Đổi mới trang phục của Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân

Ngày 2/11, tại Hà Nội, Tòa án Nhân dân Tối cao đã tổ chức Hội thảo về đề án đổi mới trang phục của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân và mô hình phòng xét xử.
Đổi mới trang phục của Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân ảnh 1(Ảnh minh họa: Doãn Tấn/TTXVN)

Ngày 2/11, tại Hà Nội, Tòa án Nhân dân Tối cao đã tổ chức Hội thảo về đề án đổi mới trang phục của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân và mô hình phòng xét xử.

Theo Tòa án Nhân dân Tối cao, để thể chế hóa các định hướng, quan điểm của Đảng, Nhà nước về cải cách tư pháp, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, một trong những vấn đề lớn đặt ra trong quá trình sửa đổi, bổ sung các luật tố tụng, đó là yêu cầu đổi mới hình thức tổ chức phiên tòa, đặc biệt là đối với phiên tòa hình sự.

Phó Chánh án thường trực Tòa án Nhân dân Tối cao Bùi Ngọc Hòa cho biết: Nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét, bố trí lại vị trí ngồi, nhất là Luật sư và Kiểm sát viên để đảm bảo tính bình đẳng giữa các bên trong quá trình tranh tụng; có nên sử dụng "vành móng ngựa" hay thay thế bằng "bàn bị cáo."

Việc tổ chức các phiên tòa có người chưa thành niên, trẻ em tham dự cần được tổ chức với hình thức phù hợp để đảm bảo tính thân thiện, hạn chế những tác động tiêu cực đến tâm lý của đối tượng này.

Vị trí ngồi của Thư ký phiên tòa cần được bố trí lại để thuận tiện cho việc các đương sự xuất trình chứng cứ thông qua thư ký trong các phiên tòa dân sự, hành chính.

Ngoài ra, việc quy định thống nhất về đổi mới hình thức tổ chức các phiên tòa, trong đó quy định về vị trí ngồi của những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng là yêu cầu cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, đảm bảo coi trọng quyền con người, quyền công dân, phù hợp với các nguyên tắc hiến định về tòa án thực hiện quyền tư pháp và các nguyên tắc tố tụng trong xét xử.

Nhiều đại biểu ủng hộ phương án tổ chức, sắp xếp phiên tòa, mô hình phòng xét xử, trong đó hội đồng xét xử ngồi cao nhất, Thư ký phiên tòa ngồi dưới một cấp, quay lưng vào Hội đồng xét xử, đại diện Viện kiểm sát và Luật sư bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích, ngồi đối diện nhau, ở phía dưới Hội đồng xét xử; thấp hơn nữa là vị trí của những người tham gia tố tụng, tham dự phiên tòa.

Việc bố trí chỗ ngồi theo mô hình mới này vừa khắc phục được các hạn chế, bất cập của mô hình cũ, vừa thể hiện một số ưu điểm tích cực như: Đảm bảo thể hiện được vị trí, vai trò trung tâm của Hội đồng xét xử; Đại diện Viện kiểm sát, Luật sư, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và những người tham gia tố tụng với tư cách các chủ thể của hoạt động tranh tụng đã có được vị trí ngồi bình đẳng; Thư ký phiên toàn được bố trí ở vị trí thuận lợi nhất, là cầu nối trong sự liên hệ giữa Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng trong quá trình xét xử như: Chuyển tài liệu cho bị cáo, nhân chứng, các đương sự để xác nhận tại phiên tòa, chuyển chứng cứ, tài liệu do những người tham gia tố tụng xuất trình tại phiên tòa cho Hội đồng xét xử... Mô hình phòng xét xử này đang được Tòa án Nhân dân thành phố Đà Nẵng tổ chức thực hiện và nhận được nhiều sự ủng hộ.

Đánh giá về đổi mới mô hình phòng xét xử, Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội nhận định: Vị trí ngồi tại phòng xét xử không chỉ là hình thức mà còn phản ánh về tư cách, quyền và nghĩa vụ của các bên tiến hành và tham gia tố tụng. Nếu giữ hình thức xét xử như hiện nay, những tư tưởng, định hướng tiến bộ trong đổi mới cải cách tư pháp sẽ khó mang lại lợi ích cho xã hội.

Theo tinh thần cải cách tư pháp, Kiểm sát viên và Luật sư, người bào chữa là hai bên thực hiện chức năng buộc tội và bào chữa, nhằm mục tiêu cao nhất là bảo vệ công lý, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Cách bố trí chỗ ngồi hiện nay chưa phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp. Muốn tranh tụng tốt phải bảo đảm sự bình đẳng giữa bên buộc tội và bên gỡ tội không những về nội dung mà cả về hình thức.

Cụ thể, nếu thay đổi chỗ ngồi để Kiểm sát viên và Luật sư, người bào chữa ngang hàng, bị cáo hoàn toàn có thể nhìn thấy sự bình đẳng của Luật sư hoặc bào chữa thực hiện chức năng gỡ tội cho mình. Hơn nữa, việc Hội đồng xét xử ở vị trí cao nhất, chính giữa chắn chắn sẽ tạo ra tâm lý yên tâm nơi các chủ thể tham gia tố tụng khác về một cơ quan tài phán lắng nghe và ra phán quyết có sự độc lập.

Bên cạnh đó, Tòa án Nhân dân Tối cao đang xây dựng đề án đổi mới trang phục của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân nhằm nâng cao hình ảnh của Tòa án, phù hợp với xu hướng chung của quốc tế.

Đề án góp phần nâng cao kỷ luật, kỷ cương, đề cao tác phong, lễ tiết, danh dự nghề nghiệp và trách nhiệm của Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân, thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của Tòa án theo yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay.

Phó Chánh án Thường trực Tòa án Nhân dân Tối cao Bùi Ngọc Hòa cho biết: Phương hướng đổi mới trang phục của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân là hình ảnh của những người đại diện cho Tòa án thực hiện xét xử, thực hiện quyền tư pháp cần được thể hiện một cách gần gũi, thân thiện, nhưng đảm bảo tính trang nghiêm, lịch sự./ .

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục