“Định vị” doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Theo Báo cáo triển vọng phát triển châu Á của ADB, hiện chỉ có 21% các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Định vị” doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuỗi cung ứng toàn cầu ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Sáng 17/9, tại Hà Nội, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN (US-ABC) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo “Nâng cao khả năng tiếp cận các thị trường khu vực và toàn cầu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”.

Sự kiện thu hút hơn 130 doanh nghiệp nhỏ và vừa từ các lĩnh vực kinh doanh khác nhau đang hoạt động tại Việt Nam tới tham dự.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, Chủ tịch Mạng Doanh nhân nữ ASEAN cho biết: “Đã đến lúc các doanh nghiệp nhỏ và vừa nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ lãnh đạo nói riêng phải định vị được mình đang đứng ở đâu trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Có như vậy họ mới xác định được hướng đi đúng để hội nhập thành công."

Theo Báo cáo triển vọng phát triển châu Á của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), hiện nay mới chỉ có 36% doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất và tiến tới xuất khẩu so với gần 60% của Malaysia và Thái Lan. Đồng thời, chỉ có 21% các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu so với 30% của Thái Lan và 46% của Malaysia.

Thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ tham gia được vào khâu lắp ráp, gia công, cung cấp các phụ tùng thay thế, chứ chưa tham gia vào sản xuất các sản phẩm chính…

Tại hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch thường trực VCCI nhấn mạnh: “Việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm nay cùng các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã, đang và sẽ tham gia thực hiện được coi là cơ hội vàng cho các doanh nghiệp trong nước, để hội nhập vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu, nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư, nhận chuyển giao công nghệ."

Tuy nhiên, theo ông Phong, đi cùng với những cơ hội là rất nhiều thách thức khó khăn, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, do năng lực cạnh tranh còn thấp, trình độ quản trị, điều hành và khả năng hội nhập còn hạn chế.

Ông Hoàng Quang Phòng cho rằng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội để phát triển nếu biết làm thế nào khai thác và tận dụng được các điểm mạnh và lợi thế của mình. Đây chính là những trăn trở của các cấp chính quyền, các nhà quản lý và của chính các doan nghiệp. Điều các doanh nghiệp đang cần hiện nay là Nhà nước ban hành các chính sách sát chuẩn, tạo điều kiện phát triển cho doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông nhận định: “Với xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế theo xu hướng sâu và rộng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa được xem là khu vực nhiều tiềm năng trong việc đóng góp vào quá trình toàn cầu hóa và sự phát triển, hợp tác kinh tế thông qua việc tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.”

Theo Thứ trưởng, khi Việt Nam hướng tới Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), cùng với các hiệp định tự do thương mại mới Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…. cũng đặt ra nhiều cơ hội lớn và thách thức cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Mục đích tổ chức buổi hội thảo, chính là nhằm giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và biết tận dụng các lợi thế, cơ hội từ những hiệp định này để phát triển.

Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ các công ty đa quốc gia của Hoa Kỳ như FedEx, Microsoft, MasterCard, and Baker & McKenzie đã chia sẻ về các vấn đề như Quản lý chuỗi cung ứng, Công nghệ đám mây, thanh toán kỹ thuật số, và các quy phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh hàng ngày.

Hội thảo lần này tại Hà Nội chỉ là một phần trong chuỗi các hội thảo và đào tạo của Liên minh Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN (US-ABC) ở khu vực Đông Nam Á./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục