Đối ngoại nhân dân thực hiện Di chúc Bác Hồ trong hội nhập

Suốt 64 năm qua, các thế hệ cán bộ làm công tác đối ngoại nhân dân đã đồng hành cùng với lực lượng đối ngoại của Đảng, của Nhà nước.
Đối ngoại nhân dân thực hiện Di chúc Bác Hồ trong hội nhập ảnh 1Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Vũ Xuân Hồng phát biểu tại đại hội. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Ngày 17/11/1950, Bác Hồ viết thư cho Hội nghị thành lập Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam, tiền thân của Ủy ban Hòa bình Việt Nam hiện nay và ngày này đã trở thành ngày truyền thống của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.

Nhân kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và kỷ niệm 64 năm ngày truyền thống của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (liên hiệp), phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ông Vũ Xuân Hồng, Chủ tịch Liên hiệp.

Sau đây là nội dung phỏng vấn.

- Xin ông cho biết những đóng góp nổi bật của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trong công tác đối ngoại nhân dân suốt chặng đường vừa qua?

Ông Vũ Xuân Hồng: Như chúng ta đã biết ngày 17/11/1950, Bác Hồ đã viết thư cho Hội nghị thành lập Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam, tiền thân của Ủy ban Hòa bình Việt Nam ngày nay. Và ngày đó đã trở thành ngày truyền thống của Liên hiệp và năm nay chúng tôi kỷ niệm 64 năm ngày truyền thống của mình.

Suốt 64 năm qua, các thế hệ cán bộ làm công tác đối ngoại nhân dân; trong đó có các tổ chức thành viên và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, đã đồng hành cùng với lực lượng đối ngoại của Đảng, của Nhà nước thực hiện chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Chúng ta đã rất thành công trong việc vận động nhân dân thế giới, nhất là nhân dân tiến bộ Pháp ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, dẫn tới chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy địa cầu.

Chúng ta đã có những bài học kinh nghiệm hết sức quý báu kết hợp giữa đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân để hình thành được mặt trận nhân dân thế giới chưa từng có trong thế kỷ 20 đoàn kết, bảo vệ, ủng hộ Việt Nam.

Ở mỗi nước đều có những nhóm đoàn kết với Việt Nam. Ở mỗi khu vực đều có những mạng lưới đoàn kết với Việt Nam. Cả thế giới liên kết lại thành một phong trào của mặt trận nhân dân thế giới đoàn kết với nhân dân Việt Nam, với rất nhiều nội dung và những hình thức phong phú. Đó là một nguồn động viên hết sức to lớn đối với nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ, giải phóng dân tộc và tiến tới thống nhất đất nước.

Có thể nói rằng, trong thắng lợi của nhân dân Việt Nam có một phần đóng góp quan trọng của nhân dân thế giới, mà trong đó có đóng góp của đối ngoại nhân dân và của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.

Bước vào thời kỳ hòa bình, khắc phục hậu quả chiến tranh, bỏ thế bao vây cấm vận rồi tiến tới bình thường hóa quan hệ. Nhân dân Việt Nam rất hòa hiếu, khoan dung, không quên quá khứ nhưng gác lại quá khứ và hướng tới tương lai. Chúng ta đã rất thành công trong vấn đề tạo ra được một sự đồng thuận xã hội, có sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân trên thế giới, các lực lượng như là cựu chiến binh, những người tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, hỗ trợ, giúp đỡ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh...

Có thể nói mảng hòa bình, đoàn kết, hữu nghị là mảng hoạt động rất sôi nổi, có nội dung mới. Trước đây chỉ tập trung vào hoạt động chính trị, giờ đây các hội hữu nghị còn là cầu nối cho quan hệ về kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, khoa học, giáo dục. Cách làm chân thành và cách vận động chuyên nghiệp đã có ý nghĩa rất lớn là đã tạo dựng được mạng lưới bạn bè quốc tế mới của Việt Nam.

Để khắc phục hậu quả chiến tranh, đồng thời xây dựng đất nước, đặc biệt là đóng góp vào quá trình xóa đói giảm nghèo, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã kế tục kinh nghiệm từ các thế hệ đi trước, đã rất thành công trong việc vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài và viện trợ nhân đạo phát triển cho Việt Nam trong suốt những năm qua.

Tính từ năm 1992 trở lại đây, số viện trợ trị giá khoảng 3 tỷ USD và hàng nghìn dự án đã được triển khai ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước; tập trung cho xóa đói, giảm nghèo, khắc phục hậu quả chiến tranh, giải quyết những vấn đề liên quan hậu quả bom mìn còn sót lại, hỗ trợ giúp đỡ nạn nhân chất độc màu da cam... Trong tình hình mới, chúng ta vận động bạn bè quốc tế hỗ trợ giúp đỡ trong những vấn đề về dịch bệnh, môi trường, biến đổi khí hậu, những vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế...

Công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại của Liên hiệp đã góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước; đồng thời góp phần thông tin, định hướng cho nhân dân Việt Nam đi vào quá trình hội nhập và hiểu đúng tình hình quốc tế đang xảy ra.

Hiện nay về mặt tổ chức, Liên hiệp đã có 112 tổ chức thành viên, 46/63 tỉnh, thành phố đã có Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và xu hướng sẽ phát triển lớn mạnh vì bây giờ là thời kỳ hội nhập. Các tỉnh nên có yếu tố đối ngoại nhân dân để làm sống động quan hệ đối ngoại của mình. Ở Trung ương, Liên hiệp có 66 hội hữu nghị và ủy ban đa phương. Tất cả các tổ chức này đang cố gắng hoạt động hiệu quả, góp phần thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta trong xu hướng hội nhập và đổi mới hiện nay.

- Như vậy, Liên hiệp có thể rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác hòa bình hữu nghị và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài phục vụ công tác xóa đói giảm nghèo và phát triển đất nước?

Ông Vũ Xuân Hồng: Có thể nói rằng Bác Hồ và Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhìn rất sớm vai trò, vị trí của đối ngoại nhân dân. Với tình hình của đất nước, với vị trí địa chính trị của đất nước chúng ta, rất cần đoàn kết quốc tế. Chúng tôi thấy rằng, qua chặng đường 64 năm có mấy bài học kinh nghiệm quý báu.

Thứ nhất, đó là nhận thức về vai trò, vị trí của đối ngoại nhân dân với tư cách là một trong ba chân kiềng ngoại giao của Việt Nam, bao gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Chức năng, nhiệm vụ của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam là tổ chức chính trị-xã hội chuyên trách về công tác đối ngoại nhân dân trên lĩnh vực hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài và làm công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại.

Đảng đã có những chỉ thị về công tác đối ngoại nhân dân và về Liên hiệp. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có những quyết định thể chế hóa rất quan trọng những chỉ thị của Đảng. Trong xã hội, các cấp ủy, chính quyền trong cả nước nên có một nhận thức đúng đắn, đầy đủ và đồng bộ về công tác đối ngoại nhân dân, trên cơ sở đó tạo điều kiện để đối ngoại nhân dân hoạt động hiệu quả hơn nữa.

Bài học thứ hai, đó là tùy hoàn cảnh cụ thể, phải đi đúng phương châm của công tác đối ngoại nhân dân, đó là chủ động, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả. Đây là phương châm rất quan trọng, nó làm cho công tác đối ngoại nhân dân có thể phát triển suốt những năm qua.

Trong vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài, trước hết phải đảm bảo lợi ích của đất nước, chủ động trong công tác vận động, quản lý được các hoạt động và giúp các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động theo pháp luật của Việt Nam, làm thế nào để các bạn quốc tế ở Việt Nam, hiểu Việt Nam và trở thành những sứ giả cho Việt Nam ở các nước khác. Đấy là bài học thu phục lòng người bằng văn hóa của Việt Nam, bằng những đối xử của chúng ta, bằng việc chúng ta thực hiện rất tốt viện trợ phi chính phủ nước ngoài ở mỗi địa phương, ở mỗi ngành, mỗi cấp.

Cuối cùng, điều rất quan trọng là trong tình hình quốc tế đang thay đổi nhiều. Lực lượng đối ngoại nhân dân trước đây là những người rất xuất sắc và công tác đối ngoại nhân dân có những yêu cầu rất khắt khe về mặt chuyên môn, nghiệp vụ, về công tác dân vận, về nghệ thuật vận động và nghệ thuật thu phục lòng người.

Cho nên, công tác đào tạo, bồi dưỡng để có một đội ngũ xứng đáng kế thừa cho sự nghiệp đối ngoại nhân dân và truyền thống 64 năm của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam là rất quan trọng. Tôi nghĩ đấy là bài học rất là quan trọng mà Liên hiệp hôm nay đang cố gắng hướng tới thực hiện.

- Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế trong sáng luôn được Đảng, Nhà nước, nhân dân ta kế thừa, phát triển trong suốt 45 năm qua. Ông có thể chia sẻ về ý nghĩa của việc thực hiện Di chúc của Bác trong công tác đối ngoại nhân dân khi Việt Nam đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và trở thành đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế?

Ông Vũ Xuân Hồng: 45 năm đã qua kể từ ngày Bác Hồ lập Di chúc. Có thể nói rằng đây là bản Di chúc lay động lòng người, từ người lớn đến những người trẻ, từ những người Việt Nam đến bạn bè, nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới. Bác mong muốn, nếu còn sống đến ngày chiến thắng, Bác sẽ đi năm châu, đi các nước anh em để cảm ơn lãnh đạo, nhân dân, các cháu thanh thiếu niên nhi đồng của những nước đó.

Trong những năm qua, Liên hiệp và tất cả các tổ chức thành viên đã làm rất tốt công tác tri ân bạn bè quốc tế. Có thể nói rằng, tất cả các phong trào, các tổ chức, những con người đã có công đóng góp với Việt Nam, bằng hình thức nào đó Việt Nam đã tri ân với bạn bè thông qua việc mời bạn bè quay trở lại Việt Nam; thông qua việc chăm sóc; thông qua việc tặng những phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, của các tổ chức nhân dân và tiếp tục giữ sợi dây quan hệ đó để bạn bè tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ chúng ta.

Bác cũng có nguyện vọng là xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Trong thời gian vừa qua, với công việc rất là khiêm tốn của mình, Liên hiệp và các tổ chức thành viên cũng đã làm hết sức mình để vận động bạn bè quốc tế, hỗ trợ, giúp đỡ Việt Nam qua viện trợ phi chính phủ nước ngoài, qua đầu tư, hợp tác để phục vụ sự nghiệp đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bác cũng căn dặn vấn đề đoàn kết, đoàn kết trong nước và đoàn kết quốc tế. Trong nước thì đoàn kết phải giữ gìn như con ngươi của mắt mình. Trong đoàn kết quốc tế, phải có trách nhiệm của nhân dân Việt Nam đóng góp vào các phong trào hòa bình, đoàn kết quốc tế.

Thông qua tất cả các hoạt động của mình, đặc biệt trong những hoạt động đa phương và song phương, Liên hiệp đã nói lên tiếng nói của nhân dân Việt Nam, luôn luôn là hạt nhân nòng cốt trong đoàn kết bạn bè quốc tế... Qua những hoạt động đó đã gây dựng một mạng lưới bạn bè quốc tế. Chúng ta cũng đã đóng góp ý chí, nguyện vọng, quan điểm đúng đắn, chính nghĩa của nhân dân Viêt Nam vào phong trào nhân dân tiến bộ trên thế giới.

Bác là tấm gương rất lớn về một con người cách mạng yêu nước nồng nàn, một ý chí kiên định, một nhà hoạt động xuất sắc trong rất nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, trong lĩnh vực đối ngoại, có thể nói Bác Hồ đã có những đóng góp quyết định vào những thời điểm quan trọng nhất của đất nước. Và tấm gương của Bác, nghị lực của Bác, hoạt động đối ngoại của Bác luôn luôn là tấm gương sáng cho tất cả cán bộ của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và anh em làm công tác đối ngoại nhân dân cả nước noi theo.

- Thời gian tới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo. Vậy trong bối cảnh đó, công tác đối ngoại nhân dân có điểm gì mới và cần tập trung vào những nhiệm vụ quan trọng nào?

Ông Vũ Xuân Hồng: Đúng là hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo, nhưng cùng với xu thế chủ đạo, thế giới đang đối mặt với chiến tranh, chống khủng bố, biến đổi về khí hậu, tranh chấp về lãnh thổ, về biển đảo, dịch bệnh....

Chúng tôi là lực lượng nằm trong đội quân làm đối ngoại sẽ cố gắng để thực hiện tốt nhất đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ, làm thế nào đó để có sự ủng hộ của bạn bè thế giới, tăng cường quan hệ của nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước trên thế giới. Và trong thực tế, qua các thử thách vừa qua, chúng ta thấy rằng, bạn bè thế giới vẫn tiếp tục ủng hộ Việt Nam, kể cả trong cuộc đấu tranh vì chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông.

Liên hiệp một mặt tiếp tục vận động bạn bè quốc tế ủng hộ Việt Nam, đoàn kết với Việt Nam trong tình hình mới để làm nền tảng cho mối quan hệ giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước, để thúc đẩy quan hệ về kinh tế, thương mại, văn hóa và các lĩnh vực khác.

Thứ hai là tiếp tục vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài, làm thế nào để bạn bè giúp chúng ta nhiều hơn. Những năm vừa qua, mỗi năm số viện trợ tăng lên 15-20%. Hiện nay, Việt Nam đã vào danh sách các nước có thu nhập trung bình thấp trên thế giới, nhưng còn rất nhiều vấn đề để bạn bè có thể hỗ trợ, giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm và lĩnh vực này chúng ta cần tiếp tục làm tốt hơn nữa.

Điều cuối cùng chúng tôi muốn nói rằng, đất nước chúng ta chủ động và tích cực hội nhập. Điều đó có nghĩa rằng phải huy động tất cả mọi người cùng tham gia. Câu chuyện làm đối ngoại hôm nay không chỉ là của các chính khách, không phải là của những nhà doanh nghiệp hay những nhà ngoại giao chuyên nghiệp nữa, mà đã gõ cửa đến từng người dân. Cho nên, làm thế nào để nhân dân chúng ta hiểu biết thêm về những vấn đề đang xảy ra trên thế giới cũng là một trong những nhiệm vụ đặt ra.

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 với ba trụ cột là Cộng đồng An ninh-Chính trị, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội. Vậy nhân dân đã chuẩn bị tham gia như thế nào, doanh nghiệp tham gia như thế nào, các lực lượng khác tham gia như thế nào?

Hội nhập khu vực đang đặt ra những nhiệm vụ mới. Những cách làm thích hợp để động viên nhân dân trở thành những người tham gia một cách tích cực, chủ động vào quá trình hội nhập của đất nước, cũng là một trong những nhiệm vụ mà Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã và đang thực hiện./.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục