Điều trăn trở nhất của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng

Bộ trưởng Tài chính trăn trở trong thu-chi "ngân khố" quốc gia

Là người đứng đầu cơ quan “gác cổng ngân khố quốc gia,” Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã có chia sẻ về những vấn đề mà ông và Bộ Tài chính muốn thay đổi để đảm bảo ổn định "ngân khố quốc gia."
Bộ trưởng Tài chính trăn trở trong thu-chi "ngân khố" quốc gia ảnh 1Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, sẽ có những thuận lợi và thách thức lớn đặt ra cho toàn ngành tài chính. Để làm rõ hơn về mục tiêu cũng như các giải pháp mà ngành tài chính đề ra nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng về những vấn đề liên quan.

-Xin Bộ trưởng cho biết ngành tài chính đã đặt những mục tiêu trọng tâm gì cho giai đoạn mới?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Trong giai đoạn 2016-2020, dự báo tình hình kinh tế có xu hướng phục hồi nhưng vẫn còn nhiều rủi ro do một số nước lớn thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế. Bên cạnh đó, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam được đẩy nhanh qua việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTAs) khu vực và liên kết khu vực. Đồng thời, biến động nhanh về dòng vốn, luân chuyển thương mại, diễn biến phức tạp của giá cả hàng hóa thế giới (đặc biệt là giá dầu thô), biến đổi khí hậu... đều tác động đến tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam và tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối ngân sách nhà nước.

Vì vậy, mục tiêu của ngành tài chính trong những năm tới là tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện thể chế tài chính; huy động, phân phối, quản lý, sử dụng các nguồn lực hiệu quả, công bằng theo các yêu cầu và định hướng phát triển kinh tế - xã hội; từng bước cơ cấu lại ngân sách, tiếp tục ưu tiên đầu tư hợp lý cho con người và tăng cường an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh; đẩy mạnh cải cách hành chính và tăng cường quản lý, giám sát tài chính quốc gia, đảm bảo an toàn nợ công.

-Vậy ngành tài chính cần có những giải pháp gì để hoàn thành tốt trọng trách này, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Để đạt được các mục tiêu nêu trên, ngành tài chính sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ, tiết kiệm; thúc đẩy minh bạch tài khóa; đảm bảo an ninh, an toàn tài chính quốc gia, giảm dần bội chi ngân sách nhà nước.

Thực hiện hiệu quả, đa dạng hóa nguồn lực tài chính cho đầu tư phát triển; tiếp tục cải cách, đổi mới hệ thống thuế, phí, lệ phí; tăng cường hiệu quả huy động nguồn lực tài chính từ bên ngoài; tiếp tục mở cửa thị trường tài chính phù hợp với cam kết quốc tế, chủ động tham gia hội nhập tài chính quốc tế; phân bổ hiệu quả, quản lý, sử dụng nguồn lực tài chính công gắn với quá trình tái cơ cấu kinh tế.

Đồng thời, đổi mới cơ chế cấp phát ngân sách đối với các đơn vị sự nghiệp công. Trong đó tăng cường phân cấp và tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ và trong sử dụng nguồn lực gắn với nâng cao trách nhiệm giải trình về kết quả của các đơn vị cung ứng dịch vụ công.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhà nước gắn với thực hiện kết quả tái cấu trúc doanh nghiệp. Tăng năng lực, hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành tài chính.


-Dự báo những năm tới, giá dầu thô có thể vẫn biến động bất thường và nhiều hiệp định thương mại tự do chính thức có hiệu lực... Theo Bộ trưởng, để đảm bảo “túi tiền” của quốc gia không bị ảnh hưởng nhiều, ngành tài chính cần thực hiện những bước đi cụ thể như thế nào?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Việc giá dầu giảm, tạo điều kiện giảm chi phí đầu vào, thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước nhưng cũng có tác động làm giảm các khoản thu liên quan đến giá dầu. Tuy nhiên, do tỷ trọng thu trực tiếp và gián tiếp liên quan đến dầu thô không lớn (khoảng 10% tổng thu ngân sách nhà nước) nên số giảm thu chỉ ở một mức độ nhất định và có thể bù đắp từ tăng thu nội địa cũng như xuất khẩu.

Vì vậy, một số giải pháp trọng tâm, mang tính tiên quyết đặt ra cho ngành trong thời gian tới là theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình kinh tế và giá dầu thô; phân tích đánh giá tác động và xây dựng các phương án, giải pháp đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước; tập trung quản lý chặt chẽ nguồn thu, phấn đấu tăng thu từ nội địa và thu từ hoạt động xuất khẩu để bù đắp tối đa cho số giảm thu do tác động của dầu thô và tác động của các hiệp định thương mại tự do.

Bên cạnh đó, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ; đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho sản xuất - kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước; quản lý giá chặt chẽ, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô…

-Là người đứng đầu cơ quan thực hiện nhiệm vụ “gác cổng ngân khố quốc gia,” vấn đề nào khiến Bộ trưởng cảm thấy áp lực và cần phải thay đổi nhiều nhất?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Bên cạnh những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua, ngành tài chính cũng đang phải đối mặt với áp lực lớn như: Dư địa thu ngân sách có xu hướng giảm dần, cơ cấu chi ngân sách chưa hợp lý, bội chi ngân sách nhà nước còn cao, nợ công mặc dù vẫn nằm trong giới hạn an toàn nhưng đang có xu hướng tăng nhanh và tiệm cận ngưỡng trần cho phép; tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm; tác động của quá trình hội nhập quốc tế, biến động bất thường của giá dầu thô thế giới....Những vấn đề này có các nguyên nhân khách quan và chủ quan. Các nguyên nhân khách quan thường vượt khỏi sự kiểm soát của chúng ta, buộc chúng ta phải có giải pháp đối phó thích hợp, thí dụ như giá dầu thô thế giới giảm.

Nhưng các nguyên nhân chủ quan mới là vấn đề cần phải tập trung nghiên cứu. Vấn đề tôi thấy trăn trở nhất và muốn thay đổi mạnh mẽ trong thời gian tới đó là tạo điều kiện cho doanh nghiệp tăng trưởng lớn mạnh và yêu cầu đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước; giữa khả năng cân đối nguồn lực với yêu cầu chi ngày càng tăng cao của tất cả các ngành, lĩnh vực, cấp chính quyền; giữa yêu cầu tiết kiệm cắt giảm chi tiêu, hạ bội chi ngân sách để đảm bảo an toàn nợ công với yêu cầu tăng chi đầu tư, chi trả nợ, tiền lương và các chính sách an sinh xã hội,... hay trong vấn đề đổi mới khu vực sự nghiệp công. Đó là quan điểm tăng quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công gắn với lộ trình điều chỉnh giá, phí để đảm bảo thu bù chi. Nhà nước chuyển từ bao cấp toàn bộ sang chỉ tập trung cho một số đối tượng chế độ chính sách và người nghèo....

Dĩ nhiên, chúng tôi hiểu rằng những vấn đề này không thể chỉ riêng ngành tài chính có thể giải quyết được. Nó đòi hỏi sự đồng thuận và vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Thực tiễn cho thấy, trước những khó khăn thách thức dù to lớn đến chừng nào nếu chúng ta đoàn kết cùng nhau tháo gỡ thì nhất định sẽ vượt qua được./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục