Điện Biên chú trọng khôi phục và phát triển các làng nghề

Tỉnh Điện Biên đề mục tiêu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, mỗi huyện có 4-5 làng nghề, giải quyết việc làm cho 40.000 lao động.
Điện Biên chú trọng khôi phục và phát triển các làng nghề ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tỉnh Điện Biên vừa hoàn thành Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó mục tiêu của tỉnh là đến năm 2020 phấn đấu mỗi huyện có từ 4-5 làng nghề hoặc tổ hợp tác ngành nghề nông thôn, giải quyết việc làm cho trên 40.000 lao động.

Điện Biên tập trung vào một số ngành nghề chính gồm chế biến nông lâm sản, nghề mây tre đan, dệt thủ công truyền thống, nghề mộc, sửa chữa, cơ khí nhỏ, vận tải và một số loại hình dịch vụ.

Quan điểm của tỉnh là tiếp tục củng cố, duy trì và mở rộng quy mô, sản phẩm các làng nghề hiện có; không phát triển tràn lan các làng nghề theo phong trào.

Theo định hướng các địa phương sẽ phát triển thêm nghề làm giấy gió tại làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm bản Na Sang 2; phát triển vùng nguyên liệu và nghề làm miến dong tại làng nghề xã Nà Tấu (huyện Điện Biên).

Huyện Tủa Chùa xây dựng làng nghề truyền thống thêu ren thổ cẩm ở thôn Tà Nà Cáo; xây dựng và phát triển làng nghề trồng, chăm sóc, chế biến chè cổ thụ kết hợp với du lịch ở xã Sín Chải và Tả Sìn Thàng. Huyện Mường Chà quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu song mây để cung cấp đủ nguyên liệu cho các làng nghề mây tre đan tại các xã Pa Ham, Mường Mươn, Hừa Ngài, Na San…

Thị xã Mường Lay xây dựng lại làng nghề mây tre đan tại phường Sông Đà; cơ sở sản xuất và chế biến nấm; làng nghề sản xuất bánh Khẩu Xéng. Thành phố Điện Biên Phủ khôi phục lại làng nghề dệt thổ cẩm tại bản Him Lam 2...

Để thực hiện quy hoạch trên, tỉnh Điện Biên huy động vốn đầu tư theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”; Phát triển mạng lưới tiêu thụ dựa trên tiềm năng du lịch rất lớn của địa phương; khuyến khích các làng nghề, cơ sở nghề truyền thống mở lớp đào tạo nghề cho lao động địa phương và các vùng lân cận, Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần kinh phí.

Bên cạnh đó, tỉnh nghiên cứu, xây dựng, ban hành chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, đặc biệt là chính sách vinh danh, công nhận làng nghề, nghệ nhân để có căn cứ thực hiện...

Theo tiêu chí về làng nghề quy định tại Thông tư 116 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện nay Điện Biên mới có 2 làng nghề được công nhận là làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm bản Na Sang 2 (xã Núa Ngam, huyện Điện Biên) và làng nghề sản xuất mây tre đan bản Nà Tấu (xã Nà Tấu, huyện Điện Biên)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục