Di sản Phong Nha-Kẻ Bàng: “Cú hích” mạnh mẽ phát triển du lịch

Với những giá trị nổi bật toàn cầu và những tiềm năng du lịch vốn có, Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng như một “cú hích” mạnh mẽ thúc đẩy ngành du lịch, dịch vụ của địa phương tăng trưởng vượt bậc.
Di sản Phong Nha-Kẻ Bàng: “Cú hích” mạnh mẽ phát triển du lịch ảnh 1Khách tham quan và khám phá vẻ đẹp độc đáo của Hang Tối, nằm trong quần thể di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Hơn mười năm nay, Quảng Bình vinh dự và tự hào sở hữu “viên ngọc quý” Di sản Thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng - một trong những địa danh đa dạng về tài nguyên thiên nhiên, sinh học, địa mạo địa chất và văn hóa lịch sử.

Đặc biệt, với những giá trị nổi bật toàn cầu và những tiềm năng du lịch vốn có, Phong Nha-Kẻ Bàng như một “cú hích” mạnh mẽ thúc đẩy ngành du lịch, dịch vụ của địa phương tăng trưởng vượt bậc. Mảnh đất Quảng Bình ngày càng có sức thu hút, quan tâm của cộng động quốc tế; làm bừng tỉnh xu thế phát triển, mở ra nhiều triển vọng và động lực phát triển toàn diện của vùng đất vốn nghèo khó này.

“Viên ngọc quý” từ thiên nhiên

Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng nằm ở phía Tây huyện Bố Trạch, giáp biên giới Việt-Lào; cách thành phố Đồng Hới khoảng 50km về phía Tây Bắc, cách thủ đô Hà Nội khoảng 500km về phía Nam; có diện tích vùng lõi trên 85.750ha và vùng đệm rộng 195.400ha.

Ngay từ những năm đầu thế kỷ 20, Phong Nha-Kẻ Bàng đã có sức thu hút mãnh liệt đối với cộng đồng quốc tế. Bẵng đi một thời gian dài do những trở ngại của chiến tranh, được sự quan tâm nghiên cứu của các tổ chức quốc tế, sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, các bộ ngành liên quan và sự nỗ lực của toàn tỉnh Quảng Bình, Phong Nha-Kẻ Bàng lại được hồi sinh mạnh mẽ. Với những giá trị nổi bật, có ý nghĩa khu vực và toàn cầu, Phong Nha-Kẻ Bàng được ví như “viên ngọc quý” mà thiên nhiên đã ban tặng cho Quảng Bình nói riêng và cho cả nhân loại nói chung.

Tháng 7/2003, Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới, theo tiêu chí “Lịch sử Trái Đất và đặc điểm địa chất có giá trị nổi bật toàn cầu." Đặc biệt mới đây tại kỳ họp lần thứ 39 tại Bonn, Cộng hòa Liên bang Đức, Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng đã được UNESCO vinh danh vào Danh sách Di sản thế giới lần thứ hai.

Sự công nhận của Ủy ban di sản thế giới không những khẳng định mức độ đa dạng, đặc hữu và toàn vẹn của thế giới tự nhiên tồn tại nơi đây mà còn ghi nhận nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, tỉnh Quảng Bình và Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng đối với nỗ lực quản lý, bảo tồn, nghiên cứu, bảo vệ, thực thi pháp luật và nâng cao nhận thức cộng đồng. Đây là một sự kiện quan trọng, là niềm vinh dự không chỉ cho tỉnh Quảng Bình mà còn cho đất nước Việt Nam.

Di sản Thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng được biết đến là khu vực có kiến tạo karst cổ nhất và lớn nhất châu Á, mang trong mình nhiều bằng chứng về các giai đoạn lịch sử hình thành về địa chất của vỏ Trái Đất; có quần thể hang động, sông ngầm phong phú, đa dạng, trong đó có Sơn Đoòng - hang động có cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ và lớn nhất thế giới. Hiện tại, Phong Nha-Kẻ Bàng là khu vực chứa đựng những giá trị nổi bật toàn cầu về hệ sinh thái và đa dạng sinh học.

Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng còn có kiểu rừng độc nhất không tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên Trái Đất là rừng nhiệt đới ẩm, còn tương đối nguyên vẹn trên núi đá vôi với độ che phủ chiếm 94%, trong đó 84% là rừng nguyên sinh. Vườn có trên 2.930 loài thực vật bậc cao có mạch và hơn 800 loài động vật có xương sống, trong đó có nhiều loài nằm trong Sách đỏ của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới IUCN và chỉ tồn tại ở một số nơi trên thế giới. Mức độ đặc hữu ở khu vực này được xác định là cao với trên 400 loài thực vật của Việt Nam và 38 loài động vật của dãy Trường Sơn. Có nhiều loài mới được ghi nhận như bò cạp hang động, cá, thằn lằn, rắn, rùa. Đặc biệt quan trọng, ở đây có bốn phân loài linh trưởng đặc hữu đang bị đe dọa gồm voọc Hà Tĩnh, phân loài voọc Hà Tĩnh, chà vá chân nâu, vượn đen má trắng. Báo cáo đánh giá thẩm định của IUCN nhấn mạnh số lượng loài động, thực vật của Phong Nha-Kẻ Bàng có sự đa dạng cao nhất ở Việt Nam và rất cao so với các Di sản thế giới các nước trong và ngoài khu vực.

Cùng với những nổi bật về địa chất, địa mạo, đa dạng sinh học, Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng còn chứa đựng nhiều di vật khảo cổ với các bằng chứng về sự sinh sống của con người; khu vực có những dấu tích, di tích và địa danh lịch sử trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ như bến phà Xuân Sơn, đường mòn Hồ Chí Minh, đèo Mụ Giạ, đường 20 Quyết thắng… trong đó, di tích lịch sử hang Tám thanh niên xung phong đã trở thành bản anh hùng ca bất tử vì Tổ quốc.

Với các giá trị về cảnh quan, thẩm mỹ, cảm hứng và hiệu hữu của núi đá vôi hùng vĩ, những di tích lịch sử văn hóa xung quanh khu Di sản đã tạo nên vẻ đẹp tuyệt mỹ, đưa đến cho du khách những trải nghiệm kỳ diệu đầy cảm hứng cần được bảo tồn mãi mãi cho thế hệ mai sau. Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng sẽ trở thành dịch vụ khoa học quý báu cho công tác bảo tồn thiên nhiên, phát triển du lịch sinh thái và phát triển kinh tế-xã hội.

Thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương

Tỉnh Quảng Bình xác định tiềm năng, lợi thế để thu hút du khách trong nước và quốc tế đến với Quảng Bình không chỉ là biển, suối nóng, những di tích lịch sử, văn hóa mà nét đặc sắc là “Vương quốc hang động” ở khu vực Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. Do đó, loại hình du lịch bền vững để tạo sức cạnh tranh mạnh mẽ của du lịch Quảng Bình chính là du lịch khám phá hang động kết hợp với du lịch sinh thái văn hóa trong hoạt động kết nối hợp tác du lịch vùng trên “Con đường di sản miền Trung," hợp tác phát triển du lịch với Lào và Thái Lan.

Cùng với hệ thống giao thông khá đồng bộ, thuận tiện như đường thủy, đường sắt, đường hàng không, đường bộ, thì hệ thống dịch vụ-khách sạn, nhà hàng không ngừng được cải thiện, hệ thống bưu chính-viễn thông, ngân hàng… không ngừng được phát triển, đáp ứng nhu cầu của người dân cũng như du khách khi đến Quảng Bình.

Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng được công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới như một “cú hích” mạnh mẽ cho du lịch Quảng Bình tăng trưởng vượt bậc. Với những ưu thế về hệ thống hang động và đa dạng sinh học, Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng đã được khai thác phục vụ phát triển du lịch với các loại hình đa dạng như khám phá hang động bằng xuồng, du lịch sinh thái, khám phá hệ động thực vật, leo núi mạo hiểm… Nhiều điểm du lịch được đưa vào sử dụng, khai thác có hiệu quả như động Phong Nha-Tiên Sơn, tuyến du lịch sông Chày-hang Tối, suối nước Moọc, khám phá Sơn Đoòng…

Số lượng khách đến tham quan Phong Nha-Kẻ Bàng ngày càng đông, tăng bình quân hàng năm 24%, đưa lại nguồn thu đáng kể cho địa phương. Riêng năm 2012, động Thiên Đường thu hút trên 255.730 khách du lịch, trong đó có trên 4.270 khách quốc tế. Trung tâm Du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng đón 260.410 khách du lịch, trong đó có gần 10.630 khách quốc tế.

Nhờ các hoạt động du lịch mà khoảng 1.000 dân khu vực Xuân Sơn, Bố Trạch đã sống và phát triển bằng nghề du lịch… Tác động của Di sản đến thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh cũng đáng kể, góp phần tăng thu ngân sách và giải quyết việc làm, tăng thu nhập và ổn định đời sống nhân dân; giảm thiểu áp lực về sinh kế của người dân lên tài nguyên thiên nhiên của di sản. Việc đầu tư các công trình hạ tầng phục vụ du lịch trong Vườn Quốc gia nhằm khai thác tiềm năng du lịch của Vườn phục vụ phát triển kinh tế tỉnh; đồng thời đảm bảo việc đi lại, trao đổi hàng hóa tạo điều kiện và cơ hội cho người dân giao lưu và phát triển…

Ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình khẳng định với diện tích 125.000ha trên nền khối đá vôi cổ khổng lồ, hùng vĩ, Phong Nha-Kẻ Bàng là kho báu của các nhà khoa học. Muốn Phong Nha-Kẻ Bàng bảo tồn được các giá trị nổi bật toàn cầu của một Di sản Thiên nhiên Thế giới, tổ chức quản lý và khai thác nguồn tiềm năng quý giá trên nguyên tắc phát triển bền vững thì còn nhiều việc phải làm, nhưng việc đầu tiên, có vai trò quyết định chính là đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học về Phong Nha-Kẻ Bàng. Hoạt động này sẽ góp phần quan trọng vào việc bảo tồn, khai thác và phát huy có hiệu quả các giá trị quốc tế đặc biệt, nổi bật toàn cầu và các giá trị đặc hữu, độc đáo và đặc biệt quý hiếm của Di sản Thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.

Vấn đề bảo vệ môi trường thiên nhiên có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển của du lịch sinh thái, cũng có nghĩa là quyết định đến tương lai du lịch Quảng Bình. Vì vậy, Quảng Bình đã và đang thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ để có thể giữ gìn, phát huy những ưu thế mà thiên nhiên ưu đãi, hạn chế tới mức thấp nhất sự quá tải của các khu, điểm du lịch, có cơ chế khuyến khích việc khai thác các tiềm năng du lịch sinh thái; có chính sách ưu đãi về nguồn vốn vay dành cho các doanh nghiệp đầu tư cho phát triển du lịch sinh thái. Nhất là việc khai thác du lịch trên cơ sở tăng cường quản lý nhà nước với địa phương và người dân vùng sở tại; công tác tuyên truyền, quảng bá để nâng cao nhận thức xã hội về du lịch, bảo vệ môi trường và di sản; nâng cao nhận thức cho các đối tượng quản lý, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp du lịch và cộng đồng; tạo điều kiện, có chính sách ưu đãi đầu tư vào du lịch địa phương.

Ngoài ra, tỉnh cũng chuẩn bị cho cộng đồng để ứng phó với tác động du lịch; đào tạo con người; tăng cường tiếp thị và xúc tiến, quảng bá để đảm bảo hình ảnh du lịch Quảng Bình ngày càng được đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế đến với địa phương.

Mảnh đất và con người Quảng Bình vinh dự và tự hào có được “viên ngọc quý” Di sản Thiên nhiên Thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, đây cũng chính là tài sản chung của toàn nhân loại. Bản thân Di sản là một giá trị để phát triển, vì vậy phát triển du lịch là phải bảo vệ những giá trị đích thực của Di sản. Vấn đề quản lý, bảo tồn và phát huy, phát triển Di sản phải luôn được chú trọng. Được công nhận, vinh danh đã khó nhưng để giữ được danh hiệu ấy còn khó hơn nhiều. Vì vậy, mỗi người dân Quảng Bình đều phải có trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn và phát triển, bởi đó là tài sản quý giá của dân tộc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục