Di tích Đình-Chùa Đông Ngạc đất Thăng Long xưa

Đình-chùa Đông Ngạc thuộc làng Vẽ, xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội, là cụm di tích lịch sử nổi tiếng đất Thăng Long xưa.
Đình và Chùa Đông Ngạc thuộc làng Vẽ, xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội.

Năm 1993, Đình và Chùa Đông Ngạc được công nhận là di tích lịch sử quốc gia.

Đình Đông Ngạc

Đình Đông Ngạc thờ 3 vị Thành hoàng làng là Độc Cước, Lê Khôi (cháu gọi Lê Lợi bằng bác), có công dẹp giặc Minh, đánh tan giặc Chiêm Thành và một vị thổ thần, được ghi trong sắc phong là “Bảo vệ Chương Hòa đốn ngưng thổ địa hiển chưng chí thần”.

Tiền thân của đình là một ngôi miếu cổ dựng từ thời nhà Đường sang đô hộ nước ta và đã được trùng tu nhiều lần qua các văn bia ghi vào các năm 1635, 1653, 1718, 1836, 1941…

Đình Đông Ngạc được xây dựng trên một khu đất rộng phía trước là một hồ sen lớn rồi đến cổng tam quan ngoại. Qua cổng tam quan ngoại xuống 11 bậc gạch tới một sân, hai bên có hai giếng nước trồng sen, tiếp sau là cổng tam quan nội rồi đến một khoảng sân rộng lát gạch, hai bên sân là hai dãy tả hữu mạc. Trong nhà tả mạc có 6 tấm bia.

Hết sân trong là đến khu kiến trúc chính của đình gồm tòa đại bái và hậu cung ẩn hiện dưới các vòm cây cổ thụ xanh tươi bốn mùa.

Tòa đại bái có hai nếp nhà xếp hình chữ “Nhị”. Nếp nhà ngoài có mái lợp ngói mũi hài cổ. Gian giữa có 2 con hạc thờ cùng 2 bộ lỗ bộ 16 chiếc vũ khí. Nếp nhà phía trong được nối với với nếp nhà ngoài và bày kiệu rước, long đình, nhang án, sập thờ.

Trong hậu cung có đặt hương án, long ngai và bài vị thành hoàng làng.

Hệ thống di vật tồn tại trong nội thất đình Đông Ngạc phong phú, đa dạng và hiếm quý.

Ngoài 8 tấm bia đá có các niên đại Lê Trung Hưng và Nguyễn, 1 cuốn ngọc phả, 45 đạo sắc phong (với các niên đại 1670, 1789, 1924…), nội thất đình còn bao gồm 1 quả chuông đồng đúc năm 1833, 2 bộ bát bửu, 1 biểu tượng tay cầm bút lông và 1 biểu tượng tay cầm nòng lửa.

Đình Đông Ngạc còn lưu giữ 1 đôi hạc thờ cao 2 m, 1 bộ ngũ sự, 3 cỗ kiệu bát cống, 1 cỗ kiệu võng, 1 long đình, 6 hoành phi, 24 câu đối, 1 kiệu rước thần mía, 2 hương án, 1 sập thờ, 3 long ngai, 48 bức tranh trên ván gỗ (mỗi bức tranh đều có kèm 1 bài thơ), 3 bộ triều phục và nhiều đồ thờ khác.

Chùa Đông Ngạc

Chùa Đông Ngạc có 59 gian, kiến trúc nội tự chữ “Đinh”, ngoại tự chữ “Quốc”.

Chùa được khởi dựng từ thời vua Lê Thần Tông (1653-1661) ghi rõ công đức ông Nguyễn Phúc Luân và bà Trần Thị Ngọc Luân.

Hai nhân vật trên được chọn là hậu Phật của chùa.

Hiện tại, chùa còn 53 tượng đẹp, 1 quả chuông nặng 750kg treo ở gác chuông có niên đại Gia Long 16 (năm 1817) và 2 quả chuông nhỏ hơn cũng được đúc vào thời Nguyễn.

Chùa còn 3 bộ cửa võng, nhang án, hoành phi, câu đối được chạm trổ tinh xảo.

Chùa Đông Ngạc là ngôi chùa duy nhất ở thành phố Hà Nội được phong tặng danh hiệu "Toàn gia kháng chiến" trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954)./.
Đình Trung (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục