Doanh nghiệp điện tử Hàn Quốc tìm cơ hội “đổ bộ” vào Việt Nam

Hai mươi doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc hoạt động trong lĩnh vực điện tử đã đến Việt Nam để tìm hiểu, cập nhật thông tin mới nhất về môi trường kinh và cơ hội đầu tư, từ ngày 13 đến 17/7.
Doanh nghiệp điện tử Hàn Quốc tìm cơ hội “đổ bộ” vào Việt Nam ảnh 1Diễn đàn Đầu tư Việt Nam-Hàn Quốc (Ảnh: PV/Vietnam+)

Với tốc độ tăng trưởng GDP từ 5%-6% trong các năm trở lại đây cùng chế độ chính trị-xã hội ổn định và đặc biệt môi trường kinh doanh ngày càng trở nên thông thoáng khi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi đi vào đời sống, Chính phủ mới cho phép nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong các công ty đại chúng… là những lý do khiến các doanh nghiệp Hàn Quốc hướng tới Việt Nam như một điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Điều này được ông Kim Young Sun, Tổng thư ký Trung tâm ASEAN-Hàn Quốc khẳng định tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam-Hàn Quốc, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Trung tâm ASEAN-Hàn Quốc tổ chức ngày 14/7, tại Hà Nội.

“Việt Nam và Hàn Quốc chỉ mới thiết lập quan hệ ngoại giao trên 20 năm, tuy nhiên đã đạt được sự phát triển đáng ngạc nhiên ở nhiều lĩnh vực. Thời gian đầu thương mại hai nước chỉ đạt 500 triệu USD thì nay lên trên 30 tỷ USD và dự kiến đến năm 2020 con số này sẽ đạt 70 tỷ USD. Hiện nay, có khoảng 4.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam và từ đó mở rộng thị trường ra thế giới,” ông Kim tin tưởng nói.

Trong dịp này, hai mươi doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc hoạt động trong lĩnh vực điện tử đã đến Việt Nam để tìm hiểu, cập nhật thông tin mới nhất về môi trường kinh và cơ hội đầu tư, từ ngày 13 đến 17/7.

Theo ông Kim, thời gian qua hợp tác hai nước tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực may mặc, giày dép và các ngành công nghiệp nhẹ, song tới đây sẽ mở rộng hơn sang các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, như điện tử, công nghệ thông tin… Vậy nên, Diễn đàn này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp cho các doanh nghiệp điện tử Hàn Quốc tham quan và tìm hiểu và có những trải nghiệm thực tiễn về Việt Nam.

Với các Hiệp định thương mại tự do đã và đang chuẩn bị ký kết, tới năm 2020, Việt Nam sẽ trở thành một trong những mắt xích quan trọng của mạng lưới liên kết kinh tế với 55 đối tác, trong có 15 thành viên của G-20.

Do đó, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ ra, định hướng lĩnh vực công nghiệp điện tử của Việt Nam sẽ tạo ra các bước đột phá trong thu hút đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI), đặc biệt từ các nước có công nghiệp điện tử phát triển từ nhóm G-20, từ đó thúc đẩy chuyển giao công nghệ đồng thời hình thành nên các cụm công nghiệp điện tử liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa.

Ông Hoàng cho biết: “Kế hoạch tới năm 2030, Việt Nam sẽ hướng tới quốc gia sản xuất các sản phẩm điện tử, công nghệ lớn trên thế giới và hàng đầu khu vực, duy trì tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất trên 10%/năm.”

Trong quan hệ hợp tác đầu tư giữa Việt Nam-Hàn Quốc, ông Hoàng nhấn mạnh, bên cạnh các chính sách thu hút các tập đoàn kinh tế lớn, các chính sách tới đây sẽ hướng tới sự tham gia của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc hoạt động trong các lĩnh vực công nghệ cao, điện tử, chế biến chế tạo, năng lượng…

Thêm vào đó, Việt Nam cũng khuyến khích các tập đoàn lớn của Hàn Quốc tham gia vào quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước (cổ phần hóa), hệ thống ngân hàng (đối tác chiến lược, mua bán nợ xấu), mua lại các dự án hạ tầng giao thông (sân bay, đường cao tốc, cảng biển…).

Để làm được những điều này, ông Hoàng đề xuất, nên triển khai có hiệu quả nội hàm Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam-Hàn Quốc, xây dựng kênh liên hệ định kỳ giữa đại diện Chính phủ hai nước về lĩnh vực đầu tư nhằm hỗ trợ giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động tại Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục