Doanh nghiệp phải chịu 3% phí bến bãi bất hợp lý tại cửa khẩu Bờ Y

Tỉnh Kon Tum đang thực hiện một quyết định khiến các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ từ Lào thông qua Cửa khẩu quốc tế Bờ Y bất bình trong nhiều năm nay.

Tỉnh Kon Tum đang thực hiện một quyết định khiến các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ từ Lào thông qua Cửa khẩu quốc tế Bờ Y bất bình trong nhiều năm nay dù các doanh nghiệp này đã nhiều lần có đơn kiến nghị.

Theo quyết định của Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum, tất cả gỗ nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam khi qua Cửa khẩu quốc tế Bờ Y đều bị áp đặt thu phí bến bãi 3%.

Phí này được thu theo Quyết định 34/2007/QĐ-UBND ký ngày 22/6/2007 về việc thu phí sử dụng bến bãi tất các doanh nghiệp nhập khẩu lâm sản gỗ và lâm sản phụ khác qua Cửa khẩu quốc tế Bờ Y-Ngọc Hồi và các cửa khẩu phụ khác trên địa bàn tỉnh Kon Tum với mức thu 3% doanh thu thu được từ việc sản xuất kinh doanh.

Điều đáng nói là việc thu 3% doanh thu cho phí bến bãi của các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ từ Lào về Việt Nam đã thực hiện nhiều năm nay, nhưng bến bãi cho các doanh nghiệp sử dụng thì không có, buộc các doanh nghiệp phải đi thuê ngoài.

Chính điều này đang gây khó khăn và bất bình cho nhiều doanh nghiệp thường xuyên nhập gỗ từ Lào về Việt Nam thông qua khu vực Cửa khẩu quốc tế Bờ Y.

Là doanh nghiệp chuyên thu mua gỗ từ Lào về Việt Nam, trung bình 1 năm doanh nghiệp Đắc Hưng nhập hơn 15.000m3 gỗ từ Lào.

Ngoài việc phải chịu các khoản phí khác thì doanh nghiệp này phải gánh thêm 2​-3 tỷ đồng tiền thuế bến bãi (3%) của tỉnh Kon Tum quy định.

Dù hàng năm doanh nghiệp phải chịu khoản phí này, nhưng bến bãi cho doanh nghiệp sử dụng đều không có.

Để thuận tiện cho hoạt động kinh doanh, sang tải gỗ, doanh nghiệp đã phải đi thuê các lô đất trống của người dân với mức 50-60 triệu đồng/6 tháng.

Ông Hồ Đắc Cương, Giám đốc Công ty Đắc Hưng cho biết, việc thực hiện thu phí 3% này rất vô lý, chỉ có duy nhất tỉnh Kon Tum có khoản phí này.

Trước việc kinh doanh mặt hàng này càng ngày càng khó khăn, việc phải chịu thêm khoản phí 3% này đang làm cho không chỉ doanh nghiệp của ông, mà nhiều doanh nghiệp khác cũng rất khó khăn.

Cũng là doanh nghiệp chuyên nhập gỗ từ Lào về thông qua khu Cửa khẩu quốc tế Bờ Y đã nhiều năm và mỗi năm doanh nghiệp này phải đóng khoảng 10 tỷ đồng phí bến bãi, nhưng bến bãi để hạ tải gỗ thì vẫn phải đi thuê, ông Bùi Quốc Hùng, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tân Đức Duy bức xúc cho biết: "Việc thu phí bến bãi 3% là hết sức vô lý và chỉ duy nhất tỉnh Kon Tum áp dụng. Không chỉ doanh nghiệp của ông mà nhiều doanh nghiệp nhập gỗ qua khu vực cửa khẩu này đều bất bình."

Theo ông Hùng, những năm trước, doanh nghiệp đều phải đi thuê bãi để hạ gỗ, 2 năm trở lại đây Ban Quản lý cửa khẩu bố trí bãi hạ tải, tuy nhiên bãi của Ban Quản lý không đủ để cho nhiều doanh nghiệp sử dụng. Việc này gây ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.

Hơn nữa, những năm gần đây việc kinh doanh của các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn, việc phải gánh thêm mức phí 3% bến bãi này càng làm cho nhiều doanh nghiệp “khó chồng khó.”

Theo báo cáo, từ việc thu phí sử dụng bến bãi 3% mặt hàng gỗ, năm 2014 số tiền thu được là hơn 65,3 tỷ đồng, 8 tháng năm 2015 thu về hơn 24,8 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay có hơn 50 doanh nghiệp thường xuyên hoạt động nhập gỗ từ Lào về Việt Nam thông qua khu vực Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, nhu cầu sử dụng bến bãi là rất lớn. Tuy nhiên, bến bãi cho các doanh nghiệp không thể đáp ứng đủ.

Ông Vũ Mạnh Hải, Phó trưởng Ban Quản lý Cửa khẩu quốc tế Bờ Y cho biết, hiện nay đơn vị có 2 bãi với diện tích 7.000 m2/bãi.

Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp thực hiện vào bãi để hạ hàng hóa một lúc không thể đáp ứng nổi, đã có nhiều lúc tạo áp lực lên khu sân bãi khiến việc quá tải ở bến bãi đã xảy ra.

Ban Quản lý Cửa khẩu quốc tế Bờ Y đã kiến nghị với Ủy ban Nhân dân tỉnh xin quỹ đất để làm bãi hạ tải cho các doanh nghiệp, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có quỹ đất để thực hiện.

Trước việc áp dụng mức thu phí sử dụng bến bãi 3% nhưng lại không có đủ bến bãi cho các doanh nghiệp sử dụng đã diễn ra trong nhiều năm nay, các doanh nghiệp đã có nhiều kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Nhân dân tỉnh nhưng đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, việc tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động đem lại lợi ích cho nền kinh tế chung của cả nước là chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Vì vậy, các doanh nghiệp ở Kon Tum mong muốn có hướng giải quyết hợp lý việc thu 3% phí bến bãi này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục