Dịch COVID-19: Trung Quốc mở rộng đối tượng tiêm vắcxin

Việc mở rộng đối tượng tiêm vắcxin ngừa COVID-19 là do ngày càng có nhiều dữ liệu nghiên cứu lâm sàng đối với các loại vắcxin, nguồn cung vắcxin ngày càng tăng và nhu cầu kiểm soát dịch bệnh tốt hơn.
Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, ngày 13/1/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, ngày 13/1/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ủy ban Y tế quốc gia (NHS) của Trung Quốc ngày 13/1 cho biết nước này sẽ mở rộng đối tượng tiêm vắcxin phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có cả những người trên 60 tuổi.

Theo NHS, việc mở rộng này là do ngày càng có nhiều dữ liệu nghiên cứu lâm sàng đối với các loại vắcxin, nguồn cung vắcxin ngày càng tăng và nhu cầu kiểm soát dịch bệnh tốt hơn.

Các đối tượng trong chiến dịch tiêm vắcxin ngừa COVID-19 hiện nay ở Trung Quốc bao gồm những người từ 18 đến 59 tuổi - vốn có nguy cơ nhiễm bệnh và lây lan cho người khác cao hơn.

Những nhóm chính được tiêm phòng vắcxin ngừa COVID-19 hiện nay ở Trung Quốc gồm những người tham gia xử lý các sản phẩm đông lạnh dây chuyền nhập khẩu, nhân viên hải quan, nhân viên y tế và những người làm việc trong ngành giao thông công cộng.

Cùng ngày, ban lãnh đạo Tập đoàn công nghệ sinh học Sinovac của Trung Quốc cho biết có thể tăng gấp đôi năng lực sản xuất hằng năm vắcxin CoronaVac ngừa COVID-19 do tập đoàn này bào chế lên 1 tỷ liều vào tháng Hai tới.

Hơn 7 triệu liều vắcxin CoronaVac - một trong 3 loại vắcxin do Trung Quốc sản xuất, được sử dụng trong chương trình tiêm chủng khẩn cấp. Ban lãnh đạo Sinovac cũng đã khẳng định độ an toàn và hiệu quả của vắcxin CoronaVac.

Indonesia là quốc gia đang sử dụng vắcxin của Sinovac cho chương trình tiêm chủng của mình.

Trong sáng 13/1, trong một sự kiện được phát sóng trực tiếp, Tổng thống Indonesia Joko Widodo là người đầu tiên được tiêm vắcxin CoronaVac do công ty Sinovac Biotech của Trung Quốc sản xuất.

Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho biết gần 1,5 triệu nhân viên y tế sẽ được tiêm vắcxin trong tháng Hai, tiếp đó các công chức và người dân sẽ được tiêm chủng trong vòng 15 tháng.

Ông cùng toàn bộ thành viên nội các và đại diện các tổ chức tôn giáo cũng được tiêm chủng trong ngày 13/1.

Chiến dịch tiêm chủng trên được tiến hành chỉ hai ngày sau khi Cơ quan Giám sát thực phẩm và dược phẩm Indonesia (BPOM) chính thức cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp (EUA) cho vắcxin của công ty Sinovac.

Hôm 12/1, Indonesia đã tiếp nhận lô vắcxin ngừa COVID-19 thứ 3 gồm 15 triệu liều từ công ty Sinovac Biotech. Trước đó, quốc gia này đã tiếp nhận 1,2 triệu liều vào ngày 6/12 và thêm 1,8 triệu liều khác vào ngày 31/12.

[Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại một số quốc gia ngày 13/1]

Một quốc gia Đông Nam Á khác là Thái Lan cho biết sẽ nhận và sử dụng vắcxin CoronaVac của Trung Quốc từ tháng tới. Quốc gia Đông Nam Á này đã đặt mua 2 triệu liều vắcxin CoronaVac và dự kiến sẽ nhận 200.000 liều đầu tiên vào tháng tới.

Trong khi đó, Malaysia - nước đang đàm phán mua vắcxin CoronaVac của Sinovac, cho biết sẽ chỉ xúc tiến các thủ tục tiếp theo nếu vắcxin này đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn và hiệu quả của nước này.

Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Malaysia Khairy Jamaluddin khẳng định nước này sẽ xem xét dữ liệu thử nghiệm của Sinovac trước khi đưa ra quyết định có mua hay không.

Cùng ngày 13/1, Bộ Y tế Singapore cho biết hơn 6.000 người đã được chủng ngừa mũi đầu tiên vắcxin phòng bệnh biêm đường hô hấp cấp COVID-19 và con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong những tuần tới trong bối cảnh đảo quốc này đang nỗ lực đẩy nhanh công tác tiêm chủng.

Singapore đã bắt đầu tiêm vắcxin phòng bệnh COVID-19 cho các nhân viên y tế từ ngày 30/12/2020, trở thành quốc gia châu Á đầu tiên triển khai chương trình tiêm chủng chế phẩm này.

Trong những tháng gần đây, quốc gia với 5,7 triệu dân này hiện vẫn đang ghi nhận số ca mắc trong cộng đồng và số ca tử vong do COVID-19 tương đối thấp, với chỉ 29 trường hợp không qua khỏi.

Cho tới nay, Singapore mới chỉ cấp phép sử dụng đối với vắcxin do hai hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp bào chế, song cho biết đã đảm bảo đủ vắcxin của các nhà sản xuất khác như Moderna (Mỹ) và Sinovac (Trung Quốc) để cung cấp cho toàn bộ người dân vào quý 3 năm nay.

Theo giới chức y tế nước này, Singapore cũng có thể bắt đầu triển khai tiêm vắcxin phòng COVID-19 cho người cao tuổi từ cuối tháng Một này, sớm hơn so với dự kiến.

Cùng ngày, Jordan đã triển khai chương trình tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19, trong đó ưu tiên cho các nhân viên y tế, người có bệnh mãn tính và đối tượng ngoài 60 tuổi.

Những mũi vắcxin đầu tiên đã được chủng ngừa cho các nhân viên y tế tại các bệnh viện và các cơ sở y tế khác, sau khi nhà chức trách xác định 29 trung tâm tiêm chủng trên khắp cả nước, trong đó thủ đô Amman có 9 điểm tiêm chủng.

Ông Wael Hayajneh, người đứng đầu đơn vị phòng chống dịch và các bệnh truyền nhiễm thuộc Bộ Y tế, cho biết Jordan là một trong số "40 quốc gia đầu tiên được tiêm chủng" vắcxin ngừa COVID-19.

Ông khuyến cáo mọi người chủng ngừa vắcxin này bởi đây là giải pháp đáng tin cậy duy nhất để đẩy lùi dịch bệnh này. Ông nhấn mạnh: "Tình hình y tế tại Jordan sẽ không cải thiện nếu tất cả chúng ta không tiêm phòng."

Hồi cuối tuần trước, Jordan thông báo đã cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với vắcxin của hãng Sinopharm (Trung Quốc). Đây là vắcxin thứ hai được Vương quốc này phê chuẩn sau vắcxin của Pfizer/BioNTech.

Chính phủ đặt mục tiêu cung cấp vắcxin miễn phí cho khoảng 25% trong số 10 triệu công dân và cư dân nước ngoài tại nước này.

Tới nay, Jordan đã ghi nhận 310.000 ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 4.000 ca tử vong. Nước này cũng đã phát hiện 5 trường hợp mắc biến thể mới của virus SARS-CoV-2 vốn xuất hiện đầu tiên tại Anh.

Ngày 13/1, Lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc (USFK) thông báo đã bắt đầu mở rộng đối tượng được tiêm chủng vắcxin phòng COVID-19 , sau khi nhân viên y tế và binh sĩ tuyến đầu trong lực lượng này đã được tiêm vắcxin hồi cuối năm ngoái.

Trên mạng xã hội Facebook, USFK cho biết đã nhận được lô vắcxin thứ hai của hãng Moderna (Mỹ) và bắt đầu tiêm chủng trên cơ sở tự nguyện cho tất cả các cá nhân nắm giữ vị trí sẵn sàng chiến đấu như các nhà lãnh đạo chủ chốt, các đơn vị chỉ huy và các đơn vị tiền tuyến vào đầu tuần này.

USFK đã nhận lô vắcxin đầu tiên của Moderna vào ngày 25/12/2020 và những liều vắcxin này đã được tiêm cho các nhân viên y tế tuyến đầu, đội phản ứng nhanh và các chỉ huy cấp cao, trong đó có Tướng Robert Abrams - người đứng đầu USFK.

Quân đội Mỹ cho biết USFK triển khai tiêm chủng vắcxin tại 3 cơ sở điều trị y tế của lực lượng này. Lầu Năm Góc đã chọn trụ sở USFK là một trong 4 địa điểm ở ngoài lục địa Mỹ nhận được lô vắcxin đầu tiên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục