Doanh nghiệp xuất khẩu lao động khổ vì "trên rải thảm, dưới rải đinh"

Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, khó khăn hơn cả tìm kiếm đơn hàng chính là tuyển nguồn lao động, do doanh nghiệp gặp phải tình trạng “trên rải thảm, dưới rải đinh” ở địa phương.
Doanh nghiệp xuất khẩu lao động khổ vì "trên rải thảm, dưới rải đinh" ảnh 1Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trở về. (Ảnh minh họa: Vietnam+)

Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, khó khăn hơn cả tìm kiếm đơn hàng chính là tuyển nguồn lao động, do doanh nghiệp gặp phải tình trạng “trên rải thảm, dưới rải đinh” ở địa phương. Vì vậy, theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, có những doanh nghiệp đã được cấp phép nhưng trong ba năm không đưa được lao động nào đi làm việc ở nước ngoài.

Đây là ý kiến được đưa ra tại hội nghị nâng cao chất lượng hoạt động đưa người lao động đi nước ngoài do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 8/3 tại Hà Nội.

“Trên rải thảm, dưới rải đinh”

Tại hội nghị, các doanh nghiệp thẳng thắn đối thoại về những khó khăn, rào cản mà doanh nghiệp gặp phải trong quá trình hoạt động xuất khẩu lao động. Đặc biệt là trong việc tuyển nguồn lao động.

Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc công ty cổ phần dịch vụ xuất khẩu lao động và chuyên gia Thanh Hóa (LEESCO) chia sẻ: “Doanh nghiệp chúng tôi có đơn hàng đã được Cục Quản lý lao động ngoài nước phê duyệt tới một số địa phương để tiếp cận người lao động. Tỉnh có tạo điều kiện nhưng khi đến cấp huyện thì ‘kẹt cứng’, đặc biệt các huyện ở khu vực phía Bắc, Tây Nguyên... có lúc chúng tôi nằm ở huyện ba tháng vẫn không xuống nổi với người dân… Đây là những giấy phép con hết sức phiền phức."

Ông Nguyễn Văn Minh phản ánh: “Có trường hợp lãnh đạo địa phương trả lời phải chờ họp thường vụ cho ý kiến, mà thường vụ không biết mấy tháng họp một lần. Có lần, doanh nghiệp tự tin có văn bản giới thiệu của tỉnh nên cho nhân viên xuống gặp người dân, nhưng vừa xuống địa phương thì bị công an bắt về đồn. Tôi cho rằng vấn đề này rất nhức nhối, có thể nói cái này là ‘trên thì rải thảm dưới rải đinh’…”

Ông Nguyễn Văn Minh kiến nghị, địa phương nên linh động để doanh nghiệp vào tuyển dụng chỉ cần giấy phép của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và công văn giới thiệu của tỉnh đồng ý chứ không cần “giấy tờ con”, phải xin công văn, ý kiến của tuyến xã nữa.

Trong khi đó, ông Vũ Công Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty LOD cho biết thêm, hiện nay một số doanh nghiệp xuất khẩu lao động đang cạnh tranh không lành mạnh, nếu doanh nghiệp nào có phí cao hơn thì địa phương sẽ cộng tác vì được chia hoa hồng nhiều hơn.

Doanh nghiệp xuất khẩu lao động khổ vì "trên rải thảm, dưới rải đinh" ảnh 2Tư vấn cho lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài. (Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN)

Ba năm không đưa được lao động đi

Theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tính đến hết tháng 12/2016, cả nước có 277 doanh nghiệp có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (trong đó có 15 doanh nghiệp nhà nước, 207 công ty cổ phần và 55 công ty trách nhiệm hữu hạn). Từ năm 2010 đến nay trung bình mỗi năm có khoảng 20 doanh nghiệp đưa được trên 1.000 lao động ra nước ngoài làm việc, thế nhưng cũng có doanh nghiệp không đưa được lao động đi nước ngoài.

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết, trong số 277 doanh nghiệp có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, có 8 doanh nghiệp đã có giấy phép hoạt động trên 3 năm không đưa được lao động đi làm việc ở nước ngoài trong ba năm trở lại đây.

Trong những doanh nghiệp có giấy phép hoạt động từ 1-3 năm, cũng có 5 doanh nghiệp không đưa được lao động đi làm việc ở nước ngoài từ khi được cấp phép hoạt động. 31 doanh nghiệp có giấy phép hoạt động dưới một năm chưa đưa được lao động đi làm việc ở nước ngoài kể từ khi được cấp giấy phép cho đến nay.

Thống kê hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động:

 (Nguồn: Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Đơn vị: Doanh nghiệp)

Theo ông Doãn Mậu Diệp, vẫn còn những khó khăn, hạn chế gây ảnh hưởng đến hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đó là, nguồn lao động của ta còn yếu về ngoại ngữ, tay nghề chưa phù hợp yêu cầu của thị trường, chưa quen tác phong làm việc công nghiệp. Doanh nghiệp lại gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận tuyển dụng lao động.

Trước những khó khăn của doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, Bộ sẽ kiên quyết loại bỏ các thủ tục rườm rà hay “giấy phép con” theo 2 hướng: Nếu thủ tục từ phía đối tác nước ngoài thì cần đàm phán lại. Nếu xuất phát từ phía ngành, Bộ sẽ tích hợp các văn bản dưới luật thuộc thẩm quyền "tản mát" vào thành một Thông tư để giúp doanh nghiệp và người lao động đễ theo dõi.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong năm 2017, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quyết định thanh tra thường xuyên, kiến quyết xử lý những vấn đề còn tồn tại như thu phí cao quá quy định, tuyển dụng qua môi giới môi giới, cò mồi, bán giấy phép.... để đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục