Đoàn kết vì một cộng đồng không còn bệnh sốt xuất huyết

Sáng 14/6, Bộ Y tế tổ chức lễ Míttinh hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết với chủ đề “Đoàn kết vì một cộng đồng không còn sốt xuất huyết.”
Đoàn kết vì một cộng đồng không còn bệnh sốt xuất huyết ảnh 1Một tiểu phẩm về phòng chống sốt xuất huyết tại buổi lễ. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Sáng 14/6, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Y tế tổ chức lễ Míttinh hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết (15/6) cấp quốc gia lần thứ 5, với sự tham gia của gần 3.000 người.

Theo nhận định của Tổ chức Y tế thế giới, sốt xuất huyết là một trong những bệnh truyền nhiễm có tốc độ gia tăng nhanh nhất trên thế giới, trong đó các nước ASEAN là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của sốt xuất huyết. Căn bệnh này không bị ngăn cách bởi biên giới các quốc gia, do đó, chủ đề phòng, chống sốt xuất huyết năm 2015 là “Đoàn kết vì một cộng đồng không còn sốt xuất huyết.”

Tại Việt Nam, sốt xuất huyết lưu hành ở hầu hết các địa phương, tuy nhiên trên 85% ca mắc sốt xuất huyết là ở các tỉnh, thành khu vực phía Nam. Trong những năm qua, các ca mắc và tử vong do sốt xuất huyết đã giảm đáng kể so với giai đoạn trước, song vẫn còn ở mức cao và có nguy cơ bùng phát thành dịch gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết công tác phòng, chống sốt xuất huyết ở Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ thách thức do sự biến đổi khí hậu, sự ấm lên toàn cầu làm muỗi truyền bệnh phát triển; quá trình đô thị hóa tạo ra nhiều nơi thích hợp để muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sản, đặc biệt là các công trình đang xây dựng, khu nhà trọ, lán trại.

Mặt khác, sốt xuất huyết vẫn chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, các biện pháp dự phòng vẫn được coi là những biện pháp chính trong cuộc chiến chống sốt xuất huyết. Trong đó, quan trọng nhất là phải ngăn ngừa được các loại muỗi truyền vi rút sốt xuất huyết, phải loại trừ được môi trường muỗi đẻ trứng và nơi lăng quang/bọ gậy phát triển mạnh trước khi trưởng thành.

Tại lễ míttinh, đại diện Bộ Y tế cho rằng việc phòng, chống sốt xuất huyết đòi hỏi phải có sự chung tay của toàn xã hội; kêu gọi mỗi người dân hãy vì sức khỏe của chính bản thân, gia đình và cộng đồng mỗi ngày, mỗi tuần hãy dành ra 10 phút để thực hiện những công việc đơn giản, nhưng có hiệu quả cao trong hoạt động phòng chống sốt xuất huyết, góp phần tiến đến mục tiêu vì một cộng đồng ASEAN không còn sốt xuất huyết.

Cụ thể, thực hiện kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt, thường xuyên lau rửa, đậy nắp kín các lu khạp, bể chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng; thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh…; loại bỏ các loại vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng đến để muỗi không có chỗ đẻ trứng; phối hợp với ngành y tế trong việc phun hóa chất diệt muỗi khi có dịch, tránh hiện tượng bỏ sót các hộ gia đình không được phun hóa chất.

Ngay sau lễ míttinh, các "xe đặc nhiệm phòng chống sốt xuất huyết" sẽ xuất phát từ Thành phố Hồ Chí Minh di chuyển đến tám tỉnh, thành phố có nguy cơ cao về sốt xuất huyết, gồm Cần Thơ, Vĩnh Long, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hòa, Đà Nẵng và Đắk Lắk để tuyên truyền và vận động người dân cùng tham gia các hoạt động diệt lăng quăng, bọ gậy.

Cũng trong khuôn khổ Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh và Sanofi Pasteur còn tổ chức cuộc thi làm phim ngắn với chủ đề "Chung tay phòng chống sốt xuất huyết." Đồng thời, các nội dung phòng, chống sốt xuất huyết cũng được truyền thông trên các tuyến xe buýt công cộng ở Thành phố Hồ Chí Minh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục