Doanh nghiệp nước mắm truyền thống "phản pháo" về thông tin asen

Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc (Kiên Giang) đã gửi đơn kiến nghị lên Uỷ ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang và các Bộ, ngành liên quan yêu cầu làm rõ các thông tin trên một cách minh bạch.
Doanh nghiệp nước mắm truyền thống "phản pháo" về thông tin asen ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Trước thông tin 67,3% mẫu thử nước mắm trên thị trường có hàm lượng asen (thạch tín) vượt ngưỡng quy định vừa được Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống đang rất bức xúc và cho rằng thông tin này không rõ ràng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh của ngành hàng này nếu các cơ quan quản lý không sớm vào cuộc.

Theo bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc (Kiên Giang), đơn vị này đã gửi đơn kiến nghị lên Uỷ ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang và các Bộ, ngành liên quan yêu cầu làm rõ các thông tin trên một cách minh bạch.

Thông tin về một khảo sát gần đây của ngành nước mắm, bà Liên cho biết, trung bình mỗi năm, một người Việt Nam có trọng lượng 50 kg sẽ tiêu thụ khoảng 4 lít nước mắm.

Lượng tiêu thụ nước mắm chỉ khoảng 400ml mỗi người mỗi tháng, trong khi dư lượng asen vô cơ nếu có trong sản phẩm cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe.

Trong khi đó, lượng asen vượt ngưỡng trong các sản phẩm nước mắm mà Vinastas vừa công bố là asen hữu cơ, không độc hại cho cơ thể và tự đào thải trong quá trình trao đổi chất của cơ thể.

Dưới góc độ của chuyên gia, ông Vũ Thế Thành, Thạc sỹ Quản trị chất lượng, giảng viên an toàn thực phẩm của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng, kết quả mà Vinastas công bố không có ý nghĩa để đánh giá về vấn đề an toàn.

Trong cá và các loại thủy hải sản nói chung, arsen tồn tại ở cả hai dạng vô cơ và hữu cơ; trong đó asen dạng vô cơ chiếm rất ít.

Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu (EFSA) đã ấn định luôn lượng asen vô cơ đương nhiên có trong cá biển là 0,03mg mỗi kg và 0,1mg trong các hải sản khác khi tính toán mức độ tiêu thụ arsen trong các loại thực phẩm ở người.

“Đòi hỏi kiểm tra asen trong nước mắm là điều không cần thiết, kết quả công bố chỉ gây hoang mang cho người tiêu dùng. Nếu kiểm tra, thì nên kiểm tra độ đạm, hóa chất sử dụng có vượt mức cho phép hay không, lượng histamin (gây dị ứng…,” chuyên gia Vũ Thế Thành cho biết.

Ông Huỳnh Ngọc Diệp, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang cũng chỉ ra sự bất hợp lý về cách làm và công bố của Vinastas không rõ ràng.

Cụ thể thông tin Vinastas đưa ra các đơn vị làm nước mắm truyền thống có sản phẩm chứa asen hữu cơ cao (không có hại đến sức khỏe), không có asen vô cơ (có độc tố) nhưng vẫn công bố thông tin.

“Các cơ quan quản lý cần vào cuộc làm rõ thông tin trên vì nó ảnh hưởng rất lớn đến sản phẩm nước mắm truyền thống.

Nếu sự việc chỉ ảnh hưởng đến 1-2 doanh nghiệp như câu chuyện Vietfood trước đây thì e rằng khi làm rõ thông tin thì doanh nghiệp đã thiệt hại lớn, người tiêu dùng bị hoang mang,” ông Diệp nói.

Hiện nay, nhiều sản phẩm nước mắm Phú Quốc, Phan Thiết… được xuất khẩu sang các thị trường có mức độ yêu cầu về an toàn thực phẩm rất cao như Nhật Bản, châu Âu, Hàn Quốc…

Riêng thị trường châu Âu, nước mắm Phú Quốc còn được bảo hộ nhãn hiệu rất nghiêm ngặt.

Nếu các sản phẩm này chứa asen vô cơ thì liệu các thị trường này có chấp nhận?

“Mặc dù hiện các doanh nghiệp nước mắm truyền thống chưa có ảnh hưởng gì về sản xuất kinh doanh nhưng các cơ quan chức năng cần sớm làm rõ thông tin, kiểm tra về khoa học xem công bố của Vinastas có chính xác hay không, cơ sở gì để làm báo cáo đó, gây mất uy tín cho nước mắm truyền thống hay không ?”, ông Phan Ngọc Tiến, Giám đốc Công ty nước mắm Tiến Hải (Phan Thiết) bày tỏ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục