Dịch COVID-19 trên thế giới: Mỹ vẫn đứng đầu về số ca nhiễm

Trong 24 giờ qua, toàn thế giới đã ghi nhận 384.773 ca mắc mới COVID-19, trong đó Mỹ chiếm nhiều nhất với 74.199 ca, tiếp theo là Anh với 36.100 ca và Thổ Nhĩ Kỳ là 27.688 ca.
Dịch COVID-19 trên thế giới: Mỹ vẫn đứng đầu về số ca nhiễm ảnh 1Nhân viên y tế tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Los Angeles, California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h00 ngày 21/9 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 229.762.580 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 4.711.693 người không qua khỏi.

Số bệnh nhân bình phục hiện đã lên tới 206.415.029 người.

Trong 24 giờ qua, toàn thế giới đã ghi nhận 384.773 ca mới, trong đó Mỹ chiếm nhiều nhất với 74.199 ca, tiếp theo là Anh với 36.100 ca và Thổ Nhĩ Kỳ là 27.688 ca.

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tới nay, Mỹ là quốc gia chịu sự tác động nặng nề nhất với 43.071.409 ca mắc, trong đó có 693.390 ca tử vong.

Xếp thứ hai thế giới về số ca mắc là Ấn Độ với 33.502.744 ca, trong đó có 445.416 ca tử vong. Brazil đứng thứ ba khi nước này ghi nhận 21.247.667 ca và 591.034 ca tử vong. 

Ngày 20/9, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố nới lỏng mới về nhập cảnh. Theo đó, từ tháng 11 tới, người từ Liên minh châu Âu (EU) và Anh nếu đã được tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 sẽ có thể đến Mỹ.

[EU, Anh và Đức hoan nghênh Mỹ nới lỏng hạn chế đi lại]

Chính sách mới đánh dấu kết thúc lệnh cấm đi lại kéo dài 18 tháng được áp dụng từ thời chính quyền tiền nhiệm của ông Donald Trump khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Mỹ.

Financial Times dẫn các nguồn thạo tin cho biết kể cả những người được tiêm vaccine đầy đủ theo các chương trình thử nghiệm lâm sàng vaccine chưa được cấp phép tại Anh cũng sẽ được phép nhập cảnh Mỹ.

Một nguồn tin khác cho hay chính sách trên là một phần của chương trình mang tính bao trùm hơn mà chính quyền Mỹ đang xây dựng để áp dụng với các hoạt động di chuyển quốc tế, nhằm thay thế cho hệ thống các biện pháp cấm và hạn chế hiện hành.

Bộ Y tế Israel thông báo sẽ dỡ bỏ lệnh cấm đi lại tới Mexico từ ngày 27/9 do quốc gia Bắc Mỹ đã giảm đà lây lan dịch bệnh COVID-19. Trong khi đó, lệnh cấm đi lại vẫn có hiệu lực đối với các quốc gia như Brazil, Bulgaria và Thổ Nhĩ Kỳ.

Công dân Israel và người nước ngoài định cư lâu dài ở Israel nếu muốn đi tới 3 quốc gia nêu trên cần phải có giấy phép của một ủy ban đặc biệt.

Trong khi đó, những người từ 3 quốc gia đó nhập cảnh vào Israel được yêu cầu phải tự cách ly 7 ngày tại nơi ở. Ngoài ra, những người đến từ các quốc gia khác chỉ cần tự cách ly 24 giờ hoặc đến khi có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.

Dịch COVID-19 trên thế giới: Mỹ vẫn đứng đầu về số ca nhiễm ảnh 2Du khách xuất trình chứng nhận số về COVID-19 của Liên minh châu Âu cấp khi vào thăm quan viện bảo tàng ở Vatican ngày 6/8/2021, trong bối cảnh Italy ra quy định yêu cầu khách thăm quan phải trình thẻ xanh mới được vào các điểm du lịch, rạp chiếu phim, nhà hàng, khu thể thao trong nhà. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một số quốc gia khác lại siết chặt biện pháp phòng dịch nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Cùng ngày, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cho hay sẽ đưa ra các quy định khác nhau về đeo khẩu trang ở nơi công cộng đối với những người đã được tiêm chủng và chưa được tiêm chủng.

Từ ngày 15/9, tại các cửa hàng bán lẻ, khẩu trang FFP2 sẽ là bắt buộc đối với tất cả khách hàng chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19. Người đã tiêm vaccine sẽ được bỏ quy định này, tuy nhiên được khuyến cáo nên tiếp tục đeo khẩu trang.

Trong các siêu thị và phương tiện giao thông công cộng, khẩu trang FFP2 sẽ là bắt buộc đối với tất cả mọi người, khẩu trang vải sẽ không được phép sử dụng. Vi phạm quy định về khẩu trang sẽ bị phạt 90 euro.

Chính phủ Áo cho biết vấn đề giám sát việc tuân thủ sẽ thuộc thẩm quyền của cảnh sát dưới hình thức kiểm tra ngẫu nhiên theo yêu cầu của cơ quan y tế và tiếp tục khuyến khích người dân tiêm vaccine, đồng thời sẽ tập trung vào việc tuyên truyền tiêm liều thứ ba. Việc xử phạt đối với hành vi giả mạo giấy chứng nhận tiêm chủng sẽ được siết chặt

Trong khi đó, Vatican tuyên bố từ ngày 1/10 tới, những người muốn vào Vatican sẽ cần phải có thẻ xanh COVID-19, chứng nhận người đó đã tiêm ít nhất một mũi vaccine, có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ hoặc phục hồi sau khi mắc COVID-19.

Tuyên bố của Vatican được đưa ra trong bối cảnh Italy là quốc gia châu Âu đầu tiên đã công bố sắc lệnh bắt buộc tất cả các nhân viên công vụ và những người lao động trong khu vực tư nhân phải có thẻ xanh COVID-19 từ 15/10, khi Rome đang tìm cách thuyết phục người dân tích cực tiêm chủng, qua đó giảm khả năng lây lan COVID-19 ở một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch.

Cùng ngày 20/9, Italy đã bắt đầu tiêm liều vaccine COVID-19 thứ ba cho khoảng 3 triệu người được coi là dễ bị tổn thương về mặt lâm sàng, như những bệnh nhân ung thư và người được ghép tạng. Cơ quan dược phẩm AIFA của Italy khuyến nghị nên sử dụng 2 loại vaccine của hãng Pfizer/BioNTech và Moderna cho mũi tiêm thứ ba.

Tại châu Á, chính phủ Indonesia đã quyết định tiếp tục kéo dài lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) cấp độ 1-4 tại Java và Bali cũng như tại các địa phương khác bên ngoài hai hòn đảo đông dân này, đồng thời nới lỏng thêm một số hạn chế xã hội.

Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư kiêm Điều phối viên PPKM tại Java và Bali, ông Luhut Pandjaitan, cho biết biện pháp này sẽ kéo dài thêm hai tuần, từ ngày 21/9 đến ngày 4/10 tới. 

Bộ trưởng Luhut thông báo rằng trong lần gia hạn thứ 10 này, không còn khu vực nào tại Java và Bali áp dụng PPKM cấp độ 4 với lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất, đồng thời tuyên bố rằng chính phủ sẽ tiếp tục triển khai biện pháp này chừng nào đại dịch chưa hoàn toàn biến mất. 

Mặc dù tiếp tục kéo dài PPKM cấp độ 1-4, chính phủ Indonesia đã nới lỏng các hạn chế trong một số lĩnh vực, theo đó cho phép mở cửa trở lại các địa điểm công cộng như trung tâm thương mại, sân chơi, khu vui chơi giải trí, chợ, rạp chiếu phim, nhà thờ…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục