Đề xuất xây dựng mới tuyến xe buýt nhanh Ô Môn-Nam Cần Thơ

Tại buổi làm việc với đoàn công tác Bộ Xây dựng và WB, thành phố Cần Thơ đề xuất đầu tư xây mới tuyến xe buýt nhanh BRT Ô Môn-Nam Cần Thơ.
Đề xuất xây dựng mới tuyến xe buýt nhanh Ô Môn-Nam Cần Thơ ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Ngày 17/12, tại buổi làm việc với đoàn công tác Cục Hạ tầng kỹ thuật - Bộ Xây dựng và Ngân hàng Thế giới về nghiên cứu khả năng phát triển giao thông công cộng có yếu tố xe buýt nhanh (BRT), thành phố Cần Thơ đã đề xuất đầu tư xây dựng mới tuyến xe buýt nhanh BRT Ô Môn-Nam Cần Thơ.

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Cần Thơ, trong giai đoạn 2015-2020, Sở đã đề xuất 4 phương án nghiên cứu đầu tư xây dựng mới 1 tuyến xe buýt nhanh Ô Môn (Quận Ô Môn) - Nam Cần Thơ (Quận Cái Răng) với cự ly khoảng 28,2km.

Phương án 1 với cự ly 27,7km, lộ trình bắt đầu từ Ô Môn (Bến xe Ô Môn)-Bình Thuỷ (Quốc lộ 91)-Ninh Kiều (Hùng Vương-Trần Hưng Đạo-3/2-Nguyễn Văn Linh-cầu Hưng Lợi)-Cái Răng (Nút giao IC3-Quốc lộ 1-Bến xe Nam Cần Thơ).

Phương án 2, với chiều dài 28,2km bắt đầu từ Bến xe Ô Môn-Quận Bình Thuỷ (Vành đai sân bay-Sân bay Cần Thơ-Võ Văn Kiệt)-Quận Ninh Kiều (Võ Văn Kiệt-Mậu Thân-30/4-Quang Trung-cầu Quang Trung)-Quận Cái Răng (Nút giao IC3-Quốc lộ 1-Bến xe Nam Cần Thơ).

Phương án 3, với chiều dài 26,3 km, bắt đầu từ Bến xe Ô Môn-Quận Bình Thuỷ (Quốc lộ 91B)-Quận Ninh Kiều (Nguyễn Văn Linh-Cầu Hưng Lợi)-Quận Cái Răng (Nút giao IC3-Quốc lộ 1-Bến xe Nam Cần Thơ).

Phương án 4, với chiều dài 26,9 km, bắt đầu từ Bến xe Ô Môn-Quận Bình Thuỷ (Quốc lộ 91)-Quận Ninh Kiều (Nguyễn Văn Cừ-Nguyễn Văn Cừ nối dài-Khu dân cư Hồng Phát-cầu Trần Hoàng Na-Quận Cái Răng (Bến xe Nam Cần Thơ).

Theo Sở Giao thông Vận tải thành phố Cần Thơ, hiện trên địa bàn thành phố có 78 xe buýt vận tải hành khách công cộng đang hoạt động.

Tuy nhiên, số lượng xe buýt đang hoạt động hầu hết đã cũ kỹ có niên hạn sử dụng trên 10 năm, nên khó có thể thu hút hành khách sử dụng phương tiện công cộng.

Trong giao đoạn 2016-2020, Cần Thơ dự kiến mở mới thêm 5 tuyến xe buýt nội thành với tổng chiều dài 159 km và mở 4 tuyến từ Cần Thơ đi Kiên Giang, Hậu Giang với tổng chiều dài 150km.

Từ 2020 đến 2030, thành phố Cần Thơ dự kiến mở mới 9 tuyến xe buýt nội thành, trong đó mở mới tuyến xe buýt nhanh BRT sân bay Cần Thơ-Nam Cần Thơ.

Ông Nguyễn Hồng Tiến, Cục Trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật-Bộ Xây dựng cho biết, phía Ngân hàng Thế giới đã hỗ trợ 1 phần kinh phí nghiên cứu giao thông công cộng BRT cho thành phố Cần Thơ và Cục Hạ tầng kỹ thuật là đơn vị thực hiện gói thầu nghiên cứu tiềm năng phát triển vận tải công cộng BRT cho thành phố Cần Thơ.

Việc phát triển tuyến xe buýt nhanh sẽ giúp thành phố Cần Thơ cải thiện dịch vụ vận tải xe buýt trong 10 năm tới một cách hiệu quả với chi phí hợp lý.

Cục Hạ tầng kỹ thuật cũng cho biết, sau buổi làm việc, Cục sẽ giúp thành phố Cần Thơ xây dựng kế hoạch thực hiện phát triển xe buýt nhanh theo từng giai đoạn, bao gồm cả nguồn vốn sơ bộ; xác định ưu tiên theo định hướng cải thiện những hành lang giao thông cụ thể theo định hướng phát triển xe buýt nhanh BRT./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục