Đi tìm lời giải cho bài toán về cân bằng nhân lực

Thay đổi phương thức tuyển sinh, liên kết đào tạo với các doanh nghiệp, sử dụng theo năng lực… là giải pháp cho bài toán nhân lực.
Thay đổi trong phương thức tuyển sinh, liên kết đào tạo với các doanh nghiệp, đào tạo theo nhu cầu, sử dụng theo năng lực và có chính sách ưu tiên với những ngành đặc thù… là những giải pháp cho bài toán nhân lực hiện nay.

Tuyển sinh “kiểu mới”

Ông Lê Doãn Hợp, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hầu hết các trường có đào tạo ngành công nghệ thông tin đều đề nghị được thi tuyển sinh ba môn toán, lý và ngoại ngữ thay cho môn hóa vì hóa không có tác dụng trong ngành này. “Tôi đồng tình với đề nghị này và sẽ có kiến nghị sớm với Bộ Giáo dục và Đào tạo thi vào khoa công nghệ thông tin bằng khối A’, thay môn hóa bằng môn ngoại ngữ,” ông Hợp nói.

Cũng theo ông Hợp, chúng ta phải mạnh dạn thuê chuyên gia nước ngoài về đào tạo, đồng thời đưa giảng viên của Việt Nam đi bổ túc ở nước ngoài, liên kết với các trường tên tuổi của thế giới. Các đại học có thể liên danh, liên kết với doanh nghiệp, coi doanh nghiệp là nơi đăng ký đào tạo và trường là nơi thực hiện đào tạo.

Đào tạo theo đơn đặt hàng cũng là ý kiến của ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Đại học FPT. Trong thời gian vừa qua, tại Việt Nam đã có sự gắn kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp với nhà trường để đào tạo nguồn nhân lực công nghệ. Cụ thể, Tập đoàn FPT lập ra trường Đại học FPT cách đây 5 năm, Tập đoàn CMC, Viettel đầu tư vào trường Đại học quốc tế Bắc Hà, Tổng công ty VTC đầu tư vào trường Đại học Văn Hiến…

“Đây là một mô hình cần được nhân rộng để các doanh nghiệp có thể tham gia một cách trực tiếp vào công tác đào tạo. Sau khi sinh viên ra trường, họ có thể đáp ứng ngay công việc tại doanh nghiệp,” ông Tùng cho biết.

Phát biểu tại Hội thảo phát triển nguồn lực công nghệ thông tin do Câu lạc bộ CEO&CIO tổ chức cuối tháng 4/2011, ông Nguyễn Trọng Bình, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, cần thành lập Hiệp hội đào tạo công nghệ thông tin.

Theo ông, Hiệp hội này sẽ là cầu nối gắn kết giữa các cơ sở đào tạo, gắn kết giữa hàn lâm và doanh nghiệp, giúp các đơn vị chia hỗ trợ lẫn nhau về chương trình, giáo trình, học liệu…

Không “linh hoạt” được như các trường khối công nghệ thông tin, lãnh đạo đại học khối các trường khối ngành nông lâm ngư “kêu cứu” với Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tại Hội nghị tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2011, Phó Hiệu trưởng Đại học Tây Nguyên Nguyễn Hữu Vui kiến nghị: “Trường đào tạo nhân lực cho các tỉnh vùng sâu, vùng xa. Vì thế, Bộ cần có chính sách ưu tiên, có thể miễn học phí như với sinh viên sư phạm.” Ông Phùng Quang Việt, Hiệu trưởng Đại học Hùng Vương, Phú Thọ lại xin được giãn điểm ưu tiên khu vực.

Thay đổi trong nhận thức

Theo Chiến lược phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giải pháp phát triển nhân lực mang tính đột phá đầu tiên không phải là sự liên kết, miễn học phí hay hạ điểm tuyển sinh mà phải là đổi mới nhận thức về phát triển và sử dụng nhân lực. Cần quán triệt quan điểm con người là nền tảng, là yếu tố quyết định nhất trong phát triển bền vững kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước và sự hưng thịnh của mỗi đơn vị, tổ chức.

Mỗi bộ, ngành và địa phương phải xây dựng quy hoạch phát triển nhân lực đồng bộ với chiến lược, kế hoạch phát triển chung của mình. Các doanh nghiệp và tổ chức phải có kế hoạch phát triển nhân lực.

Đào tạo nhân lực phải gắn với nhu cầu xã hội, nhu cầu của thị trường lao động và sử dụng, đánh giá và đãi ngộ nhân lực phải dựa vào năng lực thực và kết quả, hiệu quả công việc.

Cũng theo Chiến lược phát triển này, cần phải đổi mới căn bản cơ chế quản lý nhà nước đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo, hoàn chỉnh các quy định về điều kiện thành lập, chuẩn mực và đánh giá chất lượng của các cơ sở giáo dục.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phân cấp, thực hiện quyền tự chủ, nghĩa vụ tự chịu trách nhiệm của các cơ sở đào tạo nhân lực trên cơ sở quản lý của nhà nước và giám sát của xã hội. Việc thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh cũng sẽ làm chuyển mạnh hệ thống đào tạo sang hoạt động theo cơ chế đào tạo đáp ứng nhu cầu của xã hội, tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo.

Các chuyên gia giáo dục thì cho rằng, chúng ta cần phải có những kênh tư vấn cho học sinh từ khi các em còn ngồi trong ghế nhà trường. Có thế, các em mới định hướng nghề nghiệp một cách rõ ràng, để tránh trường hợp nguồn nhân lực ngành thừa, ngành thì quá thiếu./.

Phạm Mai Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục