Doanh nhân ở lĩnh vực nào cũng cần cái tâm vì cộng đồng

“Doanh nhân dù ở lĩnh vực nào cũng phải có cái tâm vì cộng đồng”

Ông Thọ cho rằng, ngành ngân hàng đòi hỏi những kỹ năng chuyên biệt, trình độ học thuật cũng như nghiệp vụ chuyên nghiệp để thích ứng với tình hình kinh tế.
“Doanh nhân dù ở lĩnh vực nào cũng phải có cái tâm vì cộng đồng” ảnh 1Giao dịch tại VietinBank. (Nguồn: VietinBank).

Nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004-13/10/2014), phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trò chuyện với ông Lê Đức Thọ, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) để hiểu rõ hơn về những trọng trách mà doanh nhân Việt Nam đang gánh vác phục vụ kinh tế đất nước.

- Làm doanh nhân trong lĩnh vực ngân hàng có khó hơn so với những doanh nhân thuộc các ngành nghề, lĩnh vực khác không, thưa ông?

Ông Lê Đức Thọ: Tôi cho rằng làm doanh nhân, trở thành doanh nhân một cách thực thụ đã khó, nhưng để có thể là một doanh nhân thành công thì điều đó còn khó hơn rất nhiều. Mỗi ngành nghề lĩnh vực có tính chất, đặc điểm riêng và do đó có yêu cầu riêng, ngân hàng là lĩnh vực kinh tế đặc thù và được ví là “mạch máu” của nền kinh tế, tác động tới tất cả các lĩnh vực kinh tế khác.

Vì thế, mức độ nhạy cảm của lĩnh vực kinh tế này thực sự đặc biệt và khác biệt. Trên thực tế ngành ngân hàng đòi hỏi những kỹ năng chuyên biệt, trình độ học thuật cũng như nghiệp vụ chuyên nghiệp và khoa học, nhất là trong bối cảnh kinh tế đất nước hội nhập mà ngân hàng cần và buộc phải đáp ứng ngày một đầy đủ các chuẩn mực quốc tế. Doanh nhân dù ở lĩnh vực nào cũng phải có cái tâm vì cộng đồng, vì xã hội.

- Là người gắn bó nhiều năm với ngành ngân hàng, trên cương vị Tổng Giám đốc một trong 4 ngân hàng lớn nhất thị trường hiện nay, ông có thể chia sẻ những cố gắng và nỗ lực của ngành ngân hàng trong việc hồi phục nền kinh tế và giúp cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong suốt những năm qua?

Ông Lê Đức Thọ: Có thể khẳng định rằng ngành ngân hàng đã nỗ lực và có đóng góp to lớn trong việc cùng Đảng, Chính phủ phục hồi nền kinh tế, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Về vĩ mô, chúng ta có thể thấy thị trường tiền tệ tài chính, thị trường vàng đã dần đi vào ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tình trạng vàng hóa, đô la hóa đã giảm đáng kể và cơ bản được kiểm soát tốt. Đặc biệt giá trị đồng tiền Việt Nam được giữ ổn định, mặt bằng lãi suất đã hạ thấp đã có tác dụng giúp các doanh nghiệp tiếp cận ngày càng tốt hơn với tín dụng ngân hàng, tối đa nguồn lực tài chính cho cộng đồng doanh nghiệp.

Trong từng lĩnh vực kinh tế, ngành ngân hàng đã cụ thể hóa chính sách, tiền tệ bằng việc khơi thông và thúc đẩy dòng vốn chảy vào nền kinh tế, trực tiếp tham gia hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận và hấp thụ dòng vốn đó.

VietinBank hiện tham gia tích cực hỗ trợ trực tiếp nguồn lực tài chính đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, công trình, dự án quan trọng của đất nước như: thủy điện Sơn La, hầm Đèo Cả, mỏ than Khe Chàm, đường dây 500kv, cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ…

Trong quá trình cung cấp các sản phẩm, VietinBank luôn đem lại chính sách lãi suất ưu đãi, sản phẩm và dịch vụ ngân hàng hiện đại và tiện ích cùng phong cách phục vụ chuyên nghiệp, khả năng tư vấn tốt nhằm mang lại lợi ích toàn diện cho khách hàng.

Đối với an sinh xã hội, đến nay, Ngân hàng cũng đã dành hơn 4.500 tỷ đồng để thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo tại 63 tỉnh, thành trên cả nước.

“Doanh nhân dù ở lĩnh vực nào cũng phải có cái tâm vì cộng đồng” ảnh 2Ông Lê Đức Thọ, Tống Giám đốc VietinBank. (Nguồn: VietinBank).

- Trong mấy năm qua, cộng đồng doanh nhân đã gặp nhiều khó khăn do kinh tế khủng hoảng, vậy VietinBank đã vượt qua thời kỳ này như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Đức Thọ: Nước ta đã hội nhập kinh tế tương đối sâu rộng với thế giới, khi kinh tế thế giới lâm vào tình trạng khủng hoảng, kinh tế của ta cũng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.

Tuy nhiên, cộng đồng doanh nhân Việt Nam luôn năng động sáng tạo tìm mọi cách vượt khó vươn lên, một mặt bám sát thị trường trong nước, mặt khác phát huy vị thế ngày càng cao của Việt Nam để tìm kiếm thị trường, mở rộng đầu tư ra thế giới.

Chúng tôi, những người trong Ban lãnh đạo VietinBank trước khó khăn luôn hun đúc ý chí: Vượt khó và vượt khó thành công.

Năm 2008, tổng tài sản của VietinBank là 194.000 tỷ đồng thì đến 30/9/2014 con số này đã lên tới 630.000 tỷ đồng (tốc độ tăng trưởng hơn 300%), cũng năm 2008, VietinBank nộp ngân sách nhà nước 1.623 tỷ đồng thì năm 2013, con số này là hơn 4.000 tỷ đồng.

Không dừng lại ở đó, VietinBank đang trên con đường trở thành một Tập đoàn tài chính - ngân hàng hàng đầu Việt Nam, hội nhập sâu rộng thị trường thế giới. VietinBank nằm trong Top 500 thương hiệu giá trị nhất thế giới ngành ngân hàng và là ngân hàng Việt Nam duy nhất vào Top 10 ngân hàng thế giới có giá trị thương hiệu tăng cao nhất. Đặc biệt 2 năm liền (2012-2013), VietinBank nằm trong Top 2000 doanh nghiệp lớn nhất thế giới.

- Theo ông, để doanh nghiệp Việt thực sự lớn mạnh đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp quốc tế cần có những hỗ trợ như thế nào từ phía nhà nước?

Ông Lê Đức Thọ: Nhà nước có vai trò quan trọng trong tạo lập môi trường kinh doanh, Nhà nước đã và đang phát huy vai trò khơi thông sự hợp tác, hội nhập, nâng cao vị thế, bảo vệ lợi ích chính đáng cho quốc gia và doanh nghiệp khi tham gia vào các sân chơi khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách quản lý của Nhà nước cũng đang tiếp tục được hoàn chỉnh hơn, đồng bộ hơn nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Tuy nhiên Nhà nước không thể làm thay doanh nghiệp, doanh nghiệp phải nâng cao năng lực quản trị, điều hành, biết tìm tòi con đường để phát triển. Một yếu tố tất yếu của phát triển và cạnh tranh hiện nay đó là kinh tế tri thức. Tri thức giúp đưa ra ý tưởng, sản phẩm, công nghệ và giải pháp… Vì vậy, nguồn nhân lực có tri thức có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với mỗi doanh nghiệp.

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh đã cạnh tranh và hội nhập thắng lợi trên các sân chơi khu vực, quốc tế. VietinBank cũng khẳng định được vị thế và vai trò như vậy. Hiện VietinBank đang là một trong những ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam, thu hút 2 nhà đầu tư lớn của nước ngoài là Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) và Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ (BTMU) - ngân hàng hàng đầu Nhật Bản mua cổ phần đồng thời đang hội nhập với thị trường khu vực và trên thế giới.

- Xin cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục