Doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu chè chú trọng thị trường nội địa

Khoảng 3 năm trở lại đây, các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ chè Thái Nguyên đã đầu tư dây chuyền, thiết bị hiện đại để sản xuất sản phẩm phục vụ thị trường nội địa.
Doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu chè chú trọng thị trường nội địa ảnh 1Đóng gói chè túi lọc tại Công ty Cổ phần Chè Tân Cương-Hoàng Bình. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thái Nguyên, địa phương hiện có 34 doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ chè với tổng sản lượng chè búp khô hàng năm đạt trên 39.000 tấn, trong đó, sản lượng chè chế biến công nghiệp chiếm khoảng 20%, chủ yếu là chè đen, chè xanh ướp hương liệu để xuất khẩu.

Giá trị xuất khẩu chè trung bình trên 10 triệu USD/năm với thị trường chủ yếu là Pakistan, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Khác với những năm trước, các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ chè thường đẩy mạnh xuất khẩu với sản lượng lớn thì khoảng 3 năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền, thiết bị hiện đại để sản xuất sản phẩm chè phục vụ thị trường nội địa.

Ông Phan Huy Bính, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu Trung Nguyên cho biết, là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu chè hàng đầu của tỉnh Thái Nguyên, những năm qua, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này luôn đạt hơn 1 triệu USD/năm, chủ yếu là chè nguyên liệu hoặc xuất khẩu ủy thác qua doanh nghiệp khác.

Giá chè xuất khẩu hiện dao động từ 1,7-2,3 USD/kg tùy chủng loại, thấp hơn nhiều so với giá chè tiêu thụ trong nước. Vì vậy, ngoài việc giữ ổn định thị trường chè xuất khẩu, Công ty xuất nhập khẩu Trung Nguyên đã nghiên cứu, đưa ra nhiều loại sản phẩm phục vụ thị trường nội địa với giá từ 200.000 đồng/kg trở lên, có sức tiêu khụ khá tốt...

Tại Công ty cổ phần chè Tân Cương-Hoàng Bình, một trong những doanh nghiệp xuất khẩu chè lớn nhất tỉnh, việc chuyển hướng sang thị trường nội địa đã thực hiện trong khoảng 3 năm trở lại đây.

Bà Đỗ Thị Đức Lý, Giám đốc công ty chia sẻ, những năm trước đây, công ty xuất khẩu khoảng 2.500 tấn chè thành phẩm/năm song hiệu quả kinh tế không cao.

Sau khi đầu tư quảng bá thương hiệu, liên kết với các hợp tác xã, hộ trồng chè quy mô lớn tạo vùng nguyên liệu ổn định, công ty tập trung phát triển thị trường trong nước thông qua hệ thống các siêu thị lớn gồm: Big C, Hapromart, Co.opmart... và các nhà phân phối lớn về ngành hàng thực phẩm, đồ uống.

Với 4 dòng sản phẩm phục vụ người tiêu dùng từ bình dân đến cao cấp, mức giá từ 100.000-4.500.000 đồng/kg, sản phẩm chè Tân Cương-Hoàng Bình đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường nội địa.

9 tháng qua, doanh thu của công ty đạt trên 6,2 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ năm trước khoảng 20%... Công ty đầu tư thêm thiết bị, máy móc đóng gói hiện đại, đảm bảo năng lực sản xuất, chế biến 18 tấn búp tươi mỗi ngày...

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên, không chỉ các doanh nghiệp lớn mà các hợp tác xã sản xuất chế biến chè trên địa bàn ngày càng chú trọng tới việc đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm ở thị trường trong nước.

Một số doanh nghiệp, hợp tác xã ở các vùng chè nổi tiếng trong tỉnh như: Tân Cương, La Bằng, Tức Tranh, Minh Lập... đã có thị trường ổn định và sức tiêu thụ các sản phẩm chè an toàn ngày càng cao.

Hiện sản lượng chè xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 20% tổng sản lượng chè của toàn tỉnh, khoảng 80% còn lại được tiêu thụ trong nước. Sản lượng chè tiêu thụ trong nước hàng năm trên 31.500 tấn.

Việc tập trung phát triển thị trường nội tiêu, sản xuất các loại sản phẩm chất lượng, an toàn là một hướng đi đảm bảo cho sự phát triển bền vững của ngành chè Thái Nguyên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục