Doanh nghiệp kiến nghị yêu cầu làm rõ thông tin nước mắm có asen

Ông Nguyễn Duy Thảo, đại diện Doanh nghiệp tư nhân sản xuất nước mắm Phú Hà cho biết, gần đây đã có một số khách hàng gọi điện hỏi doanh nghiệp về thông tin trong nước mắm có chứa asen.
Doanh nghiệp kiến nghị yêu cầu làm rõ thông tin nước mắm có asen ảnh 1(Ảnh minh họa: Thanh Vũ/TTXVN)

Ngày 20/10, tại Thành phố Hồ Chí Minh, hơn 30 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nước mắm truyền thống trên cả nước đã có buổi họp bàn xoay quanh vấn đề giới hạn asen (thạch tín) trong nước mắm đang được dư luận quan tâm hiện nay.

Trao đổi với báo chí bên lề cuộc họp, ông Nguyễn Huy Tiến, Phó Chủ tịch Hiệp hội nước mắm Phan Thiết (Bình Thuận) khẳng định, nước mắm truyền thống có chứa asen hữu cơ, nhưng chất này có nguồn gốc từ cá biển và hoàn toàn không gây hại cho sức khỏe con người; còn asen vô cơ không xuất hiện trong quy trình sản xuất nước mắm truyền thống.

Quy trình sản xuất nước mắm truyền thống đơn giản chỉ gồm cá biển và muối, được ủ lên men từ 8-12 tháng bằng phương pháp truyền thống của mỗi làng nghề và được giữ nguyên vị.

Theo ông Tiến, việc công bố thông tin đa số nước mắm có độ đạm cao đều chứa arsen của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas) khiến các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống rất bất ngờ và hoang mang. Về lâu dài nó cũng có thể gây ảnh hưởng đến nền kinh tế và xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

“Do sự việc mới diễn ra trong vài ngày gần đây nên các doanh nghiệp trong Hiệp hội nước mắm Phan Thiết chưa có thiệt hại gì đáng kể. Tuy nhiên, nếu cơ quan quản lý nhà nước không sớm vào cuộc thì chắc chắn các làng nghề nước mắm truyền thống trên cả nước sẽ bị ảnh hưởng trong thời gian tới. Sau buổi họp này, chúng tôi sẽ tập hợp các kiến nghị của doanh nghiệp gửi tới cơ quan chức năng như Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và có thể là Bộ Công an làm rõ thông tin trên. Sau khi xác minh rõ ràng, bên cung cấp thông tin khảo sát này phải đính chính lại cho người tiêu dùng được biết,” ông Tiến cho biết.

Đề cập thêm những tác động từ thông tin Vinastas công bố đối với doanh nghiệp, ông Nguyễn Duy Thảo, đại diện Doanh nghiệp tư nhân sản xuất nước mắm Phú Hà (Phú Quốc, Kiên Giang) cho biết, gần đây đã có một số khách hàng gọi điện hỏi doanh nghiệp về thông tin trong nước mắm có chứa asen.

Dù doanh nghiệp đã giải thích đây là asen hữu cơ tự nhiên, có trong cá và không gây hại, song khách hàng vẫn muốn có thông tin chính thức từ cơ quan chức năng thì mới an tâm, khiến tình hình tiêu thụ sản phẩm chững lại.

“Những người bạn kinh doanh cùng lĩnh vực với tôi ở nước ngoài đều cho biết, các cơ quan quản lý của họ không quan tâm đến asen hữu cơ, vì nó không có hại mà chỉ quan tâm đến asen vô cơ. Trong khi nước mắm Việt Nam đã được bán tại châu Âu không hề có asen vô cơ thì Vinastas công bố lập lờ thông tin như vậy với mục đích gì?” ông Thảo nghi vấn.

Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, sau khi có thông tin đa số sản phẩm nước mắm có độ đạm cao đều chứa asen vượt ngưỡng do Vinastas công bố, các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống đang rất hoang mang và phải chống chọi với cơn bão truyền thông cũng như sự nghi ngại của người tiêu dùng, đối tác.

Các doanh nghiệp này chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ nên những thông tin không rõ ràng có thể “giết chết” những làng nghề nước mắm truyền thống có lịch sử hàng trăm năm nay.

Dưới góc độ của làng nghề, nhiều doanh nghiệp sản xuất nước mắm cũng cho rằng, nước mắm là thương hiệu ẩm thực quốc gia cần được bảo tồn phát triển. Tuy nhiên, với tình trạng loạn sản phẩm mang tên nước mắm nhưng lại không hề làm từ cá như hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước cần có quy chuẩn thống nhất về sản phẩm được gọi nước mắm phân biệt với nước chấm.

Nước mắm trước hết phải làm từ cá, muối và độ đạm phải trên 10 độ. Đồng thời, cần có cơ quan quản lý đưa ra quy chuẩn về các chất có trong nước mắm như arsen, chì, phụ gia… để thông tin rõ ràng với người tiêu dùng trong nước lẫn thế giới.

Trước đó, bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hiệp hội nước mắm Phú Quốc (Kiên Giang) cũng cho biết, đơn vị này đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang và các Bộ, ngành liên quan đề nghị làm rõ thông tin Vinastas đã đưa ra mới đây.

Cụ thể, Hiệp hội nước mắm Phú Quốc đề nghị tổ chức “Hội đồng đánh giá”gồm đại diện các chuyên gia về nước mắm, an toàn thực phẩm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển ​Nông thôn và các Bộ có liên quan, đại diện các Hiệp hội sản xuất nước mắm cả nước để đánh giá lại cơ sở khoa học và pháp lý, cách tiếp cận, phương pháp sử dụng, cách đánh giá kết quả khảo sát của Vinastas và cách thông cáo báo chí mà Vinastas đã thực hiện. Hoặc tổ chức buổi tọa đàm khoa học về chủ đề thạch tín trong nước mắm với sự chủ trì của Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với sự tham gia của các thành phần nêu trên.

Ngoài ra, Hiệp hội nước mắm Phú Quốc cũng đề nghị có các buổi trao đổi thêm về vấn đề chất lượng, an toàn thực phẩm của nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp đang tồn tại trên thị trường.

Trên cơ sở kết quả đánh giá trên, cần cung cấp thông tin rõ ràng trên báo chí để người tiêu dùng được biết rộng rãi về sự thật của thạch tín trong nước mắm, cũng như các tồn tại trong sản xuất kinh doanh nước mắm.

Từ đó, phát triển lĩnh vực sản xuất nước mắm của Việt Nam theo hướng bền vững, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng trong nước và ở nước nhập khẩu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục