"Đòi đãi ngộ là xa lạ với người nghệ sĩ của Đảng"

"Chương trình quảng bá về đất nước phải là nghệ thuật đích thực, người nghệ sĩ tham gia phải có tinh thần cống hiến vì ý nghĩa lớn lao."
"Các chương trình quảng bá về đất nước phải là nghệ thuật đích thực, người nghệ sĩ tham gia phải là người có đủ tài năng và đức độ cùng tinh thần cống hiến vì ý nghĩa lớn lao. Còn những việc đòi đãi ngộ này kia là hoàn toàn xa lạ với người nghệ sĩ của Đảng, của nhân dân."

Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Đào Đăng Hoàn phát biểu như trên khi dành cho Vietnam+ một cuộc phỏng vấn riêng trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI:

- Khi hỏi về người “nghệ sĩ của Đảng” tôi được giới thiệu đến gặp ông, ông có thể giới thiệu đôi nét về mình?

Ông Đào Đăng Hoàn:
Tôi là một nhạc sĩ được đào tạo cơ bản tại Học viên Âm nhạc quốc gia Việt Nam từ sơ cấp, trung cấp rồi đại học. Sau đó lại có may mắn được lăn lộn với cơ sở. Tôi làm công tác tại Sở Văn hóa-Thông tin tỉnh Nghệ An, Trưởng đoàn nghệ thuật, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin tỉnh Phú Phọ.

Năm 28 tuổi tôi đã là Trưởng đoàn Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phú. Tôi làm quản lý nhưng ngay từ đầu tôi đã nhận thấy rõ rằng quản lý nghệ thuật thì gốc vẫn phải là nghệ thuật. Tôi vẫn nói vui với anh em rằng mình làm nghệ thuật nhưng cũng là làm chính trị. Hãy thử cùng nhìn lại xem, các nhạc sĩ lớn có tác phẩm sống trong lòng công chúng đều gắn với các sự kiện lịch sử của dân tộc, gắn với đất nước.

Tôi cũng chiêm nghiệm ra rằng, cứ càng lúc bận rộn tôi lại càng sáng tác thành công, khi nhàn có khi lại không viết được. Quê hương tôi là quê hương của cụ Bút Tre (Cụ làm Trưởng Ty trước tôi), cụ cứ thấy gì là cụ nói. Cụ nói bằng thơ, tôi thì nói bằng nhạc.

Tôi còn may mắn được gắn bó với Đền Hùng, say trong văn hóa truyền thống. Cái tâm gắn với quê hương đất Tổ Hùng Vương. Tôi làm chủ đề tài cho 5 Tổng tập Văn nghệ dân gian đất Tổ. Say sưa tìm hiểu và gìn giữ dân ca Xoan, dân ca Ghẹo.

- Gắn bó như vậy với văn nghệ vùng trung du “rừng cọ đồi chè,” ông có nhận xét thú vị gì về vùng văn hóa tuyệt vời này?

Ông Đào Đăng Hoàn: Tôi nhận thấy rằng chính những vùng đất còn nghèo thì văn hóa dân gian rất đậm đặc. Có lẽ là do vùng nghèo bao bọc trong lũy tre làng, ít có giao thương nên giữ được bản sắc chăng. Người xưa từng có câu “Văn minh từ dưới bể đi lên, truyền thống từ trên rừng đi xuống.”

Tôi đã viết nhạc Lễ cho giỗ Tổ Hùng Vương. Tác phẩm “Tìm về lời ru” của tôi cũng đã được các ca sĩ Thu Hiền, Ái Vân thể hiện… Tôi làm tổ chức biểu diễn nên tôi càng thấy tình cảm gắn với dân là cội rễ, rất quan trọng với người nghệ sĩ phục vụ nhân dân.

- Và công việc lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hôm nay hẳn sẽ cho ông những cơ hội phục vụ và gắn với nhân dân thật nhiều?

Ông Đào Đăng Hoàn: Đúng vậy, ở cương vị Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, tôi được giao theo dõi mảng Ca múa nhạc. Tôi trăn trở về văn nghệ dưới sự lãnh đạo của Đảng hoàn toàn không chỉ là nối ghép 12 nhà hát Trung ương mà là “nối vòng tay lớn, đi sâu vào cơ sở. Tôi nghĩ lực lượng văn nghệ sĩ, nghệ nhân cả nước cùng tham gia vào sự nghiệp văn hóa của dân tộc. Các cụ nghệ nhân chính là linh hồn của văn nghệ dân gian, và văn nghệ dân gian ngày càng cần gìn giữ và phát huy.      

Trước đây, từng có quy định tham gia giảng dạy nghệ thuật phải có bằng đại học, nhưng chính các cụ nghệ nhân có bao giờ có bằng đại học. Tôi biết một cụ bà 80 tuổi, xúc xắc, lục lạc đeo đầy người, ra sân khấu còn không biết đi thế nào mà khi cụ cất tiếng hát thì không một nghệ sĩ có đào tạo bài bản nào có thể làm được.

Bởi vậy cho nên có ai đó nói rằng trong các lễ hội lớn mà khó mời nghệ nhân thì cứ cho diễn viên chuyên nghiệp đóng vai nghệ nhân là ý kiến sai lầm!

- Đường lối văn nghệ của Đảng ta được bắt rễ từ dân nhưng có thể hiểu sức mạnh này theo các cách cảm nhận đặc sắc nào?


Ông Đào Đăng Hoàn: Đường lối văn nghệ của Đảng ta cũng như mọi việc khác đều phải bắt nguồn từ dân và các vùng dân cư. Năm 2011 này, các chương trình giao lưu lớn càng cần phải đưa văn hóa từ các vùng miền vào hoạt động quốc gia.

Đặc sắc của văn hóa nước ta là sự phong phú. 54 dân tộc là 54 nền văn hóa. Tôi từng có anh bạn là người Triều Tiên phải thốt lên “ghen tỵ” rằng người Việt Nam có đa dạng văn hóa vì nhiều dân tộc chứ như ở nước của anh chỉ có một văn hóa chung.

Chính vì thế, tôi nghĩ trong các bài hát ca ngợi Đảng cũng cần có các ca khúc đến từ các dân tộc. Các bài hát ca ngợi Đảng bằng tiếng dân tộc, có khi còn chưa kịp dịch ra tiếng Kinh vẫn rất hay và thuyết phục. Chỉ cần người dẫn chương trình giới thiệu nội dung chính là hay rồi. Đó là những tinh túy quý giá chứ nếu chỉ có văn nghệ của người Kinh không thì không hiệu quả.

- Những chương trình ca ngợi Đảng và Bác Hồ, ngoài quy mô tổ chức lớn, ông thấy điểm nào quan trọng nhất?


Ông Đào Đăng Hoàn: Đó là sự xúc động và cuốn hút được sự đồng cảm lớn từ công chúng. Ví dụ như chương trình kỷ niệm 80 năm thành lập Đảng đã diễn ra năm 2010, chỉ 30 phút ở Mỹ Đình thôi mà chúng ta liên kết được những gì tinh túy nhất, vừa ngắn gọn, súc tích và xúc động.

Còn như dịp kỷ niệm ngày sinh nhật Bác 19/5 sắp tới, nhân 100 năm bác rời Bến Cảng Nhà Rồng đi tìm đường cứu nước, cũng có thể làm một chương trình đặc sắc. Có lẽ trên thế giới hiếm có dân tộc nào lại có nhiều ca khúc hay về lãnh tụ như ở ta.

Thách thức là có quá nhiều tác phẩm hay mà chọn ra những gì hay nhất không phải là dễ. Tôi nghĩ rằng làm chương trình về Bác chỉ cần xoay quanh câu nói nổi tiếng của Người: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc…là đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” cũng có thể thành công và lay động lòng người.

- Với tư cách là một nhà quản lý nghệ thuật biểu diễn, nếu có yêu cầu tổ chức một chương trình nghệ thuật với chủ đề ca ngợi Đảng, ca ngợi Đất nước thì ông sẽ đưa ra ngay gợi ý gì?

Trong các chương trình nghệ thuật về đất nước, về Tổ quốc thì công cuộc lớn nhất Đảng đang lãnh đạo toàn dân ta là: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tên chương trình có thể là tên ca khúc của nhạc sĩ Đỗ Nhuận: “Việt Nam quê hương tôi.” Gần đây, tôi thấy có một chương trình lớn được gọi là Đại nhạc hội, lại gắn với tên nước ta vậy mà không có gì chạm đến những vấn đề lớn lao, đến lịch sử và công ơn các thế hệ cha anh. Đó là thiếu sót.

Tôi nghĩ các chương trình quảng bá về đất nước phải là nghệ thuật đích thực. Ngoài ra, người nghệ sĩ tham gia phải là người có đủ tài năng và đức độ cùng tinh thần cống hiến vì ý nghĩa lớn lao. Những việc đòi đãi ngộ này kia là hoàn toàn xa lạ với người nghệ sĩ của Đảng, của nhân dân.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục