Doanh nghiệp Việt chưa đầu tư đúng mức cho thị trường ASEAN

Tại diễn đàn “Doanh nghiệp Việt Nam hướng tới AEC 2015,” tổ chức 13/12 ở Hà Nội, các đại biểu nhận định doanh nghiệp chưa quan tâm, đầu tư đúng mức với thị trường ASEAN.
Doanh nghiệp Việt chưa đầu tư đúng mức cho thị trường ASEAN ảnh 1Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Hội nhập ASEAN đã và đang có những bước tiến quan trọng, khi chỉ còn 2 tuần nữa, vào ngày cuối cùng của năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ chính thức được hình thành, tiến tới xây dựng ASEAN trở thành nhân tố tích cực của cộng đồng châu Á.

Hiểu kỹ, hiểu sâu và hiểu rõ về ASEAN chính là cách để tận dụng mọi cơ hội, để hội nhập một cách hiệu quả và giành thế chủ động trong cuộc chạy đua trên sân chơi khu vực và toàn cầu.

Mặc dù vậy, tại diễn đàn “Doanh nghiệp Việt Nam hướng tới AEC 2015” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế và Bộ Ngoại giao tổ chức ngày 13/12 tại Hà Nội, đa phần các diễn giả tham dự và đại diện lãnh đạo nhiều bộ ngành có mặt tại diễn đàn đều chung nhận định các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân chưa nhận thức đúng về vai trò quan trọng của ASEAN, nên có sự coi nhẹ và chưa quan tâm, đầu tư chưa đúng mức đối với thị trường này.

Điều này thực sự đáng quan ngại khi Việt Nam không còn nhiều thời gian để chuẩn bị hành trang cùng tham gia vào một thị trường chung, một cơ sở sản xuất chung của khu vực theo mục tiêu AEC đặt ra. Thời điểm mà từ đây toàn khu vực ASEAN sẽ được tự do dịch chuyển hàng hóa-dịch vụ, tự do lưu chuyển công nghệ, vốn và kể cả nguồn nhân lực.

Điều này cũng thực sự đáng tiếc, nếu Việt Nam không tận dụng được lợi thế trong ASEAN, nơi được xem là trung tâm châu Á và là điểm kết nối, là mắt xích trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Bởi cho dù, Chính phủ đã có sự đón đầu khi ký kết hàng loạt Hiệp định Thương mại tự do với các quốc gia, các liên minh kinh tế và tổ chức quốc tế, Việt Nam cũng không có sự nổi trội hơn so với các quốc gia khác trong khu vực ASEAN, do tính tương đồng về lợi thế cạnh tranh, do những rào cản về thể chế, chính sách pháp luật, do sự chậm đổi mới về cải cách thủ tục hành chính và do sự chậm thích ứng của cộng đồng doanh nghiệp với tình hình hội nhập.

Tiến sỹ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phân tích, sự đồng điệu giữa Việt Nam với các nước trong khu vực phản ánh tính cạnh tranh ngay trong chính AEC sẽ rất cao. Thuận lợi hóa trong thương mại và việc giảm thuế suất nhập khẩu về 0% đối với rất nhiều lĩnh vực, sản phẩm hàng hóa sẽ không góp phần tạo nên sự khác biệt cho Việt Nam cũng như lợi thế so sánh với các thành viên khác trong AEC.

Vì lẽ đó, để thu được nhiều lợi ích từ việc tham gia AEC, cũng cần phải hiểu về ASEAN và chọn cách chơi, chọn thế cờ và nước cờ đúng chuẩn. ASEAN là hiệu quả, là phải thịnh vượng và phải đồng đều. Về cơ bản, nếu Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) là luật chơi thì ASEAN là hợp tác, là kết nối từ trái tim, ý chí và sự đoàn kết, ông Thành nhấn mạnh.

Cùng chung quan điểm, tiến sỹ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhận định Cộng đồng kinh tế ASEAN không có cơ cấu chặt chẽ, tương đối lỏng và không có sự tương thích nhiều. Cộng đồng kinh tế ASEAN là tiến trình hội nhập chứ không phải là hiệp định, là khát vọng chứ không phải bắt buộc.

Khi AEC được hình thành sẽ đem lại nhiều cơ hội, mở cửa nhiều thị trường cho doanh nghiệp, cũng như tạo khí thế và động lực mới cho doanh nghiệp vươn lên. Tuy nhiên, cùng với đó là những thách thức đặt ra như cạnh tranh hàng hóa, dịch vụ vô cùng lớn, khi trình độ phát triển thấp hơn, khả năng hạn chế về cung ứng lao động và quản lý dòng vốn…, ông Lộc nhấn mạnh.

Chủ tịch VCCI cũng khuyến nghị, tới thời điểm 1/1/2016, trước mắt sẽ không có nhiều thay đổi đáng kể so với hiện tại, bởi vẫn đang trong tiến trình thực hiện cam kết như lộ trình đặt ra. Do đó các doanh nghiệp nên hết sức bình tĩnh. Tuy nhiên, vẫn cần sự chuẩn bị tích cực hơn để đón đầu cơ hội này.

Băn khoăn về khả năng nắm bắt của doanh nghiệp và sự thích ứng với tiến trình hội nhập, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, với sự mở đường, khai phá của Chính phủ thông qua việc ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, nhưng doanh nghiệp vẫn chưa bước đi được trên con đường ấy bởi năng lực còn quá yếu.

Những nỗ lực tạo thuận lợi hóa trong thương mại giúp nâng cao tính minh bạch của các thủ tục liên quan tới doanh nghiệp, góp phần tăng niềm tin đối với nhà đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Song nếu không có sự dẫn dắt, “cầm tay chỉ việc” của Chính phủ đối với doanh nghiệp sẽ không thu được nhiều hiệu quả từ việc tạo thuận lợi hóa trong thương mại.

Có thể thấy, ASEAN là một hình mẫu phát triển của các nước đang phát triển. Sự thành công của hình mẫu ấy còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, song chắc chắn góp phần thu hẹp khoảng cách về phát triển giữa các thành viên AEC nói riêng và với cộng đồng quốc tế nói chung.

Nếu thế giới nhìn nhận ASEAN là một nơi đầu tư cực kỳ hấp dẫn, thì mỗi nước thành viên cũng cần hiểu ASEAN chính là một mắt xích trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Tiến sỹ Võ Trí Thành kết luận tham gia vào “trò chơi” đó, nếu không chỉ là kinh doanh thì ít nhất các doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể được hưởng lợi rất nhiều từ các chương trình đào tạo, các chính sách, dự án hỗ trợ doanh nghiệp từ các tổ chức phát triển trên thế giới. Họ sẽ dạy doanh nghiệp Việt Nam cách kiếm tiền hiệu quả, xanh hơn, bền vững hơn trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục