Diễn đàn thúc đẩy giao thương rau quả giữa Việt Nam-Trung Quốc

Diễn đàn nhằm giới thiệu, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, kết nối hợp tác doanh nghiệp, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng rau, quả giữa thị trường Việt Nam và Trung Quốc.
Diễn đàn thúc đẩy giao thương rau quả giữa Việt Nam-Trung Quốc ảnh 1Xe hàng nông sản chuẩn bị qua cửa khẩu để xuất hàng sang Trung Quốc. (Ảnh: Thái Thuần/TTXVN)

Ngày 11/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn tổ chức Diễn đàn thúc đẩy giao thương rau, quả Việt Nam-Trung Quốc với mục đích giới thiệu, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, kết nối hợp tác doanh nghiệp, nhận diện các khó khăn cần vượt qua, đồng thời đề xuất các giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng rau, quả giữa thị trường Việt Nam và Trung Quốc.

Theo Vụ Thương mại Biên giới và Miền núi (Bộ Công Thương) đánh giá, hoạt động thương mại biên giới trên tuyến biên giới Việt Nam-Trung Quốc đã góp phần tích cực phục vụ xuất khẩu các mặt hàng nông sản, trái cây tươi của Việt Nam sang Trung Quốc, tạo công ăn việc làm thu nhập cho một bộ phận người dân biên giới, góp phần phát triển kinh tế các địa phương biên giới.

Về cơ cấu mặt hàng xuất khẩu qua các cửa khẩu Việt-Trung chủ yếu vẫn là các mặt hàng nông sản, bao gồm trái cây tươi, chiếm trên 50% tổng khối lượng hàng hóa xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới.

Bên cạnh đó, các mặt hàng xuất khẩu có sự tăng trưởng mạnh mẽ như cao su và các sản phẩm từ cao su, sắn lát và tinh bột sắn, thủy sản, bánh kẹo, càphê, chè các loại...

Cũng theo Vụ Thương mại Biên giới và Miền núi, hai bên Việt Nam-Trung Quốc thời gian qua đã phối hợp trao đổi và đề ra các chính sách, giải pháp cụ thể và xây dựng các định hướng hợp tác trong thương mại biên giới, tạo thuận lợi hóa thương mại tại các cửa khẩu biên giới Việt-Trung trên các lĩnh vực như hải quan, kiểm tra chất lượng, giao thông vận tải, thông quan hàng hóa...

Hai bên thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới, phát huy được lợi thế tương đối do tính bổ sung lẫn nhau của các mặt hàng xuất khẩu, như Việt Nam xuất khẩu, trao đổi mặt hàng nông lâm, thủy sản, trái cây tươi... sang Trung Quốc và nhập khẩu từ Trung Quốc những mặt hàng là nguyên nhiên vật liệu phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước; cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu ngày càng phù hợp với tiềm năng hai nước.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn, Lý Vinh Quang cho biết Lạng Sơn là tỉnh có vị trí địa lý quan trọng trong tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc)-Lạng Sơn-Hà Nội-Hải Phòng (Việt Nam), là cửa ngõ, đầu mối xuất khẩu lớn các mặt hàng nông sản Việt Nam sang Trung Quốc qua các cửa khẩu trọng điểm như Tân Thanh, Cốc Nam, Hữu Nghị...

Riêng trong năm 2016, các cửa khẩu trên địa bàn Lạng Sơn đã làm thủ tục xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc khoảng 478.515 tấn thanh long, 223.455 tấn dưa hấu, 240.345 tấn nhãn, 81.198 tấn vải, 8.135 tấn chôm chôm, 17.837 tấn hạt điều khô.

[Rau quả Việt: Điểm sáng ấn tượng trên bức tranh xuất khẩu nông sản]

Để được kết quả đó, tỉnh Lạng Sơn đã triển khai nhiều biện pháp cụ thể tạo môi trường thông thoáng, kịp thời tháo gỡ khó khăn như thúc đẩy đàm phán kéo dài thời gian thông quan, mở thêm các bến bãi phụ trong giao nhận hàng hóa kể cả cho phép giao nhận tại các cửa khẩu khác để giảm quá tải cho các cửa khẩu chính.

Tỉnh mở thêm các cửa khẩu phụ như Na Hình, Co Sâu, Bình Nghi... cải tạo nâng cấp các tuyến đường ra cửa khẩu; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu vực cửa khẩu để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, nâng cao năng lực trung chuyển bốc xếp và thông quan hàng hóa...

Tại diễn đàn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn cam kết thực hiện nhất quán quan điểm luôn đồng hành cùng doanh nghiệp; triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hợp tác và phát triển; thực hiện công khai, minh bạch cơ chế chính sách quản lý điều hành; kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Phó Thị trưởng Chính phủ nhân dân Thành phố Sùng Tả, Quảng Tây, Trung Quốc, Hoàng Đàm Mai cho biết, thành phố Sùng Tả giáp với tỉnh Lạng Sơn (Việt Nam), khí hậu tương đồng, phong tục tương thông, lãnh đạo cao cấp hai bên thường xuyên trao đổi thông tin, cùng tham dự các sự kiện đã thành thường lệ, sự hợp tác về lĩnh vực nông nghiệp ngày càng chặt chẽ; về lĩnh vực trồng trọt và chế biến xuất khẩu hàng nông sản hai bên có không gian hợp tác rộng lớn.

Hàng năm kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông sản Việt Nam qua các cửa khẩu biên giới thành phố Sùng Tả đạt 1.866.000 tấn hàng hóa, giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu đạt 6,89 tỷ Nhân dân tệ. Rau quả Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc đều có ưu thế rõ rệt như các lợi hoa quả là vải, xoài, thanh long... và được người tiêu dùng rất ưa chuộng; sự nổi tiếng của thương hiệu đang được nâng cao và mậu dịch hai bên Trung-Việt nói chung và hợp tác về lĩnh vực rau, quả nói riêng sẽ ngày càng tăng cường hơn nữa.

Theo Cục bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2016, Việt Nam xuất khẩu rau, quả tươi sang Trung Quốc với khối lượng hơn 2 triệu tấn, đạt kim ngạch 1,6 tỷ USD. Trong bảy tháng đầu năm 2017, Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng đối với rau, quả của Việt Nam. Cụ thể, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 1,2 triệu tấn với kim ngạch hơn 1,3 tỷ USD trong đó chủ yếu là quả tươi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục