Xe bạc tỷ thành xe nát

Điều tra bổ sung vụ “biến” xe bạc tỷ thành xe nát

TAND Hà Nội yêu cầu làm rõ trách nhiệm của một số người liên quan đến chức vụ để cho các bị cáo lợi dụng "biến" xe bạc tỷ thành xe nát.
Trong hai ngày 17-18/5, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử đường dây nhập lậu và hợp thức hóa giấy tờ xe ôtô hạng sang do Ngô Doãn Phúc (sinh năm 1977, trú tại phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cầm đầu.

Bốn đồng phạm cùng ra tòa với bị cáo Phúc về tội “buôn lậu” trong vụ án này gồm Cao Vũ Cường (sinh năm 1983, nguyên cán bộ Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an tỉnh Bắc Giang), Nguyễn Xuân Thủy (sinh năm 1973, nguyên Đội phó Đội Quản lý thị trường số 10 tỉnh Bắc Giang), Đỗ Mạnh Dũng (sinh năm 1979, trú tại xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) và Phùng Văn Lực (sinh năm 1975, trú tại xã Phúc Thành, Yên Thành, Nghệ An).

Phúc là kẻ chủ mưu trực tiếp bàn bạc với Cao Vũ Cường về thủ đoạn làm ăn bằng cách hợp thức hóa xe ôtô nhập lậu. Tháng 5/2009, Phúc mua được bốn chiếc xe ôtô nhập lậu nhãn hiệu Hummer, Land Rover, Lexus, Toyota Prado còn mới khoảng 90% đã được đăng ký biển kiểm soát tại nước ngoài, đưa vào Việt Nam theo hình thức tạm nhập, tái xuất.

Để hợp thức hóa giấy tờ cho bốn ôtô này, Cường và Phúc đã dựng kịch bản bắt giữ được bốn xe ôtô cũ nát do Phúc đã sắp đặt sẵn dưới tình trạng xe vô chủ, sau đó cho Phúc mua thanh lý để lấy bộ hồ sơ hợp thức hóa cho bốn chiếc ôtô nhập lậu. Bằng kế hoạch đó, Phúc đã đăng ký trót lọt bốn chiếc xe nhập lậu có trị giá gần 6,3 tỷ đồng.

Để thực hiện phi vụ này, Phúc thỏa thuận chi cho Cường bốn bộ hồ sơ là 40.000 USD (tương đương 720 triệu đồng tính theo thời giá USD lúc đó) và 40 triệu đồng tiền giám định số khung, số máy.

Bốn chiếc xe sau khi mang về, Phúc đã bán được cho anh Đinh Trọng Thành chiếc Hummer với giá hơn 112.000 USD (tương đương 2,5 tỷ đồng). Những chiếc xe còn lại Phúc chưa kịp bán và thu tiền thì bị cơ quan công an bắt giữ.

Tại tòa, Phúc quanh co chối tội và nại ra lý do: "Tôi không biết, không nhớ..." khiến vị công tố viên phải nhắc nhở "bị cáo nói không biết, không nhận nhưng không có nghĩa là pháp luật không có chứng cứ. Việc bị cáo phủ nhận lời khai nhưng không nêu lên được chứng cứ thì lời khai của bị cáo cũng không có giá trị." Còn các bị hại cho rằng, cần phải truy tố Phúc thêm về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Sau 2 ngày xét xử, tòa đã quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, do: "Quá trình điều tra còn nhiều thiếu sót, chưa làm rõ vi phạm của các bị cáo. Tòa cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm của một số người liên quan đến chức vụ để cho các bị cáo lợi dụng"./.

Kim Anh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục