Diễn đàn năng lượng Việt-Pháp: Cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp

Diễn đàn năng lượng Việt-Pháp tại Paris tạo cơ hội tăng cường quan hệ hợp tác, đối tác giữa doanh nghiệp hai nước trong lĩnh vực năng lượng.
Diễn đàn năng lượng Việt-Pháp: Cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp ảnh 1Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)

Diễn đàn năng lượng Việt-Pháp, sự kiện quan trọng nhằm thúc đẩy các chương trình và dự án phát triển năng lượng tại Việt Nam giữa các đối tác Việt Nam và Pháp đã được Bộ Công Thương phối hợp với Cơ quan thương mại Business France trực thuộc Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức ngày 7/7 tại Paris.

Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng dẫn đầu bao gồm đại diện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) và nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Henri Baissas, Phó Tổng Giám đốc điều hành của Cơ quan thương mại Business France đã nêu bật ý nghĩa của Diễn đàn Năng lượng Việt-Pháp, sự kiện nối tiếp Diễn đàn "Gặp gỡ Việt Nam" được tổ chức vào tháng 9/2014 nhằm kết nối các doanh nghiệp Pháp và Việt Nam.

Theo ông, sự kiện này thêm một lần nữa tạo điều kiện thuận lợi cho việc tăng cường các quan hệ hợp tác và đối tác giữa các doanh nghiệp Pháp và Việt Nam trong một lĩnh vực quan trọng có nhiều đóng góp to lớn đối với sự phát triển kinh tế của mỗi nước.

Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn đánh giá cao sáng kiến tổ chức Diễn đàn Năng lượng Việt-Pháp. Theo ông, những trao đổi giữa các cơ quan quản lý và doanh nghiệp hai nước về năng lượng- một trong những lĩnh vực chiến lược được ưu tiên trong hợp tác giữa Việt Nam và Pháp, diễn ra chưa đầy 3 tháng sau Đối thoại kinh tế cấp cao Việt-Pháp tại Hà Nội, chứng tỏ mong muốn của cả hai nước muốn thúc đẩy sâu hơn nữa hợp tác song phương trong lĩnh vực năng lượng.

Về phần mình, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng nhấn mạnh xung lực mới trong quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Pháp kể từ khi hai nước ký quan hệ Đối tác chiến lược vào tháng 9/2013 nhân chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.

Ông cũng cho rằng trong lĩnh vực năng lượng, Việt Nam và Pháp đã có nhiều hoạt động hợp tác đa dạng bao gồm thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí, hợp tác trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật năng lượng, tham gia đầu tư, phát triển các nhà máy điện…

Hiện tại, các doanh nghiệp hàng đầu về năng lượng của Pháp như Alstom, EDF, ENGIE, AREVA, Technip… đều đã có mặt tại Việt Nam, tham gia vào nhiều dự án hợp tác sôi động trải dài trên khắp cả nước như nhà máy lọc dầu Dung Quất, nhà máy đạm Phú Mỹ, nhà máy Nhiệt điện chạy khí Sơn Mỹ 1...

Mặc dù vậy, ông cũng cho rằng các dự án hợp tác hiện tại giữa hai nước còn rất khiêm tốn trong khi có rất nhiều cơ hội hợp tác cho các nhà đầu tư và các doanh nghiệp Pháp trong lĩnh vực năng lượng do các doanh nghiệp Pháp có thế mạnh về trình độ khoa học kỹ thuật, năng lực quản lý, tiềm lực tài chính và nhu cầu năng lượng của Việt Nam đang tăng nhanh nhằm đáp ứng yêu cầu tăng trưởng.

Ông trích dẫn cụ thể các dự án Pháp có thể hợp tác trong lĩnh vực dầu khí như thăm dò, khai thác dầu khí tại các dự án hiện có và tìm kiếm cơ hội phát triển các dự án mới tại Việt Nam và tại các nước thứ ba; triển khai các dự án lọc hóa dầu, chế biến các sản phẩm dầu khí ; đầu tư hạ tầng cơ sở phục vụ nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) tại Việt Nam.

Trong lĩnh vực điện, các doanh nghiệp Pháp có thể đầu tư vào các dự án nhiệt điện than sử dụng công nghệ than sạch, các dự án nhiệt điện chạy khí; phát triển hệ thống lưới điện truyền tải, các dự án năng lượng mới và năng lượng tái tạo, tư vấn, hợp tác hiện đại hóa hệ thống quản lý điều độ hệ thống điện, nâng cao năng lực quản lý...

Đại diện của Cơ quan phát triển Pháp (AFD) và Ngân hàng đầu tư công hỗ trợ xuất khẩu của Pháp (Bpifrance Export) đã giới thiệu các công cụ tài trợ nhằm thực hiện các khoản vay thông qua các thỏa ước tín dụng cũng như các hoạt động hỗ trợ xuất khẩu thông qua các sản phẩm bảo hiểm tín dụng, bảo hiểm tỷ giá hối đoái nhằm khuyến khích các doanh nghiệp Pháp tiến hành thăm dò tìm kiếm thị trường và triển khai các dự án đầu tư ở nước ngoài trong đó có Việt Nam.

Tiếp sau phiên toàn thể, diễn đàn được chia thành hai phiên thảo luận chuyên đề về điện lực và dầu khí để các doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu cụ thể các dự án và nhu cầu phát triển, còn các doanh nghiệp Pháp giới thiệu công nghệ, sản phẩm và dịch vụ của mình nhằm tìm kiếm các cơ hội thiết lập đối tác trong các dự án mang lại lợi ích cho cả hai bên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục