Đồ Rê Mí: Đêm diễn thú vị của đội “Đám cưới chuột”

Đồ Rê Mí 2011 đã có đêm diễn khá thú vị của đội 3- đội “Đám cưới chuột,” các bé đội này bằng tuổi nên đêm diễn có sự ăn nhập thú vị!

Vòng Chung khảo của Đồ Rê Mí với phần biểu diễn của đội 3 gồm các bé Phi Hùng, Tuyết  Nhi, Khánh An vừa được phát vào 20h Chủ nhật, ngày 17/7/2011 trên VTV3. Để lại trong lòng người xem là ấn tượng đẹp về một Phi Hùng dũng mãnh, một Tuyết Nhi mượt mà và một Khánh An đáng yêu.


“Điệp vụ áo hồng” trêu "Đám cưới chuột"


Ban Giám khảo của kỳ này xuất hiện rất “đàng hoàng” mà vẫn dễ thương theo cách làm chương trình cho trẻ thơ. Các thành viên trong Ban giám khảo tự nhận là “ Điệp vụ áo hồng” vì cùng trang phục màu hồng. Và các vị giám khảo cũng rất ngộ khi tung ra các chiêu trêu đùa cùng các bé!

Riêng chú Xuân Bắc làm các cháu thấy thú vị vì cặp mắt kính hồng to tướng. Giám khảo đồng thanh chào các bé bằng nói lái tên chương trình “Mì Rê Đố.” Bé Thanh Trúc - cô bé đã đoạt giải đặc biệt Đồ Rê Mí 2010 lại dẫn chương trình bằng giọng “già đời” nghe đến là yêu!

Mở màn cả đội 3 đã tham gia diễn hoạt cảnh mèo lừa chuột và mèo kén vợ. Các bé diễn rất ăn nhập với nhau và tỏ ra "ngầu" đến mức bị Ban giám khảo trêu là “Mèo lai chó sói.”

Trong phần này có những câu ngộ nghĩnh “Chít chít chít chịtchịt chịt” và việc vua mèo thề rồi thay lời, sau đó màn kén vợ, chị em nhà chuột bàn nhau đến dạy cho mèo một bài học. Bầy chuột ngộ ngĩnh diễn màn rước dâu trong bài hát “Đám cưới chuột” với lời hát…“Ai mang cá đến cho con mèo hoang tàn ác” đã làm thành vui nhộn ấn tượng của đội 3.

Khi được cùng chọn tên nhóm, mỗi bé một ý: Nào là “Chuột nhắt Đồ Rê Mí”, “Ba chú mèo con Đồ Rê Mí,” và tỏ ra chính xác nhất Phi Hùng đưa ra tên “Hai chuột một mèo.” Giám khảo Xuân Bắc phải đưa ra tên để có sự nhất trí chung “Đội Đám cưới chuột”

Vui song cũng có “sạn” cần rút kinh nghiệm. Vua mèo yêu cầu: “Họ hàng nhà chuột ra nhảy múa tưng bừng cho ta xem!” Chuột mở đầu múa hát uể oải, sau đó là tiếng quát: “múa chán thế, máu vào.” Đám chuột nhảy múa bài hát “Nobody” rồi hỏi lại  “Máu chưa?” lời đáp tiếp “Máu rồi!”

Chị Lan Hương-một phụ huynh là giáo viên ở Hà Nội nói: “Tất cả ngôn ngữ của phần này e chương trình cần rút kinh nghiệm. Bởi vì đám trẻ rất thích xem và hay bắt chước. Nếu các con cứ giục nhau “máu vào” và hỏi nhau “máu chưa?” thì thật không biết phải dạy thế nào nữa!

Đồng niên-đồng tài-đồng... dễ thương

Điều đặc biệt ở đội này là đồng đều về độ tuổi (cùng 8 tuổi) và nô rỡn thật vui. Nguyễn Đức Tuyết Nhi bị gọi đùa là “chuột cống”. Lương Hồng Khánh An là cô chuột nhắt dễ thương và bé Phi Hùng trong vai Vua mèo. Các bé đều có cảm hứng… gằn giọng rất vui!

Lương Hồng Khánh An hát bài “Hoa tay” rất hay. Bài ca này làm liên tưởng đến câu nói “hát hay không bằng hay hát” vì cô bé hỏi mẹ Hoa tay là gì mẹ ơi! Mẹ cười nói rằng: “Ai hay vẽ rồi sẽ vẽ hay… Vẽ hay thì sẽ có hoa tay.” Không phải dàn dựng giai điệu bài “Tia nắng hát mưa” đã được bé An thể hiện đue cung bậc vui -buồn-giận dữ thật ra trò.

Khánh An từng tâm sự: “Con muốn Đồ Rê Mí trở thành chương trình hàng tuần, mỗi tháng sẽ tập trung vào hai bạn, thi tài múa hát với nhau. Đến cuối kì sẽ công bố giải. Như vậy, thời gian xem của chúng con càng được nhiều”

Kỳ này, các bạn đến làng tranh Đông Hồ và được “đại lão nghệ nhân” Nguyễn Đăng Chế giảng dạy về chất liệu và cách làm tranh Đông Hồ. Các bé in bản in đầu tiên rồi đi phơi tranh.

Cảnh các bé chờ tranh khô sốt ruột quá thổi, sấy, quạt. Bé Hạnh nhanh trí tìm máy sấy, bé An thích quạt để tranh vừa khô mình vừa mát. Bé nói rất yêu: “Dùng máy sấy khô tranh nhưng nóng mình.”

Ấn tượng đầu tiên về Nguyễn Đức Tuyết Nhi là một cô bé có đôi mắt một mí càng nhìn càng yêu, cái miệng có hàm răng to cồ cộ mới mọc rất trẻ con. Nhi được các cô hướng dẫn nhận xét là thuộc bài hát nhanh và múa tốt. Nhi nói rằng: "Cháu thích nhất đoạn cưỡi trâu nhưng các anh phi nhanh quá khi tập bị té."

Nhi hát “Trâu ơi ta bảo trâu này!” đúng chất mục đồng. Bài hát “Em dắt trâu ra đồng” đậm chất đồng dao dân gian thú vị. Sau đó, theo yêu cầu của Ban giám khảo bé còn gằn giọng hát nhạc Rock cho một bài hát về Tây Nguyên.

Thí sinh nam của đội 3 là Phi Hùng-cậu bé dân tộc Hoa của cuộc thi Đồ Rê Mí năm nay đã đem đến cho chương trình ấn tượng riêng. Vì bé là sự “tổng hòa” giữa một ngoại hình tươi sáng, giọng hát cao và vang xa.

Được biết, trước khi ra Hà Nội, Phi Hùng cũng đoạt Giải Nhất thi Kể Truyện cấp trường, Giải Nhất Nét đẹp Tuổi Thơ tỉnh Bỉnh Dương. Đây là một cuộc thi giống thi… hoa hậu vì gồm nhiều vòng, có cả thi năng khiếu, trang phục rồi trình diễn.  

Ba Phi Hùng không phải là nghệ sĩ, nhưng lại hiểu và biết nhạc, có thể chỉ dạy cho con trai cưng của mình. Phi Hùng cũng có “vốn liếng” là một số bài hát để làm bài hát “tủ”. như “Tập làm chú bộ đội,” “Bố là tất cả”…

Bài hát “Gà trống thổi kèn” được Phi Hùng hát duyên lạ lùng. Những ca từ như “Ông mặt trời tỉnh giấc vươn vai, vén màn đỏ xem ai thổi kèn” và “Tò tí te, tò tí te nó gọi ngày nắng lên" rất ngây thơ và trong trẻo đã vang lên khá chuẩn.

Giám khảo Xuân Bắc “gáy” như gà trống cùng Phi Hùng và dạy kêu “túc túc” là gà mái. Phi Hùng cũng hát “tè tè tè” làm người xem được trận cười vui vẻ. Giám khảo Xuân Bắc thử “bản lĩnh” của thí sinh bằng câu hỏi: "Xuân Bắc và Phi Hùng ai đẹp trai hơn?" Phi Hùng vẫn chọn mình đẹp trai và bé được khán giả ủng hộ. 

Có thể nói, hình ảnh về đội 3 cực kỳ thân thiết và ăn ý với những màn trình diễn khá sôi động làm rộn ràng một tối chủ nhật cho trẻ thơ và cả phụ huynh. Chủ nhật tuần sau sẽ là phần ra mắt của đội 4 gồm các bạn Bảo Trâm, Hà Linh, Ngọc Linh./.

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục