"Điện ảnh Việt cần có sự chuyển mình thật mạnh"

Phó giáo sư Trần Kim Luân cho rằng quản lý nhân sự đang rất cần sự nắm bắt và chỉ đạo để hoạt động điện ảnh phát triển mạnh mẽ.
Trước thềm Đại hội Điện ảnh Việt Nam lần thứ VII - nhiệm kỳ 2010 - 2015, Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc phỏng phó giao sư Trần Luân Kim - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam để tìm hiểu về những vấn đề chắc chắn sẽ "nóng" trong đại hội diễn ra vào tháng 7/2010 này.

- Thưa ông, với tư cách là một người đứng đầu Hội Điện ảnh Việt Nam luôn trăn trở với sự phát triển của điện ảnh nước nhà, ông có thể cho biết Đại hội lần này có những điểm gì mới so với những đại hội trước của ngành?

PGS Trần Luân Kim: Đây là một kỳ đại hội diễn ra trong thời điểm thực tế đời sống điện ảnh đã và đang có những vấn đề nổi lên rất rõ, cần bàn bạc kỹ để giải quyết thấu đáo.

Đó là tổ chức bộ máy quản lý của ngành điện ảnh nước nhà. Cơ quan quản lý ngành là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Cơ quan Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì rất nhiều mảng và vô số đầu việc nên chưa thể sát với công việc của ngành điện ảnh trong giai đoạn phát triển mới này.  

Tuy Cục Điện ảnh được Bộ ủy quyền quản lý ngành song Cục Điện ảnh chỉ chủ yếu là quản lý nhà nước, quản lý bằng luật pháp như đưa ra văn bản, đưa ra quy định để trình Bộ ký là chính. Mà thực tế hiện nay ngành điện ảnh lại vô cùng sôi động với các việc hàng ngày.

Quản lý sự nghiệp là quản lý nhân sự, quản lý kế hoạch, quản lý đào tạo... đang rất cần một sự nắm bắt và chỉ đạo từ trên xuống dưới để hoạt động điện ảnh phát triển mạnh mẽ hơn, đáp ứng với yêu cầu và đòi hỏi của xã hội.
 
Nên chăng cần giao hẳn quyền và quy về một đầu mối của ngành là Cục Điện ảnh để Cục có thể quản lý sự nghiệp một cách cụ thể và kịp thời.

- Vâng. Đó là quản lý cấp cao, còn quản lý đến các địa phương thì sao?

PGS Trần Luân Kim: Khi xét đến hoạt động của các địa phương thì có một thực tế rất đáng lo ngại là các công ty phát hành phim và chiếu bóng ở các tỉnh, sau một thời gian dài mỗi địa phương có mỗi cách làm khác nhau đã không còn giữ đúng chức năng, nhiệm vụ nữa.

Nơi thì biến thành trung tâm tổng hợp, chỗ lại mai một. Như vậy rất cần phải khôi phục lại tất cả các đơn vị này với một chủ trương rõ ràng là phục vụ chứ không phải kinh doanh là chính.

Có điều rất đáng suy nghĩ là đã lâu rồi phim không được đưa về nông thôn để chiếu phục vụ bà con nông dân. Hàng chục năm nay gần 80% dân số không phải là khán giả của điện ảnh đúng nghĩa.

Đặc biệt là các bộ phim của Nhà nước bỏ tiền ra làm thì nhất định phải chiếu phục vụ nhân dân. Người dân phải được xem với giá vé rẻ, thậm chí ở những vùng khó khăn thì phải phục vụ không thu tiền vé. Vì tư nhân luôn lo theo lợi nhuận, nên nếu Nhà nước không làm thì không ai làm cả. 

- Thế còn chính những "người trong cuộc" thì sao, thưa ông?

PGS Trần Luân Kim: Đây đang là vấn đề nổi cộm mà tôi cũng đã đề cập nhiều. Đó chính là đội ngũ những người làm điện ảnh, từ biên kịch, đến đạo diễn, diễn viên, quay phim, kỹ thuật…

Họ đều cần phải được đào tạo, bồi dưỡng để phát triển nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của sự tiến bộ ngành điện ảnh. Trước mắt, chúng ta cần cử ít  nhất là 300 người đi học tập, tu nghiệp ở các nước có nền điện ảnh phát triển.

Trước đây, Hàn Quốc đã cử 500 người đi học ở nước ngoài, chủ yếu là học ở Mỹ. Và khi trở về thì những người này đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo điện ảnh Hàn Quốc cả về lượng và chất.

Tôi nghĩ, nếu nhà nước Việt Nam chọn cử đối tượng đi học và nắm con người khi trở về cống hiến. Được vậy, khoảng 10 năm nữa điện ảnh nước ta sẽ thay đổi, tiến triển rất mạnh.

- Nhưng nếu Nhà nước quản lý chặt quá thì có kìm hãm sự phát triển điện ảnh, xin ông cho ví dụ  về một nước cũng từ chỗ thiếu điều kiện phát triển điện ảnh như Việt Nam mà có "sức bật" lên nhanh?

PGS Trần Luân Kim:  Như ở Hàn Quốc họ không chỉ cử người đi đào tạo ở ngoài nước, mà họ còn cấp vốn, bỏ kiểm duyệt phim.

Họ có xếp giờ chiếu phim ở rạp và trên các kênh truyền hình như giờ cho người lớn, giờ cho thiếu nhi và những phim xem vào lúc nửa đêm.

Họ cũng đề ra một số điều cấm như phim không được có nội dung chống Nhà nước, không quá bạo lực…Và các nhà làm phim bên đó cũng rất tự giác làm.

- Theo ông, Việt Nam có nên đi theo con đường bỏ kiểm duyệt không?

PGS Trần Luân Kim: (cười) Có lẽ không. Vì ở mình chưa có sẵn tinh thần tự giác như thế. Song cũng cần linh hoạt hơn trong khâu kiểm duyệt phim. Điều đáng nói thêm là có nhiều nhà làm phim Việt Nam cứ bị tự "ám ảnh" sẽ không được duyệt nên tự mình cắt, giảm trước đi nguồn cảm hứng sáng tạo của mình trước khi bị có phim để chịu kiểm duyệt.

- Ông có nghĩ với nhiều vấn đề nóng được đem ra bàn thì sau Đại hội lần này, Điện ảnh nước nhà sẽ phát triển vượt lên nhiều?

PGS Trần Luân Kim: Cũng cần có thời gian. Nhưng nếu tháo gỡ được các vấn đề nêu trên thì có thể tin tưởng. Tóm lại, Điện ảnh Việt Nam cần chuyển mình mạnh nếu không sẽ tụt lại so với các yêu cầu của công chúng và thấp hẳn trong thế so sánh với các nền điện ảnh khác.

- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi rất cởi mở này!

Nguyễn Kim Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục