Đơn giản hóa thủ tục hành chính: Thiếu sự phối hợp giữa các bộ

Theo kế hoạch, các bộ, ngành phải hoàn thành phương án đơn giản hóa thủ tục trước 30/9, xây dựng văn bản thực thi trước 31/12; nhưng thực tế đến nay mới có 6/9 bộ hoàn thành nghiên cứu phương án.
Đơn giản hóa thủ tục hành chính: Thiếu sự phối hợp giữa các bộ ảnh 1Làm thủ tục mở tờ khai hàng hóa xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp tại Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn khu vực 1. Ảnh minh họa. (Ảnh: Hoàng Tùng/TTXVN)

Quyết định số 08/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch đơn giản hóa thủ tục hành chính trọng tâm năm 2015 đã xác định lựa chọn 13 nhóm thủ tục hành chính quan trọng, liên quan đến sản xuất kinh doanh và đời sống người dân thuộc phạm vi quản lý nhà nước của 9 Bộ: Công an, Giáo dục và Đào tạo, Lao động-Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Quốc phòng, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Y tế để thực hiện đơn giản hóa.

Theo yêu cầu của Quyết định này, trước ngày 30/9, các bộ, ngành phải chỉnh lý, hoàn thiện báo cáo tình hình kết quả thực hiện Kế hoạch, dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ kèm theo phương án đơn giản hóa nhóm thủ tục hành chính, quy định liên quan trình Thủ tướng xem xét thông qua.

Việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để thực thi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính phải hoàn thành trước ngày 31/12 năm nay. Tuy nhiên, qua hơn 10 tháng thực hiện, mới có 6/9 bộ hoàn thành nghiên cứu, đề xuất phương án đơn giản hóa. Sự chậm trễ này được ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục kiểm soát thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp) lý giải là do khó khăn trong công tác phối hợp.

- Quyết định 08 của Thủ tướng đã đề ra mục tiêu đơn giản hóa và cắt giảm tối thiểu 25% chi phí tuân thủ đối với 13 nhóm thủ tục hành chính, quy định, tính đến thời điểm này là 11 tháng đã trôi qua, kết quả có đạt như mục tiêu đặt ra, thưa ông?

Ông Ngô Hải Phan: Đến thời điểm này, 6 bộ đã hoàn thành phương án đơn giản hóa nhóm thủ tục hành chính, quy định liên quan là: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Lao động – Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Y tế. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội là Bộ đầu tiên trình Thủ tướng Chính phủ phương án đơn giản hóa đối với các nhóm thủ tục hành chính, quy định liên quan đến chế độ ưu đãi về giáo dục đối với người có công với cách mạng và con của họ đang học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. 9 bộ gửi lấy ý kiến Bộ Tư pháp về phương án đơn giản hóa.

Qua phương án đơn giản hóa đã gửi, nếu đề xuất của Bộ Tư pháp được các bộ, ngành tiếp thu, chỉ tiêu cắt giảm 25% chi phí tuân thủ sẽ đáp ứng được, đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

- Như vậy, mới có 6 bộ hoàn thành nghiên cứu đề xuất phương án đơn giản hóa, trong khi theo quy định, ngày 31/5 công việc này đã phải hoàn thành và đây đang là giai đoạn hoàn thành việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để thực thi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, vậy vì sao có sự chậm trễ này và khó khăn do đâu?

Ông Ngô Hải Phan: Đây là 13 nhóm thủ tục liên quan tới các bộ, ngành và cái khó khăn nhất ở đây là công tác phối hợp. Qua ý kiến của đại diện tổ chức pháp chế của các bộ, ngành nêu ra, cơ quan được giao phối hợp rất vất vả, phụ thuộc nhiều vào trách nhiệm tham gia phối hợp của các bộ, ngành có liên quan.

Trong 13 nhóm thủ tục hành chính giao cho 9 bộ, ngành triển khai thực hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 3 nhóm thủ tục hành chính cần thực hiện liên quan tới gần như hầu hết các bộ, ngành. Bộ Nội vụ, nhóm thủ tục hành chính phải đơn giản hóa liên quan tới tuyển dụng, nâng ngạch cán bộ, công chức, viên chức thì cũng liên quan tới các bộ, ngành.

Quá trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, phải lấy ý kiến phối hợp các bộ, ngành, phải tổ chức tham vấn và trên cơ sở đó mới đề xuất phương án đơn giản hóa. Chúng tôi cho rằng tiến độ triển khai công việc này phụ thuộc rất nhiều vào sự phối hợp tích cực, chủ động từ phía các bộ, ngành có liên quan.


- Trong khi đốc thúc các bộ, ngành khác, bản thân 2 nhóm thủ tục thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp phải đơn giản hóa liên quan đến lý lịch tư pháp, yêu cầu nộp bản sao giấy tờ có công chứng, chứng thực của Bộ Tư pháp cũng chậm, nguyên nhân do đâu?

Ông Ngô Hải Phan: Do liên quan tới tất cả thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của 24 bộ, ngành. Các bộ, ngành phải có trách nhiệm thống kê, tập hợp, rà soát những thủ tục hành chính có yêu cầu bản sao chứng thực, có yêu cầu phiếu lý lịch tư pháp để gửi Bộ Tư pháp tổng hợp lại, trên cơ sở đó sẽ tham vấn và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ Tư pháp đã thành lập một tổ công tác thực hiện công việc này.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây không chỉ riêng Bộ Tư pháp mà đòi hỏi sự cố gắng của tất cả các bộ, ngành. Các bộ, ngành chậm trễ sẽ ảnh hưởng chung đến kết quả của Bộ Tư pháp.

- Nghĩa là sự chậm trễ này không phải do Bộ Tư pháp mà do các Bộ?

Ông Ngô Hải Phan: Khối lượng công việc quá lớn, các bộ cùng tham gia thực hiện công việc này và việc tham gia của các bộ cũng ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố. Bộ tích cực, Bộ chưa tích cực dẫn đến tình trạng chậm trễ. Vấn đề chính ở đây tôi cho là chất lượng. Các Bộ có thể gửi sớm hơn thời hạn nhưng phương án đơn giản hóa của họ chưa cắt giảm được 25% chi phí tuân thủ, chúng tôi sẽ yêu cầu họ phải rà soát lại.

- Ông nghĩ gì về sự phối hợp giữa các bộ hiện nay khi mà một lãnh đạo Vụ Pháp chế của Bộ Lao động, Thương binh và xã hội đã phản ánh về công tác phối hợp giữa các bộ, ngành chưa tốt, rất vướng mắc khi phải lấy ý kiến các bộ, ngành khác?

Ông Ngô Hải Phan: Như tôi vừa nêu, vấn đề quan trọng chính là trách nhiệm phối hợp của các bộ, ngành. Nguyên nhân dẫn tới tiến độ chưa đảm bảo chính là việc tham gia của các bộ, ngành khi được xin ý kiến về phương án đơn giản hóa, một là chậm trả lời, hai là chất lượng tham gia còn mức độ.

- Mục tiêu đơn giản hóa và cắt giảm tối thiểu 25% chi phí tuân thủ có đạt được và như vậy đến bao giờ người dân được hưởng những kết quả của cải cách này, thưa ông?


Ông Ngô Hải Phan:
Các bộ, ngành sau quá trình nghiên cứu sẽ trình Thủ tướng phê duyệt phương án đơn giản hóa và trên cơ sở đó các bộ, ngành dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật để sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật quy định về những thủ tục hành chính không cần thiết, không hợp lý mà trong phương án đã bị sửa đổi.

Theo tính toán, trong năm 2016 với những văn bản thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, người dân sẽ được hưởng thụ thành quả của cải cách năm 2015. Chúng tôi cho rằng nếu những phương án Bộ Tư pháp tham gia ý kiến được các bộ nghiên cứu, tiếp thu, chỉ tiêu đơn giản hóa sẽ đạt và cắt giảm tối thiểu 25% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính. Nhiều phương án có thể là cao hơn.

- Qua họp với 3 miền Bắc, Trung, Nam, phản ánh từ địa phương về chuẩn hóa và đơn giản hóa các nhóm thủ tục hành chính như thế nào?

Ông Ngô Hải Phan: Các địa phương nói rằng đây là công việc khó vì liên quan tới các ngành, lĩnh vực. Lực lượng cán bộ làm công tác kiểm soát thủ tục hành chính của các địa phương rất mỏng, bản thân họ phải phối hợp các sở, ban, ngành để thực hiện. Phối hợp là vấn đề yếu nhất hiện nay giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau.

Thứ nữa là kết quả công bố chuẩn hóa của bộ, ngành còn chậm, dẫn tới việc công bố thủ tục hành chính của địa phương cũng chậm. Địa phương cũng chia sẻ với Trung ương vì lực lượng ở Trung ương rất mỏng, có bộ, ngành chỉ có 2-3 cán bộ làm công tác kiểm soát mà công việc liên quan tới nhiều vụ, cục, họ phải đôn đốc, hướng dẫn, nhiều khi còn phải làm thay cho các đơn vị của bộ, dẫn tới tình trạng kết quả chưa thể đảm bảo theo tiến độ đặt ra.


- Vậy sự chậm trễ đó có tác động tiêu cực tới địa phương chưa?

Ông Ngô Hải Phan: Chưa phải là tiêu cực nhưng một con thuyền nếu chạy nhịp nhàng sẽ tốt hơn. Còn trong quá trình chạy, nếu có những chậm trễ, nó sẽ ảnh hưởng đến tiến độ chung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục