Doanh nghiệp Nhật đánh giá cao môi trường đầu tư ở Việt Nam

Doanh nghiệp tỉnh Saitama (Nhật Bản) đánh giá cao môi trường và điều kiện kinh doanh ở Việt Nam, sẵn sàng lựa chọn Việt Nam là địa chỉ hấp dẫn đầu tư số một ở Đông Nam Á.
Doanh nghiệp Nhật đánh giá cao môi trường đầu tư ở Việt Nam ảnh 1Buổi tìm hiểu môi trường đầu tư ở Việt Nam tại Bình Dương. (Ảnh: Quách Lắm/TTXVN)

Tại buổi tọa đàm với các doanh nghiệp tỉnh Saitama (Nhật Bản) vào chiều 28/10, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, qua khảo sát cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh này đánh giá cao môi trường và điều kiện kinh doanh ở Việt Nam, sẵn sàng lựa chọn Việt Nam là địa chỉ hấp dẫn đầu tư số một ở khu vực Đông Nam Á.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, số lượng doanh nghiệp thuộc tỉnh Saitama đăng ký đầu tư vào Việt Nam tăng nhanh chóng trong thời gian qua và đến nay có 62 đơn vị đang hoạt động ổn định. Thời gian tới, các cơ quan hữu quan mỗi bên tiếp tục hợp tác chặt chẽ, hướng tới mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp ở mức tối đa và kịp thời để thu hút thêm vốn đầu tư. Cơ quan chức năng Việt Nam cũng lưu ý các hoạt động tham vấn, rút kinh nghiệm với chuyên gia và đối tác quốc tế; tập trung nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng bên cạnh việc hoàn thiện môi trường đầu tư - kinh doanh và hoàn thiện các luật liên quan.

Đánh giá cao sự hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam, ông Ueda Kiyoshi, Tỉnh trưởng tỉnh Saitama cho biết, địa phương này sẽ tiếp tục khuyến khích, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực chế tạo máy, tái chế, xây dựng với trình độ công nghệ hàng đầu thế giới, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư vào Việt Nam.

Tại buổi tọa đàm, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) Nguyễn Văn Phụng đã giới thiệu những thông tin, quy định mới về thuế; trong đó, nhấn mạnh sự cải thiện quy trình thực hiện kê khai và nộp thuế đối với các doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ.

Ông Phụng cho biết, quá trình cải cách thuế đang và sẽ diễn ra với tốc độ nhanh hơn, trên tinh thần tự giác và quyết liệt từ cơ quan vĩ mô, đến cơ quan thuế cũng như hệ thống công quyền địa phương. Thời gian tới, hoạt động quản lý thuế sẽ diễn ra theo hướng có lợi, thuận tiện hơn dối với doanh nghiệp. Vừa qua, Bộ Tài chính chỉ đạo ngành thuế nghiên cứu phương án giảm số giờ khai và nộp thuế và đã giảm được 201 giờ; hiện đang tiến tới việc cắt giảm tiếp 81 giờ nữa.

Hiện nay, việc thu hút vốn FDI rất quan trọng, không chỉ là các dự án FDI của Nhật Bản mà còn rất nhiều các quốc gia khác. Do đó, Việt Nam cũng đang rất nỗ lực hoàn thiện khung khổ pháp lý để nâng cao hiệu quả của thu hút FDI./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục