Điều tra công ty Trung Quốc vì dùng bí mật thương mại ăn cắp của Mỹ

Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ điều tra việc các nhà sản xuất thép Trung Quốc sử dụng bí mật thương mại của Mỹ do tin tặc Trung Quốc đánh cắp.
Điều tra công ty Trung Quốc vì dùng bí mật thương mại ăn cắp của Mỹ ảnh 1Công nhân ngành thép Trung Quốc. (Nguồn: Reuters)

Ngày 26/5, Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) cho biết đang điều tra theo đơn kiện của Công ty Thép Mỹ (U.S. Steel Corp) về việc các nhà sản xuất thép của Trung Quốc sử dụng các bí mật thương mại mà tin tặc Trung Quốc đánh cắp để hưởng lợi và thao túng thị trường.

ITC có thể áp dụng các biện pháp tạm thời theo yêu cầu của U.S Steel Corp, trong đó có tạm ngừng nhập khẩu carbon và thép hợp kim được sản xuất từ việc sử dụng các thông tin bị đánh cắp. Việc điều tra của ITC dự kiến kéo dài 45 ngày.

Vụ đánh cắp thông tin ngành thép vào năm 2011 là một trong hàng loạt vụ tấn công mạng được các công tố viên Mỹ nêu ra trong cáo trạng công bố vào năm 2014, truy tố 5 nhân viên quân đội Trung Quốc về tội bán trái phép các thông tin bí mật của US Steel và các doanh nghiệp khác của Mỹ.

Thông tin được đánh cắp này giúp các nhà máy Trung Quốc sản xuất ra những sản phẩm mà trước đó “không nhà sản xuất Trung Quốc nào có thể thương mại hóa được.”

Đây là vụ việc mới nhất liên quan đến việc Trung Quốc bị cáo buộc lũng đoạn thị trường thép toàn cầu với giá bán rẻ hơn chi phí sản xuất và vi phạm các nguyên tắc thương mại quốc tế. Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang suy giảm, nhu cầu tiêu thụ thép trong nước giảm, Trung Quốc - quốc gia hiện chiếm hơn 50% sản lượng thép toàn thế giới, đang tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu thép ra thị trường nước ngoài trong những năm gần đây.

Đáp lại động thái từ phía Mỹ, Bộ Thương mại Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc, đồng thời cho rằng hành động của Mỹ là "biện pháp bảo hộ rõ ràng cho nền công nghiệp trong nước.” Bộ Thương mại Trung Quốc cũng khuyến khích các công ty Trung Quốc có hành động tự bảo vệ mình.

Trước đó, hôm 17/5 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ đã xác định biên độ phá giá của mặt hàng thép cán nguội nhập khẩu từ Trung Quốc, qua đó phát đi tín hiệu Mỹ có thể áp thuế trừng phạt với các sản phẩm này. ITC sẽ đưa ra kết luận cuối cùng về việc này dự kiến vào ngày 30/6 tới.

Hồi đầu tháng 5 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã thực hiện cuộc điều tra riêng về việc xuất khẩu thép của Trung Quốc sau khi các công nhân ngành thép tại châu Âu biểu tình phản đối do lo ngại nguy cơ mất việc làm do việc nhập khẩu thép giá rẻ từ Trung Quốc. Các sản phẩm thép của Trung Quốc cũng đang bị cáo buộc bán phá giá tại Nhật Bản và Hàn Quốc.

Về phần mình, Trung Quốc bao biện rằng việc cung vượt cầu là vấn đề chung toàn cầu do đà suy thoái kinh tế. Bắc Kinh nói sẵn sàng hợp tác tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề dư thừa thép và công bố đã cắt giảm 500.000 việc làm trong các nhà máy thép của họ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục