Doanh nghiệp vẫn phải trả chi phí ngoài, sợ bị phân biệt đối xử

Theo kết quả khảo sát, vẫn có 28% doanh nghiệp cho biết họ phải trả thêm chi phí ngoài quy định và e ngại bị phân biệt đối xử.
Doanh nghiệp vẫn phải trả chi phí ngoài, sợ bị phân biệt đối xử ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Đánh giá của doanh nghiệp về thực hiện thủ tục hành chính trong hải quan, về sự phục vụ của công chức hải quan phần lớn vẫn ở mức "bình thường." Đặc biệt, vẫn có 28% doanh nghiệp cho biết họ phải trả thêm chi phí ngoài quy định và e ngại bị phân biệt đối xử.

Doanh nghiệp kêu khó hoàn, miễn thuế

Đây là những con số đáng chú ý trong kết quả khảo sát năm 2015 về mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan vừa được công bố sáng 12/11. Khảo sát do Tổng cục Hải quan, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện từ tháng Tư tới hết tháng Sáu với 3.123 doanh nghiệp.

Đưa ra đánh giá chung, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, có 94% doanh nghiệp tham khảo sát đánh giá sự chuyển biến của chính sách, pháp luật hải quan là tích cực. Trong số này, các doanh nghiệp tỏ ra hài lòng trong việc tiếp cận thông tin về thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan qua cổng thông tin điện tử ngành (89% hài lòng), của cơ quan hải quan địa phương (76% hài lòng) và qua các lớp tập huấn (74% hài lòng).

Tuy nhiên, trong việc thực hiện thủ tục hành chính hải quan, kết quả khảo sát được ông Lộc cho biết, phần lớn doanh nghiệp đánh giá ở mức "bình thường." Cụ thể, 26% doanh nghiệp cho rằng các thủ tục nộp thuế dễ hoặc rất dễ. Ngược lại, một số thủ tục có lượng doanh nghiệp tương đối lớn đánh giá là "khó, rất khó" thực hiện như: thủ tục hoàn thuế, không thu thuế (31%), thủ tục xét miễn thuế (26%) và giải quyết khiếu nại (23%)

Về khó khăn cụ thể, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế VCCI cho rằng, có tới 58% doanh nghiệp đã từng gặp những khó khăn nhất định khi thực hiện thủ tục hải quan.

Trong số này, 83% cho biết gặp phải vấn đề vì nhiều biểu mẫu khai báo và hay thay đổi. Kế đến, 60% doanh nghiệp cho rằng cơ quan hải quan và các cơ quan khác phối hợp chưa đồng bộ.

Một số khó khăn khác được phía doanh nghiệp nêu lên là: ​Yêu cầu cung cấp thông tin giấy tờ ngoài quy định, không công khai thông tin và quy trình xử lý hay cán bộ hải quan không hướng dẫn đầy đủ, tận tình.

Về sự phục vụ của công chức hải quan, ông Đậu Anh Tuấn cũng thống kê, phần lớn doanh nghiệp đánh giá mức độ thực hiện kỷ cương của công chức ở ngưỡng "bình thường."

Đặc biệt, kết quả khảo sát cho thấy, khoảng 35% doanh nghiệp được khảo sát từ chối trả lời câu hỏi về việc trả chi phí ngoài quy định. 28% doanh nghiệp được hỏi cho biết họ phải trả thêm một số khoản chi phí trong khi thực hiện thủ tục hành chính.

Cụ thể hơn, trung bình 36% doanh nghiệp cho biết nếu không trả chi phí ngoài quy định thì họ có thể bị phân biệt đối xử. "Nơi thấp nhất có 8% nhưng tại nơi cao nhất, có tới 80% doanh nghiệp cho biết bị phân biệt đối xử khi không chi trả chi phí ngoài quy định," báo cáo của VCCI có nêu.

"Cải cách còn cách xa kỳ vọng"

Đánh giá về những con số trên, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, kết quả cải cách thủ tục hành chính hải quan rõ ràng còn khoảng cách xa so với kỳ vọng của doanh nghiệp.

Ông Lộc cũng nhắc lại một trong những khó khăn mà doanh nghiệp đã nêu lên, đó là sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên ngành trong khi thực hiện thủ tục hải quan. Chủ tịch VCCI khẳng định, đây đang là một trong những vấn đề khó khăn trong cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Khó khăn này được ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Th​ủy sản Việt Nam (VASEP) nhấn mạnh một lần nữa trong những chia sẻ của mình. Theo ông Nam, ngành thủy sản hiện hiện phải liên hệ với khoảng 6 bộ, ngành trong quá trình xuất nhập khẩu nhưng thực tế không phải bộ, ngành nào cũng coi doanh nghiệp thực sự là đối tác để tạo điều kiện khi làm thủ tục.

"Các doanh nghiệp ngành chúng tôi hiện vẫn mắc vì quản lý chuyên ngành quá nặng nề. Chúng tôi kiến nghị Bộ Tài chính có thêm ý kiến với các bộ, ngành để các bộ khác thực hiện cải cách nhanh hơn," ông Nam nêu ý kiến.

Vấn đề này theo ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia của USAID, là do xuất phát từ quy định phải có kết quả kiểm tra chuyên ngành mới được thông quan. Quá trình này theo ông có thể mất tới 7-10 ngày trong quá trình thông quan và hoàn toàn có thể rút ngắn nếu chuyển sang kiểm tra sau thông quan.

Cũng theo ông Bình, một số bộ khi được hỏi trả lời thẳng thắn rằng không cần quản lý hàng hóa theo rủi ro. Suy nghĩ này theo ông cần "xem xét lại" bởi đây chính là một trong những giải pháp quan trọng giúp cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Đưa ra con số, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, theo thống kê, 38% hàng xuất nhập khẩu chịu sự kiểm tra tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa và an toàn thực phẩm. Trong khi ấy, theo ông, ở một số nước như Singapore, tỷ lệ kiểm tra chuyên ngành với hàng xuất nhập khẩu chỉ khoảng 8-9%.

Phạm vi kiểm tra rộng trong khi chất lượng kiểm tra thấp là vấn đề được lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng là "thách thức" cần giải quyết trong thời gian tới. Ông Tuấn cũng cho biết, cơ quan chức năng đã có đề án kiểm tra tiêu chuẩn chất lượng và hy vọng có thể ban hành trong năm nay. Với đề án này, hàng hóa từ các nước không rủi ro hoặc ít rủi ro có thể không cần kiểm tra hoặc nếu có sẽ được thực hiện nhanh ngay tại cửa khẩu.

"Với loại hàng hóa không cần kiểm tra tại chỗ thì có thể kiểm tra sau thông quan," Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục