Đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế

Sáng 23/12, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương, Kiểm toán Nhà nước và Báo Nhân dân đã tổ chức buổi tọa đàm "Đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế."
Đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế ảnh 1Toàn cảnh buổi tọa đàm. (ẢnhTrọng Đạt/TTXVN)

Sáng 23/12, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương, Kiểm toán Nhà nước và Báo Nhân dân đã tổ chức buổi tọa đàm "Đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế."

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ, Tổng Biên tập Báo Nhân dân Thuận Hữu, Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn chủ trì tọa đàm.

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan cùng đông đảo các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, các chuyên gia tham dự tọa đàm.

Nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt

Phát biểu đề dẫn tọa đàm, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, trên cơ sở Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Kết luận Hội nghị Trung ương 3 khóa XI, vấn đề đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế đã được thể chế hóa và tổ chức thực hiện như một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015.

Trong giai đoạn 2011-2013, mô hình tăng trưởng nền kinh tế có chuyển biến bước đầu từ chiều rộng sang theo hướng chiều sâu, chú ý hơn đến chất lượng tăng trưởng. Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư được cải thiện, hệ số gia tăng vốn đầu ra (ICOR) giảm từ 6,7 giai đoạn 2006-2010 còn 5,53 giai đoạn 2011-2013. Lực lượng sản xuất có nhiều tiến bộ cả về số lượng và chất lượng.

Trình độ công nghệ sản xuất giai đoạn 2011-2013 đã có thay đổi theo hướng tiếp cận công nghệ tiên tiến, hiện đại hơn. Tỷ trọng công nghiệp chế biến trong giá trị sản xuất công nghiệp có xu hướng tăng, tỷ trọng của công nghiệp khai thác giảm dần. Việt Nam đã đạt được kết quả bước đầu trong thực hiện ba đột phá chiến lược, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định.

Bên cạnh đó, quan điểm tăng trưởng kinh tế hài hòa với phát triển văn hóa, xây dựng con người, tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường được quan tâm nhiều hơn. An sinh xã hội được đảm bảo, hệ thống an sinh xã hội và phúc lợi xã hội phát triển khá đồng bộ, đặc biệt là trong vấn đề giảm nghèo, giải quyết việc làm, phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội, chính sách ưu đãi người có công với nước, trợ giúp xã hội, chính sách bảo hiểm y tế toàn dân tạo điều kiện để người dân được hưởng thụ nhiều hơn về văn hóa, y tế và giáo dục.

Cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là các lĩnh vực trọng tâm (đầu tư công, tài chính - ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước) đạt được một số kết quả bước đầu, có tác động tích cực đối với ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng. Môi trường đầu tư và kinh doanh được cải thiện, tạo sự thuận lợi hơn trong tiếp cận các nguồn lực cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp và xây dựng được duy trì và có xu hướng phục hồi, tỷ trọng đóng góp của khu vực công nghiệp và xây dựng vào GDP tăng từ 37,9% (năm 2011) lên 38,31% (năm 2013).Trình độ công nghệ sản xuất công nghiệp đã có thay đổi…

Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng đã nêu rõ một số hạn chế, yếu kém của nền kinh tế của Việt Nam, đó là chưa có sự nhận thức sâu sắc và thống nhất cao về mô hình tăng trưởng mới, nhất là về các động lực cho tăng trưởng.

Mô hình tăng trưởng chưa có sự đổi mới rõ rệt theo chủ trương của Đảng, nền kinh tế vẫn chủ yếu tăng trưởng theo chiều rộng, còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố về vốn, tài nguyên, lao động trình độ thấp, chưa dựa nhiều vào tri thức, khoa học - công nghệ.

Kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định vững chắc, còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn về dài hạn. Việc thực hiện ba đột phá chiến lược mới chỉ có sự chuyển biến chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông với việc đưa vào khai thác hàng loạt dự án giao thông đường bộ và triển khai một số dự án quan trọng mới.

Đột phá về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính dường như mới dừng lại ở việc ban hành một số văn bản pháp quy có liên quan về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Cải cách hành chính còn chuyển biến chậm. Việc thực hiện đột phá về nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế, chậm tổ chức thực hiện. Kết quả triển khai chiến lược phát triển kinh tế xanh còn nhiều hạn chế, báo động tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, nguy cơ mất cân bằng sinh thái, cạn kiệt tài nguyên do sự phát triển các loại hình sản xuất không thân thiện với môi trường...

Việc xây dựng và triển khai Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh còn chậm.

Đề xuất các giải pháp lớn đẩy mạnh đổi mới

Tại tọa đàm, các đại biểu đại diện các cơ quan quản lý, chuyên gia, nhà khoa học tập trung thảo luận đánh giá một số kết quả thực hiện chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn 2011-2014 trên các nội dung: chuyển biến về mô hình tăng trưởng kinh tế; sự chuyển dịch về chất lượng tăng trưởng, lực lượng sản xuất, năng suất lao động, trình độ công nghệ sản xuất, tỷ trọng công nghiệp chế biến trong giá trị sản xuất công nghiệp; tác động của việc cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế tới vấn đề thúc đẩy, hỗ trợ đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế; đổi mới mô hình tăng trưởng gắn kết với vấn đề chủ động hội nhập quốc tế, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Đại biểu tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp lớn nhằm đẩy mạnh thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế. Trong đó, các đại biểu chú trọng thảo luận về mô hình tăng trưởng kinh tế trong những năm sắp tới của nước ta, nội hàm và cấu phần của mô hình này; những vấn đề cần chú trọng về phương thức, chiến lược, động lực, nguồn lực và các mục tiêu tăng trưởng.

Các giải pháp chủ yếu đẩy mạnh thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng gắn liền với cơ cấu lại nền kinh tế trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp giai đoạn tới; vai trò của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong đổi mới mô hình tăng trưởng... cũng đã được các nhà khoa học, các chuyên gia đi sâu thảo luận.

Những ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ được Ban Kinh tế Trung ương chắt lọc để có thêm những cơ sở, luận cứ thực tiễn nhằm tham mưu cho Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư một số vấn đề lớn, chiến lược về đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế trong giai đoạn tới, góp phần thiết thực vào việc xây dựng Văn kiện Đại hội XII của Đảng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục