tuy nhiên, việc đầu tư bệnh viện dã chiến theo lệnh khẩn cấp còn một số vướng mắc liên quan đến Luật Đầu tư công.

Cụ thể, việc lập, thẩm định, phê duyệt đề xuất dự án khẩn cấp chưa quy định rõ trình tự, thủ tục thực hiện; thủ tục lựa chọn nhà thầu theo Luật Xây dựng và Nghị định 15/2021/NĐ-CP thì chủ đầu tư được tự quyết định toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng, bao gồm giao tổ chức cá nhân thực hiện…

Nhưng Luật Đấu thầu lại quy định, đối với các gói thầu theo lệnh khẩn cấp thì được chỉ định thầu. Việc này sẽ gây mất thêm nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng công trình.

Tiếp nhận thông tin này, ông Huy cho biết, những vướng mắc thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng thì Bộ sẽ chủ động hướng dẫn kịp thời.

Những vướng mắc về cơ chế liên quan đến các luật khác, Bộ Xây dựng sẽ báo cáo, kiến nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 cũng như Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ để có hướng xử lý kịp thời.

Theo nhận định của Bộ Xây dựng, tỉnh Bình Dương đã chủ động lên kịch bản ứng phó với các tình huống xấu hơn. Việc cấp thoát nước, thu gom rác thải, xây dựng bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung tại Bình Dương đã đáp ứng được yêu cầu của người dân trong thời điểm hiện nay.

Hiện, Bình Dương có 2 đơn vị cung cấp nước sạch với tổng công suất trên 2 triệu m3/ngày đêm đủ cung cấp cho toàn địa bàn.

Việc thu gom và xử lý nước thải, rác thải; trong đó, có lò đốt xử lý chất thải nguy hại, chất thải y tế với công suất gần 400 tấn/ngày cũng cơ bản đáp ứng yêu cầu.

[Hà Nội: Bệnh viện dã chiến ở Hoàng Mai dự kiến hoạt động từ ngày 1/9]

Tại tỉnh Long An, đoàn công tác ghi nhận nhiều số liệu khả quan. Mặc dù tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, nhưng đến ngày 26/8, tỉnh Long An vẫn còn 170 công trường xây dựng đang hoạt động và đều đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng và Bộ Y tế.

Tỉnh hiện có 26 bệnh viện dã chiến quy mô trên 13.000 giường; 36 khu cách ly tập trung với gần 5.800 giường. Tỉnh cho biết, Sở Y tế Long An đang lên kịch bản đáp ứng số lượng từ 20.000-25.000 F0.

Về dịch vụ hạ tầng, hệ thống cung cấp nước sạch của Long An đủ đáp ứng nhu cầu của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh tại chỗ của doanh nghiệp với 36 nhà máy và 1.413 trạm cấp nước nông thôn có tổng công suất gần 450.000m3/ngày đêm.

Thoát nước thải phát sinh từ các khu vực cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến đều được thu gom vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của cơ sở y tế và xử lý khử khuẩn nước thải đầu ra, đảm bảo đạt quy chuẩn quốc gia về nước thải y tế trước khi thải ra môi trường.

Ông Ngô Hoàng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam (Bộ Xây dựng) cho rằng, tỉnh Long An cần tiếp tục rà soát, đảm bảo nguồn nước cung cấp liên tục cho người dân, nhất là tại các bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung, khu vực bị phong toả; không để tình trạng thiếu nước trong suốt quá trình chống dịch.

Bên cạnh đó, tiếp tục kiểm tra việc thoát nước đô thị; không để ứ đọng và làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân đang cách ly, điều trị bệnh.

Hiện, lượng chất thải phát sinh từ các cơ sở điều trị, khu cách ly tập trung tại Long An khoảng từ 10-15 tấn/ngày.

Theo kế hoạch, tỉnh sẽ đầu tư, lắp đặt 6 lò đốt rác y tế có tổng công suất khoảng 10 tấn/ngày đêm.

Trong thời gian chờ các lò đốt rác đi vào hoạt động, tỉnh đã cho thu gom, vận chuyển và xử lý đảm bảo đúng quy định.

Ngoài ra, tỉnh cũng lập tổ kiểm tra việc quản lý chất thải, nước thải và vệ sinh môi trường tại các cơ sở điều trị COVID-19 và khu cách ly tập trung.

Sau khi kiểm tra, Đoàn công tác lưu ý tỉnh Long An cần tiếp tục rà soát thực trạng và nhu cầu sử dụng bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung trên địa bàn để có phương án điều phối, bố trí người bệnh, người cách ly trong phạm vi của huyện.

Hoặc giữa các địa phương với nhau để không phải đầu tư xây dựng sửa chữa, xây dựng mới thêm. Đồng thời, tỉnh cần chủ động xây dựng kịch bản, phương án trong tình hình khó khăn nhất để có biện pháp xử lý kịp thời.

Từ tình hình thực tế, tỉnh Long An kiến nghị một số vấn đề cấp bách. Theo đó, tỉnh mong muốn được hướng dẫn việc thẩm định, thanh quyết toán đối với các trường hợp xây dựng khẩn cấp.

Cụ thể, là khâu thi công đang gặp khó khăn do vật tư, nhân công trong thời gian giãn cách tăng cao, chưa kể phát sinh chi phí test COVID-19 cũng như việc lo ăn ở “3 tại chỗ” cho công nhân, nguồn vật liệu khan hiếm... Những yếu tố này dẫn đến suất đầu tư và chi phí biến động, tăng cao.

Đối với đề xuất của tỉnh Long An về việc hỗ trợ lò đốt rác thải y tế, Bộ Xây dựng thống nhất sẽ hỗ trợ địa phương xử lý vấn đề này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục