Điểm du lịch văn hóa về nguồn quen thuộc ở Cần Thơ

Nhà cổ Bình Thủy ở thành phố Cần Thơ là địa điểm du lịch văn hóa về nguồn quen thuộc của mảnh đất phương Nam.

Thành phố Cần Thơ ngày nay vừa là trọng điểm của khu vực về kinh tế, văn hóa du lịch, vừa là nơi lưu giữ những dấu ấn đặc trưng của vùng đồng bằng sông nước Cửu Long.

Đến Cần Thơ, ngoài tham quan tìm hiểu đời sống văn hóa của người dân qua các điểm du lịch như bến Ninh Kiều, chợ nổi Cái Răng, khu du lịch Mỹ Khánh, vườn Cò Bằng Lăng..., khách du lịch còn tìm hiểu những giai thoại từ Nhà cổ Bình Thủy. Đây là địa điểm du lịch văn hóa về nguồn quen thuộc của mảnh đất phương Nam, nằm trong dự án tôn tạo của ngành du lịch.

Nhà cổ Bình Thủy là một trong những ngôi nhà cổ nhất, tọa lạc tại số 26/1A, đường Bùi Hữu Nghĩa, phường Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Ngôi nhà được các nhà văn hóa nhận định là còn giữ nguyên vẹn những đặc trưng nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long thế kỷ trước. Trong khi đa số ngôi nhà ở Bình Thủy lúc bấy giờ khá đơn giản, thoáng mát, vách xung quanh bằng tre, nứa, lá... thì nhà cổ Bình Thủy của gia đình họ Dương được xây dựng khang trang theo kiến trúc Pháp.

Ngôi nhà được xây bằng gạch thẻ 9x19 của Pháp từ năm 1870, dùng keo kết dính, toàn bộ hệ thống vì kèo bao lam và cột lớn (cao 4-6m, đường kính 180cm) được nối kết bằng mộng ngoàm.

Đặc biệt, để chống mối và giữ độ lạnh, người ta còn rải đều dưới nền một lớp muối hột dày hơn 10cm. Nhà có 5 gian 2 mái, diện tích tương đương các ngôi biệt thự hiện đại ngày nay nhưng có hình khối chữ nhật nằm ngang, còn gọi là nhà bát dần.

Nhà được xây cao hơn mặt đất khoảng 1m, có 3 cửa vòm, 2 cửa bên và 2 cửa hậu, kiến trúc thông thoáng, sáng sủa, cột cao và ít vách ngăn để cho ánh sáng và không khí vào bên trong. Lối đi chính của nhà là hai cầu thang hình vòng cung giao nhau ở trước mặt tiền. Đây là kiểu nhà chống nắng nóng theo “kiến trúc mở” phù hợp với thiên nhiên, ít mưa bão và đối phó với khí hậu nắng nóng của vùng.

Toàn bộ khu nhà có tổng diện tích gần 6.000m2, có hai khu vườn trước và sau nhà nhằm giảm oi bức và có tiền sảnh lớn nằm ngay hướng gió mát mẻ để tiếp khách. Đây là không gian sinh hoạt chung của các thành viên trong gia đình và giao lưu với cộng đồng xã hội. Cuối tiền sảnh là khu vực thờ cúng tổ tiên, gia phả, có giường thờ, trưng bày đối liễn rất trang trọng.

Người dân Đồng bằng sông Cửu Long giàu tình cảm, luôn giữ những giá trị văn hóa, biết ơn và thờ cúng tổ tiên long trọng. Ý thức về truyền thống, cội nguồn của người dân Đồng bằng sông Cửu Long rất cao với niềm tin ông bà, tổ tiên sẽ phù trợ, giúp tránh được điều dữ.

Hiện nay, nhà cổ Bình Thủy do ông Dương Minh Hiển, hậu duệ đời thứ 6 kế thừa và coi giữ. Ông Hiển cho biết ngôi nhà hiện vẫn còn kiên cố vì gia đình ông luôn tu sửa kịp thời, chỗ nào xuống cấp dù là chi tiết nhỏ nhất ông cũng nhanh chóng tái tạo.

Nhà cổ này còn có tên gọi là Nhà cổ Vườn lan Bình Thủy, do cha của ông Hiển là ông Dương Văn Ngôn, hậu duệ đời thứ 5 của họ Dương đam mê thú chơi hoa kiểng, thường tổ chức các hội chơi lan nổi tiếng vào năm 1960. Đến nay, vườn lan này vẫn rất đặc trưng, có nhiều giống hoa quý và đẹp, là một trong điểm nhấn của ngôi nhà để thu hút khách tham quan.

Ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ cho biết nhà cổ ở Đồng bằng sông Cửu Long và Cần Thơ vốn không nhiều và ngày càng ít đi. Do đó, Cần Thơ cần có chiến lược giữ gìn và phát huy giá trị của nhà cổ cũng như các truyền thống văn hóa khác nhất là trong phát triển du lịch. Thành phố xác định cần có sự quản lý và có kế hoạch bảo tồn phù hợp, thay vì quản lý một cách cứng nhắc áp đặt, cần đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục cho người dân có ý thức trân trọng, giữ gìn truyền thống văn hóa. Ngoài việc hướng dẫn và hỗ trợ việc trùng tu, sửa chữa, cần quảng bá, xây dựng thành điểm du lịch đặc trưng của địa phương và khu vực để người dân thấy được lợi ích cả về vật chất lẫn tinh thần.

Nhà cổ Bình Thủy còn được khắp cả nước biết đến nhờ bén duyên với điện ảnh, được chọn làm bối cảnh của nhiều phim như "Những nẻo đường phù sa," "Công tử Bạc Liêu"... trong đó có bộ phim nổi tiếng "Người tình" của đạo diễn người Pháp J. Annaud.

Đặc biệt, gia chủ mến khách, luôn dành thời gian trò chuyện, giới thiệu về ngôi nhà và trao đổi những hiểu biết về phong thủy, hoa kiểng, văn thơ... Đây cũng từng là nơi dừng chân của nhà thơ Xuân Diệu, nhà nghiên cứu lịch sử-văn hóa Trần Văn Giàu./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục