Diệt chuột và bọ chét để phòng, chống dịch hạch xâm nhập Việt Nam

Việc phòng, chống dịch hạch chủ yếu là giám sát vật chủ và vi sinh vật, trong đó diệt chuột và diệt bọ chét là một biện pháp rất quan trọng nhằm ngăn chặn dịch hạch xâm nhập vào Việt Nam.
Diệt chuột và bọ chét để phòng, chống dịch hạch xâm nhập Việt Nam ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Trước tình hình bệnh dịch hạch đang diễn ra phức tạp tại Madagascar và một số nước, mặc dù chưa đưa ra khuyến cáo hạn chế đi lại hay thương mại, nhưng Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng nhiều nước cần giám sát các chỉ số nguy cơ về dịch tễ học để phòng bệnh.

Báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho thấy, kể từ năm 2003 đến nay chưa phát hiện ca bệnh dịch hạch trên người ở Việt Nam, tuy nhiên Việt Nam là nước đã từng xuất hiện bệnh dịch hạch.

Trong khi đó, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu đánh giá, trong bối cảnh các hoạt động thương mại và du lịch toàn cầu hóa, chuột mang mầm bệnh có thể theo các phương tiện vận chuyển hàng hóa và du lịch như tàu biển, tàu hỏa, ôtô, máy bay… xâm nhập vào Việt Nam.

Ngoài ra ở Trung Quốc, quốc gia có hơn 1.300km đường biên giới với Việt Nam vẫn tồn tại các ổ dịch hạch trên các loài động vật hoang dã trong thiên nhiên. Vì vậy, dịch bệnh này trên động vật có thể theo chuột và bọ chét từ Trung Quốc xâm nhập vào Việt Nam.

Trước tình hình trên, Cục Y tế Dự phòng đã đưa ra khuyến cáo cũng như các biện pháp để phòng, chống dịch hạch.

Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu, trước đây biện pháp phòng, chống dịch hạch có thể được thực hiện theo cách gây miễn dịch bằng vắcxin vi khuẩn chết và vắcxin giảm độc lực. Tuy nhiên, hiệu lực của vắcxin thấp, thời gian miễn dịch ngắn và không phòng được dịch hạch thể phổi.

Vì vậy việc phòng, chống dịch hạch chủ yếu là giám sát vật chủ và vi sinh vật, phát hiện sớm bệnh nhân và điều trị kịp thời bệnh nhân dịch hạch, điều trị dự phòng với những người tiếp xúc và có nguy cơ lây bệnh, trong đó diệt chuột và diệt bọ chét là một biện pháp rất quan trọng.

Cục Y tế dự phòng yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh, thành phố cần triển khai các biện pháp phòng chống vật chủ và trung gian truyền bệnh gần người để phòng tránh nhiễm và lây lan, trong đó diệt bọ chét là công tác được ưu tiên hàng đầu vì cắt đứt được sự lan truyền của bệnh tại các vùng có dịch lưu hành.

Bên cạnh đó, các đơn vị y tế cần triển khai diệt bọ chét ngay từ đầu mùa dịch ở những nơi có dịch năm trước và vùng có nguy cơ lây lan bằng phun hóa chất tồn, phun bao vây ổ dịch bán kính 200m. Các hóa chất như Permethrin 0,2gr/m2, K - Othrin 2EW liều 0,05g/m2 có hiệu lực diệt bọ chét tốt.

Theo ông Phu, tại những vùng có dịch lưu hành cũ hoặc có nguy cơ dịch bệnh xâm nhập (kho tàng, bến bãi tại các cửa khẩu, cảng biển, ga…) thì tiến hành diệt chuột đại trà bằng hóa chất. Dùng các hóa chất diệt chuột đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Bảo vệ thực vật) cấp giấy chứng nhận cho phép.

Bộ Y tế yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh, thành phố cần tổ chức giám sát chặt chẽ các trường hợp bệnh nhân có biểu hiện sốt cao, nổi hạch, bệnh nhân có biểu hiện viêm đường hô hấp cấp tại các vùng có dịch hạch lưu hành trong thời gian gần đây để theo dõi, phát hiện và xử lý kịp thời nhằm hạn chế thấp nhất sự lây lan trong cộng đồng.

"Để phòng bệnh, các tỉnh, thành phố có cửa khẩu cần thực hiện các hoạt động kiểm dịch y tế quốc tế như đối với Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế," lãnh đạo Cục Y tế dự phòng khuyến cáo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục