Độc đáo và tinh xảo nghệ thuật đắp phù điêu ở Thạch Xá

Những người thợ đắp phù điêu Thạch Xá được nhiều người biết đến qua công việc phục chế, tôn tạo nhiều công trình văn hóa tâm linh ở Việt Nam.

Là vùng đất nổi tiếng với những nghề thủ công truyền thống, xã Thạch Xá (huyện Thạch Thất, Hà Nội) còn được biết đến là nơi có những người thợ đắp phù điêu tài hoa. Những người thợ Thạch Xá được nhiều người biết đến qua công việc phục chế, tôn tạo nhiều công trình văn hóa tâm linh ở Việt Nam.

Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Tuấn, một trong số người giữ gìn và phát triển nghề đắp phù điêu của Thạch Xá thì nghề đắp phù điêu có lịch sử cách đây khoảng 200 năm. Là người theo bố học nghề từ năm 13 tuổi, nghệ nhân Nguyễn Văn Tuấn với tài năng và kinh nghiệm hơn 40 năm đã trực tiếp thiết kế, phục chế, tôn tạo hàng trăm tác phẩm tại các công trình di tích lịch sử, văn hóa tâm linh được Nhà nước xếp hạng.

Trong đó, tiêu biểu là phục chế đầu đao (chùa Tây Phương, Thạch Thất), đắp nổi Rồng chầu mặt nguyệt (chùa Thầy, Quốc Oai), phục dựng con giống cổ chùa Sóc Sơn, xây cột trụ và đắp hoa văn con giống tại chùa Hòe Nhai, một trong những di tích kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội...

Độc đáo và tinh xảo nghệ thuật đắp phù điêu ở Thạch Xá ảnh 1Xơ giấy dó (còn gọi là giấy bản), một trong những nguyên liệu chính sử dụng đắp phù điêu. (Ảnh: Công Đạt)
Độc đáo và tinh xảo nghệ thuật đắp phù điêu ở Thạch Xá ảnh 2Nguyên liệu để đắp phù điêu phải được pha trộn rất tinh tế, kỳ công từ xơ giấy dó…(Ảnh: Công Đạt)
Độc đáo và tinh xảo nghệ thuật đắp phù điêu ở Thạch Xá ảnh 3…sau đó ngâm với vôi và mật mía. (Ảnh: Công Đạt)
Độc đáo và tinh xảo nghệ thuật đắp phù điêu ở Thạch Xá ảnh 4Khi thi công phần thô, nhìn chất liệu của sản phẩm phù điêu rất giống với chất liệu xi măng. (Ảnh: Công Đạt)
Độc đáo và tinh xảo nghệ thuật đắp phù điêu ở Thạch Xá ảnh 5Sau một quá trình để khô tự nhiên, những sản phẩm phù điêu đắp bằng chất liệu giấy dó ngâm với vôi và mật mía trắng dần ra. (Ảnh: Công Đạt)

Theo ông Tuấn, công việc của người thợ phù điêu Thạch Xá đến nay ngày càng nhận được nhiều nhu cầu về việc phục chế, tôn tạo các di tích lịch sử đền chùa, miếu mạo. Điều đặc biệt trong nghề đắp phù điêu của người Thạch Xá là chất liệu được làm khá kỳ công và vẫn giữ nguyên cách thủ công từ đời cha ông truyền lại.

Đó là lấy giấy dó ngâm vào vôi, rồi trộn với mật và dùng cối giã nhuyễn ra cho dẻo quánh đảm bảo sự bền đẹp, ngay cả trong điều kiện dãi nắng dầm mưa ngoài trời. Sau khi nguyên liệu đã làm xong, người thợ phù điêu Thạch Xá sẽ bằng sự khéo léo của đôi bàn tay tài hoa và sự tỉ mỉ để làm ra các vật linh thiêng trong đền chùa Việt Nam như Nghê, Voi, Chông, Rồng chầu mặt nguyệt…

Nếu là phục chế thì thường người thợ sẽ phải làm trực tiếp ngay tại điểm tu sửa. Còn nếu là tân tạo thường phải khảo sát tỷ lệ và ghi chép lại lịch sử để về có thể nguyên tác lại được hình dáng đúng giá trị đã bị hư hỏng qua thời gian.

Những vật linh được phục chế, tân tạo đều thuộc thời Trần, Lê, Nguyễn. Tuy là đều là những vật linh trong tưởng tượng nhưng đều được người thợ Thạch Xá đắp dáng rất cân đối, có thần. Thường để làm những vật linh phù điêu, người thợ phải mất từ hai đến ba ngày để hoàn thiện. Và tùy vào kích thước, giá bán một đôi vật linh nhỏ sẽ khoảng 2-3 triệu, lớn hơn sẽ có giá khoảng 5-6 triệu

Đến nay, nhờ vào nhu cầu thị hiếu của người yêu tranh nghệ thuật, nghệ nhân Nguyễn Văn Tuấn đã cùng với một số những người thợ ở Thạch Xá mở rộng sang thêm sản phẩm tranh phù điêu phong cảnh, có chiều sâu không gian hệt như một bức tranh 3D. Những sản phẩm tranh phải mất khá nhiều thời gian từ lúc lên ý tưởng bố cục cho đến lúc đắp sao cho tỷ lệ không gian trong tranh chuẩn xác.

Các tác phẩm đã được ông Tuấn mang tới ở một số hội chợ, triển lãm và được rất nhiều khách mua với giá dao động 5-10 triệu đồng.

Độc đáo và tinh xảo nghệ thuật đắp phù điêu ở Thạch Xá ảnh 6Những linh vật trên đầu đao của mái chùa Tây Phương (Thạch Thất) từng được nghệ nhân Nguyễn Văn Tuấn phục chế, tu sửa lại. (Ảnh: Công Đạt)
Độc đáo và tinh xảo nghệ thuật đắp phù điêu ở Thạch Xá ảnh 7Bộ sưu tập trang phù điêu đắp nổi 3D với hình ảnh và ý nghĩa của Tứ Linh (Long, Lân, Quy, Phụng). (Ảnh: Công Đạt)
Độc đáo và tinh xảo nghệ thuật đắp phù điêu ở Thạch Xá ảnh 8Những bức tranh phù điêu đắp nổi thường được dùng trang trí trong các đền chùa, miếu mạo…(Ảnh: Công Đạt)
Độc đáo và tinh xảo nghệ thuật đắp phù điêu ở Thạch Xá ảnh 9Những bức tranh này cũng sử dụng chất liệu giấy dó ngâm với vôi và mật mía. (Ảnh: Công Đạt)
Độc đáo và tinh xảo nghệ thuật đắp phù điêu ở Thạch Xá ảnh 10Ngoài việc đắp những con giống, nghệ nhân Nguyễn Văn Tuấn còn làm những bức tranh thủy mặc, phong cảnh đắp nổi 3D. (Ảnh: Công Đạt)
Độc đáo và tinh xảo nghệ thuật đắp phù điêu ở Thạch Xá ảnh 11Những bức tranh thủy mặc được đắp nổi, có chiều sâu không gian hệt như một bức tranh 3D. (Ảnh: Công Đạt)
Độc đáo và tinh xảo nghệ thuật đắp phù điêu ở Thạch Xá ảnh 12Các tác phẩm tranh thủy mặc đã được ông Tuấn mang tới ở một số hội chợ, triển lãm và được rất nhiều khách mua với giá dao động 5-10 triệu đồng. (Ảnh: Công Đạt)
Độc đáo và tinh xảo nghệ thuật đắp phù điêu ở Thạch Xá ảnh 13Một số sản phẩm hiện có tại cơ sở của nghệ nhân Nguyễn Văn Tuấn như con giống, tranh phù điêu tứ bình đắp nổi 3D. (Ảnh: Công Đạt)

Là người đã góp phần giữ gìn bảo tồn và phát triển nghề thủ công truyền thống đắp phù điêu của Thạch Xá, ông Nguyễn Văn Tuấn đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội đắp phù điêu năm 2013, Hội đồng cấp Nhà nước trao tặng nghệ sỹ ưu tú trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ năm 2016./.

(Báo ảnh Việt Nam/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục