Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục: Thời cơ lớn cho ngành sư phạm

Theo Phó giáo sư Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội, thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW là thời cơ rất thuận lợi cho giáo dục nước nhà nói chung và ngành sư phạm nói riêng.
Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục: Thời cơ lớn cho ngành sư phạm ảnh 1Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội. (Ảnh: hnue.edu.vn)

Những ngày này, cả nước đang nô nức chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, ngày lễ, ngày hội của những người thầy, nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý.

Đây cũng là thời điểm mà toàn ngành giáo dục đang tích cực triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Nghị quyết được Đảng, Nhà nước và nhân dân đặt rất nhiều kỳ vọng sẽ làm thay đổi diện mạo giáo dục Việt Nam. 

Để thực hiện tốt Đề án, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận coi giáo viên là khâu then chốt và nhấn mạnh vai trò rất lớn của các trường sư phạm, thậm chí thành lập một đề án riêng về đào tạo và bồi dưỡng giáo viên.

Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc phỏng vấn phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội, “chiếc nôi” lớn nhất đào tạo nguồn nhân lực then chốt cho công cuộc đổi mới.

-Thưa phó giáo sư, đảm nhiệm một vị trí then chốt trong một công cuộc lớn, theo ông, ngành sư phạm đang đứng trước thuận lợi, cơ hội và thách thức gì?

Phó giáo sư Nguyễn Văn Minh: Chúng ta biết rằng, Đảng và Nhà nước luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu mà cụ thể hơn cả là Nghị quyết số 29-NQ/TW vừa được Trung ương Đảng ban hành. Trong đó, vị trí, vai trò, tầm quan trọng của các trường sư phạm, của đội ngũ thầy cô giáo đã được khẳng định. 

Đây là thời cơ rất thuận lợi cho giáo dục nước nhà nói chung và ngành sư phạm nói riêng, nghĩa là có chủ trương, có chính sách, có hành lang pháp lý và có điều kiện để phát triển các trường sư phạm, giúp các trường đào tạo tốt hơn các nhà giáo cho đất nước. 

Tuy vậy, thách thức không phải là ít. Trong đó, thay đổi nhận thức của đội ngũ giảng viên, của mô hình và chương trình đào tạo, của việc thay đổi cách dạy và học, cách kiểm tra, đánh giá nhằm chuyển một cách căn bản từ nặng về truyền thụ kiến thức sang hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của người học phải là một bước chuyển có tính đột phá. 

Một thách thức nữa là, làm thế nào để các trường sư phạm tổ chức đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên hiện đang công tác cũng như cán bộ quản lý ở các cơ sở giáo dục.

- Thời cơ là rất lớn nhưng thách thức cũng không nhỏ. Nhiều ý kiến cho rằng sư phạm phải đi trước một bước trong công cuộc đổi mới để cho ra “sản phẩm” là lực lượng giáo viên mới phù hợp với yêu cầu mới. Là một trong những nơi đầu tàu trong đào tạo giáo viên của cả nước, Đại học Sư phạm đã có những sự chuẩn bị như thế nào?

Phó giáo sư Nguyễn Văn Minh: Tôi nghĩ rằng, các trường sư phạm một mặt vừa đi trước, một mặt phải đồng hành. Đi trước để chuẩn bị tốt cho tương lai, các trường sư phạm còn có trọng trách dự báo, tư vấn cho giáo dục. Tuy vậy, các trường sư phạm đào tạo giáo viên cho các bậc học phổ thông vì vậy phải có những điều chỉnh kịp thời mới hy vọng đào tạo được đội ngũ giáo viên đáp ứng với thực tiễn đổi mới. 

Nhận thức được vai trò và trọng trách của mình, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã triển khai học tập Nghị quyết 29 đến cán bộ và sinh viên toàn trường vì thay đổi về tư duy có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ của nhà trường. Mục đích để mỗi cán bộ, sinh viên nhận thức được rằng, đổi mới là tự thân và đổi mới là yêu cầu thời đại.

Nhà trường cũng đang triển khai đổi mới mô hình và chương trình đào tạo, đổi mới đào tạo nghiệp vụ sư phạm. Các công việc này cũng đã được các trường sư phạm trong toàn quốc chia sẻ. Đội ngũ cán bộ của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đang tham gia tích cực các nhiệm vụ khác do Bộ Giáo dục và Đào tạo phân công. Nhà trường luôn chủ động trong công việc, đề xuất chứ không ngồi chờ.

Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục: Thời cơ lớn cho ngành sư phạm ảnh 2Giờ học của thầy và trò trường Đại học Sư phạm Hà Nội. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

- Đào tạo giáo viên giỏi đòi hỏi chất lượng đầu vào cũng phải tốt. Sư phạm đã qua thời hoàng kim với điểm đầu vào cao ngất ngưởng và hiện không còn thu hút được học sinh giỏi. Theo ông, đâu là nguyên nhân và phải làm gì để khắc phục tình trạng này?

Phó giáo sư Nguyễn Văn Minh: Có lẽ chúng ta nên có một cách nhìn khách quan và thực tiễn. Hiện có một số trường không phải là trường sư phạm nhưng vẫn đào tạo giáo viên khiến việc tìm kiếm việc làm cho sinh viên sư phạm ra trường gặp phải cạnh tranh. 

Thu nhập bình quân của giáo viên, nhất là các vùng nông thôn, miền núi khó khăn, điều kiện đi lại, làm việc cũng chưa thuận lợi, nên sức hấp dẫn không cao bằng các ngành nghề có thu nhập cao hơn. Chúng ta cũng đừng né tránh rằng mặt trái của cơ chế thị trường đã làm cho một số quan niệm về giá trị, về sự tôn vinh bị biến đổi theo hướng rời xa chuẩn mực. Vì vậy, học sinh cũng có những nhận thức khác nhau về nghề nghiệp.

Tôi lo lắng nhưng không bi quan như câu hỏi. 

Số học sinh giỏi thi vào các trường sư phạm có giảm, nhưng không phải là không có. Nhiều học sinh phổ thông loại giỏi, nhiều em đạt giải quốc gia đã trở thành sinh viên của trường. Nhiều năm nay, đầu vào của thí sinh vẫn ổn định.

Mặt khác, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chủ trương sắp xếp lại các trường sư phạm. Tại Lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam vừa được tổ chức ngày 13/11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh rằng, nhiều chính sách cho nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, sinh viên nghèo, dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn và các đối tượng chính sách được bổ sung để tạo điều kiện cho sự nghiệp giáo dục-đào tạo phát triển. 

Đây là vấn đề mang tính vĩ mô, riêng ngành giáo dục không thể tự mình giải quyết đơn độc. Nhưng tôi tin, khi đã có chủ trương chung, với sự chủ động của ngành giáo dục, tác động của các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước và sự ủng hộ của xã hội sẽ làm thay đổi tình hình.

- Đổi mới để đào tạo được nguồn nhân lực mới đã khó, nhưng đổi mới để đào tạo lại cả triệu đội ngũ giáo viên vốn quen cách dạy cũ để đáp ứng yêu cầu mới là thách thức lớn của ngành giáo dục khi triển khai Đề án. Theo ông, phải làm thế nào để vượt qua những khó khăn đó? Các trường sư phạm sẽ vào cuộc như thế nào?

Phó giáo sư Nguyễn Văn Minh: Như đã nói ở trên, thay đổi tư duy, thay đổi một cách làm là chuyện không dễ. Có những cách dạy, những bài giảng đã trở thành tâm huyết của một số thầy cô nên rất khó thay đổi.

Thực tế cách dạy nặng về truyền thụ kiến thức sang việc hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực người học là bước chuyển khó khăn. Tuy vậy, tôi vẫn có niềm tin vì bản thân mỗi thầy cô giáo, trong sâu thẳm của họ là mong muốn đào tạo một thế hệ trẻ toàn diện hơn, mong muốn có các thế hệ công dân đủ tài và đức để xây dựng và bảo vệ tổ quốc. 

Bản thân mỗi thầy cô đều mong muốn cách làm, cách giảng dạy hay hơn và đạt thành quả tốt hơn. Do đó, yêu cầu đổi mới mang tính tự thân sẽ diễn ra. Nhiệm vụ của các trường sư phạm là sớm tiếp cận với chương trình mới, chuẩn bị tốt nhân lực, tài liệu, phương tiện, nắm bắt tình hình cụ thể của từng vùng miền, có kế hoạch và hình thức triển khai thì thực hiện được. 

Ngồi để kể ra khó khăn thì nhiều lắm, thấy cái khó để nghĩ ra cách làm mới là điều cần thiết. Trong thời gian qua, các trường sư phạm đã thường xuyên trao đổi và đã có những chuẩn bị nhằm sẵn sang vào cuộc cho công tác đào tạo lại này. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng đang nghiên cứu một cách nghiêm túc, khoa học về cơ sở lý luận và thực tiễn để sớm có những nội dung chuẩn bị cho công tác đào tạo lại giáo viên khi chương trình phổ thông mới được ban hành.

Xin cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục