Điều chỉnh tỷ giá: Phá vỡ cam kết để chủ động xử lý thách thức

Chỉ trong vòng một tuần, Ngân hàng Nhà nước đã phải điều chỉnh tỷ giá tới hai lần, điều này cho thấy Ngân hàng Nhà nước đang sẵn sàng xử lý các thách thức trên thị trường.
Điều chỉnh tỷ giá: Phá vỡ cam kết để chủ động xử lý thách thức ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Chỉ trong vòng một tuần, Ngân hàng Nhà nước đã phải điều chỉnh tỷ giá tới hai lần. Các chuyên gia kinh tế cho rằng đây là hành động nhanh và gần như không có tiền lệ tại Việt Nam. Điều này cho thấy Ngân hàng Nhà nước đang sẵn sàng xử lý các thách thức trên thị trường.

Bước đi cần thiết

Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội không ngạc nhiên khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh thêm 1% tỷ giá lần này vì chính ông là người đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nên điều chỉnh càng sớm càng tốt.

Ông Thành lý giải, Ngân hàng Nhà nước có hai mức phản ứng, một là ngay sau khi Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước mở biên độ 1% ngay trong đêm 12/8, đó là phản ứng tạm thời xả van để thị trường ngoại hối có thêm không gian điều chỉnh theo tín hiệu thị trường. Sáng nay, Ngân hàng Trung ương lại đi tiếp một bước nữa là đẩy thêm 1% ở tỷ giá và mở biên độ thành 3% để thị trường xả van nhiều hơn.

"Cá nhân tôi đánh giá Ngân hàng Nhà nước đang làm tốt, phản ứng đúng tình hình của thị trường, nếu không điều chỉnh thì sẽ không đủ liều lượng," ông Thành nhận định.

Đã có những bình luận cho rằng, ngay từ hồi đầu năm Thống đốc Nguyễn Văn Bình đề ra mục tiêu trong năm tới sẽ giữ ổn định thị trường ngoại hối và mức điều chỉnh không quá 2%. Tuy nhiên, việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng thêm 1% là phá vỡ cam kết của nhà điều hành, làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào chính sách.

Về vấn đề này, ông Thành cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước cam kết từ đầu năm là sẽ không quá 2% nhưng đó là cam kết trong điều kiện không có gì đặc biệt, còn hiện nay có nhiều diễn biến bất thường thì buộc Ngân hàng Nhà nước phải có hành động ngay.

Còn chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu thì ngạc nhiên về tần suất điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước.

Ông Hiếu hào hứng: "Tôi hoan nghênh động thái này của Ngân hàng Nhà nước, đây là quyết định rất kịp thời trấn an dư luận và làm dịu thị trường tự do đang rất nóng."

Ông Hiếu cho rằng nếu Ngân hàng Nhà nước không điều chỉnh tỷ giá kịp thời sẽ dẫn đến 3 hệ lụy.

Thứ nhất, đối với thị trường ngoại hối, nếu như không điều chỉnh thì những thành phần kinh tế, trong đó có ngân hàng và các thành phần khác sẽ mua được USD giá rẻ từ Ngân hàng Trung ương và ngoài thị trường tự do mức cầu tăng lên thì chắc chắn Ngân hàng Nhà nước sẽ phải bán ra một lượng ngoại tệ lớn để ổn định thị trường. Như vậy, sẽ ảnh hưởng đến dự trữ quốc gia và có thể lâm vào tình trạng mất thanh khoản.

Khi tăng tỷ giá lên làm cho giá USD đắt hơn và có thể làm chậm lại việc Ngân hàng Nhà nước phải bán ngoại tệ ra.

Thứ hai, nếu không tăng tỷ giá thì hàng nhập khẩu tiếp tục rẻ và vô tình khuyến khích nhập khẩu, từ đó dẫn đến nhập siêu.

Thứ ba, nếu không điều chỉnh tỷ giá sẽ có lợi cho nợ công nhưng lại có hậu quả khác cho nền kinh tế đó là nếu giữ tỷ giá thấp thì hàng ngoại nhập vào Việt Nam được bán ra với giá rất thấp. Ông Hiếu lấy ví dụ, đùi gà Mỹ bán vào Việt Nam thấp hơn nhiều so với đùi gà nội. Việt Nam càng hội nhập sâu, tỷ giá càng thấp thì càng có hậu quả lớn cho nền kinh tế là hàng Việt Nam không cạnh tranh được với hàng ngoại.

Ở một góc nhìn khác của chuyên gia ngân hàng nước ngoài, ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam cho rằng, với lần điều chỉnh tỷ giá này, Ngân hàng Nhà nước đang tạo một biên độ giao dịch đủ rộng để cung cầu gặp nhau trên thị trường tránh tạo tâm lý của thị trường về việc điều chỉnh liên tục. Động thái điều chỉnh mạnh mẽ này thể hiện Ngân hàng Nhà nước đi trước so với cung cầu của thị trường, chủ động tạo khung cho giao dịch trên thị trường. Việc điều chỉnh lần này góp phần giảm áp lực tiếp tục bán dự trữ ngoại tệ ra thị trường, vốn là một bước đi nếu tiếp tục sẽ không mang tính bền vững.

Điều chỉnh tỷ giá: Phá vỡ cam kết để chủ động xử lý thách thức ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Liệu có dồn áp lực trong những tháng cuối năm

​Với diễn biến của thị trường thế giới khó lường như hiện nay, chính ông Hiếu cũng phải đặt câu hỏi vấn đề từ nay đến cuối năm, chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ như thế nào và tự trả lời đây là một bài toán lớn cho các nhà quản lý.

Theo vị chuyên gia này, thị trường ngoại hối trên thế giới hiện tại còn rất nhiều áp lực, đặc biệt là áp lực trên tỷ giá của VND càng ngày càng nặng và đến từ nhiều yếu tố. Thứ nhất, không những đồng Nhân dân tệ tiếp tục giảm giá mà chưa thấy có điểm dừng. Bên cạnh đó những đồng tiền khác cũng đang giảm giá, tạo áp lực lên tỷ giá của Việt Nam. Ngoài ra, Mỹ cũng chuẩn bị tăng lãi suất đối với USD, một khi Mỹ tăng lãi suất thì sẽ làm tăng giá trị của USD. Tất cả những cái đó đang áp lực rất lớn lên VND.

"Quyết định ngày hôm nay của Ngân hàng Nhà nước đã làm giảm nhiệt độ của thị trường, hy vọng rằng tình hình sẽ ổn định hơn nhưng áp lực thì không thể loại trừ được và áp lực này nằm ngoài tầm kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước," ông Hiếu chia sẻ.

Còn theo ông Thành, nếu Trung Quốc tiếp tục có những điều chỉnh thì Việt Nam phải linh hoạt theo diễn biến của Trung Quốc và thế giới. Có thể còn có những điều chỉnh nhưng sẽ không còn có những bước điều chỉnh lớn như thời điểm này nữa.

Để doanh nghiệp không bị ảnh hưởng theo tỷ giá, người đứng đầu ngân hàng HSBC Việt Nam khuyến cáo, khi thị trường biến động, các doanh nghiệp không nên chạy theo và mua bằng mọi giá vì sẽ tạo thêm biến động. Thông thường sau đợt biến động thị trường sẽ điều chỉnh ổn định trở lại quanh một mức cân bằng mới.

"Lời khuyên của tôi là các doanh nghiệp giữ vững tâm lý và nên chủ động có các biện pháp quản trị rủi ro tỷ giá thay vì chỉ trông chờ vào việc bảo hộ tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước. Thực tế đợt biến động này cho thấy những thay đổi đột xuất trên thị trường thế giới sẽ tác động tới thị trường Việt Nam. Trong tương lai, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ giảm lãi suất, FED sẽ tăng lãi suất và do đó đẩy đồng Nhân dân tệ tiếp tục giảm giá, điều này tiếp tục ảnh hưởng tới Việt Nam đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục có những bước điều chỉnh linh hoạt. Do đó, ngay khi thị trường ổn định trở lại các doanh nghiệp nên áp dụng chính sách quản trị rủi ro để tránh những biến động không lường trước được của thị trường trong tương lai," ông Hải khuyến nghị./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục