Doanh nghiệp vẫn còn "lơ mơ" về tự vệ thương mại

Chỉ có chưa đầy 35% doanh nghiệp hiểu các cam kết gia nhập WTO của Việt Nam liên quan đến ngành và lĩnh vực của chính mình.
Khảo sát của VCCI cho thấy, chỉ trên 66% doanh nghiệp hiểu các nội dung cơ bản của các hiệp định trong khuôn khổ WTO. Trong khi đó, chưa đầy 35% doanh nghiệp hiểu các cam kết gia nhập WTO của Việt Nam liên quan đến ngành và lĩnh vực của chính mình.

“Đây cũng là điểm yếu của nhiều hiệp hội và doanh nghiệp Việt Nam trong việc sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Bên cạnh đó nhiều doanh nghiệp chỉ chăm chăm đến hàng xuất khẩu mà bỏ quên chính thị trường nội địa,” ông Trần Hữu Huỳnh, trưởng ban Pháp chế VCCI nhấn mạnh.

Vì thế, hội thảo “Các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu: Doanh nghiệp Việt Nam cần trang bị những gì” do Cục Quản lý cạnh tranh tổ chức sáng 28/7, đã giúp doanh nghiệp Việt Nam có đầy đủ thông tin hơn về việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại liên quan đến ngành mình, từ đó có thể chủ động đối phó với hàng hóa nhập khẩu, duy trì và bảo vệ sản xuất trong nước.

Theo đánh giá của Cục Quản lý cạnh tranh, thời gian qua nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã phải đối mặt với các vụ kiện về chống bán phá giá và trợ cấp, tiêu biểu như vụ giày mũ da, xe đạp xuất khẩu sang thị trường Châu Âu, tôm đông lạnh xuất khẩu…

Tuy nhiên, hiểu biết của nhiều hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam về quyền được sử dụng các thủ tục, phương pháp và kỹ năng cần thiết nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước sự cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu còn hạn chế.

Thậm chí, ngay tại buổi hội thảo, một vị đại diện của Hiệp hội Xây dựng Việt Nam mới “vỡ” ra rằng thế nào là bán phá giá hay trợ cấp, còn “trước kia chỉ nghe nói đến các biện pháp nhưng chưa hiểu rõ việc vận dụng thế nào.”

Trước thực tế trên, ông Vũ Bá Phú, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh cho rằng, các biện pháp khắc phục thương mại là những công cụ được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép các nước thành viên sử dụng một cách hợp pháp.

Theo đó, việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ là nhóm tốt nhất giúp bảo vệ ngành sản xuất nội địa, chống lại các hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu.

Mặt khác, thiết lập cơ chế hỗ trợ thông tin cần thiết cho việc khởi kiện của doanh nghiệp như thông tin về giá, lượng sản phẩm nhập khẩu, các thông tin về thiệt hại của ngành sản xuất nội địa… giúp doanh nghiệp có một cái nhìn tổng quát về thị trường, nhằm xây dựng chính sách kinh doanh phù hợp với điều kiện hội nhập.

Tại hội thảo, để giúp doanh nghiệp Việt Nam có thêm thông tin nhằm chủ động đối phó với các vụ kiện của nước ngoài, các luật sư đến từ các công ty Luật nước ngoài như Baker&Mckenzie, Gide Louyrette cũng phổ biến nhiều kinh nghiệm về việc triển khai điều tra phòng vệ thương mại của cơ quan điều tra nước ngoài.

Ông James Lockett, cố vấn cao cấp của Công ty luật Baker&Mckenzie nhấn mạnh, việc chuẩn bị bồ sơ, tài liệu của doanh nghiệp, hiệp hội nước ngoài để yêu cầu cơ quan điều tra tiến hành khởi xướng điều tra là bước quyết định đến sự thắng kiện của doanh nghiệp Việt Nam.

Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, Thứ trưởng Công Thương Lê Danh Vĩnh cũng khẳng định, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp trên thị trường nội địa, các doanh nghiệp Việt Nam có quyền yêu cầu điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu có hành vi cạnh tranh không lành mạnh./.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục