Đối tác toàn cầu mới vì các đại dương lành mạnh

Ngày 24/2, Hội nghị cấp cao về các đại dương thế giới, tổ chức ở Singapore khởi động "Đối tác toàn cầu mới vì các đại dương lành mạnh."
Ngày 24/2, Hội nghị cấp cao về các đại dương thế giới (WOS) do báo “Nhà Kinh tế” tổ chức tại Singapore đã khởi động "Đối tác toàn cầu mới vì các đại dương lành mạnh" (NGPHO) nhằm đối phó hiệu quả hơn với các vấn đề đang đe dọa môi trường các đại dương như khai thác quá mức các nguồn hải sản và môi trường biển bị đe dọa.

NGPHO là liên minh giữa nhiều chính phủ các nước phát triển và đang phát triển, các cơ quan của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế, các thể chế tài chính quốc tế, các tổ chức môi trường và các nhóm xã hội dân sự nhằm huy động các nguồn tài trợ mới, thúc đẩy hợp tác giữa các nước, các tổ chức quốc tế và xã hội dân sự, khu vực tư nhân cùng phối hợp hành động tập thể nhằm đảo ngược các mô hình đang làm suy thoái và cạn kiệt các nguồn tài nguyên của các đại dương.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), Robert Zoellick, cho biết NGPHO sẽ tập hợp các giới khoa học, luật sư, các thể chế công quốc tế và khu vực tư nhân để cùng thúc đẩy các mục tiêu chung vì các đại dương lành mạnh và hiệu quả trong bối cảnh các đại dương thế giới đang lâm nguy. Cộng đồng quốc tế cần hợp lực bảo vệ các đại dương, nguồn đang cung cấp 15% protein động vật cho tiêu dùng toàn cầu, hàng chục triệu việc làm và các hệ sinh thái sống còn của nhân loại.

Các đại diện chính phủ và các tổ chức quốc tế khẳng định nhu cầu cấp bách đẩy nhanh nhịp độ bảo tồn các đại dương trên toàn cầu. NGPHO mở ra cơ hội lớn cho các nước hợp tác trong phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống công dân thông qua quản lý tốt các đại dương như là các nguồn vốn tự nhiên. Khi dân số toàn cầu đạt 9 tỷ người vào năm 2050, nhu cầu lương thực và các nguồn sống khác tăng gấp đôi, nhân loại cần đại dương để sống còn.

NGPHO cũng làm nổi bật nhu cầu hoàn thiện quản trị để tăng cường quản lý đại dương cũng như thúc đẩy đầu tư khai thác đại dương bền vững, trong bối cảnh việc quản lý đại dương ngày càng trở nên phức tạp, đan xen do những nhu cầu và cạnh tranh lợi ích. Quy mô của thách thức này vượt quá khả năng quản lý của một chủ thể chuyên ngành hoặc một nhóm quốc gia.

Hội nghị Singapore xác định chương trình nghị sự của NGPHO bao gồm cải thiện các chế độ quản lý đại dương liên quan đến đánh bắt, các khu vực được bảo vệ trên đại dương, nỗ lực giảm và loại trừ các nguồn gây ô nhiễm và làm suy thoái các đại dương, tăng cường quản lý các khu vực ven biển để chống lại hiệu quả các mối đe dọa của thời tiết và biến đổi khí hậu./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục