Đồng bào công giáo chung tay xây dựng nông thôn mới

Mừng Lễ Giáng sinh năm nay, niềm vui, sự phấn khởi của đồng bào công giáo Hà Tĩnh như được nhân lên khi họ góp phần to lớn trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Đồng bào công giáo chung tay xây dựng nông thôn mới ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN phát)

Trong không khí vui mừng đón Lễ Giáng sinh năm nay, niềm vui, sự phấn khởi của đồng bào công giáo Hà Tĩnh như được nhân lên khi họ góp phần to lớn trong công cuộc xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

​Đi trên những con đường làng rộng thênh thang với cờ hoa rực rỡ ở xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà, tại các cung đường, từng tốp người ở giáo xứ Trung Nghĩa đang hối hả trang trí đèn lồng, làm hang đá. Không khí đón Lễ Giáng sinh trang trọng đang về trên từng đường làng, ngõ xóm. Niềm vui của đồng bào giáo xứ Trung Nghĩa càng nhân lên khi dịp này xã Thạch Bằng kỷ niệm 60 ngày thành lập và được công nhận xã về đích nông thôn mới.

​Thạch Bằng là địa phương vùng ven biển huyện Lộc Hà đời sống kinh tế trước đây rất khó khăn, đồng bào theo đạo Công giáo chiếm một phần ba dân số toàn xã với trên 3.800 nhân khẩu, tập trung sinh sống ở các thôn giáo toàn tòng Xuân Hải, Trung Nghĩa và rải rác ở thôn Phú Xuân.

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đồng bào giáo xứ Trung Nghĩa tích cực đi đầu trong phong trào hiến đất, hiến công trình làm đường giao thông, bên cạnh đó vay vốn hình thành các khu nuôi trồng thủy sản, làm mộc, đánh bắt và chế biến hải sản.

Hiện nay, tổng số tàu thuyền đánh cá trên địa bàn xã Thạch Bằng có 86 chiếc, chủ yếu là giáo dân làm nghề đánh bắt; tổng sản lượng khai thác thủy, hải sản đạt gần 1.600 tấn, trong đó có nhiều hộ đánh bắt xa bờ đầu tư tàu lớn như hộ anh Trần Văn Sinh, Nguyễn Văn Thọ thôn Trung Nghĩa. Trên lĩnh vực chế biến hải sản có hàng chục hộ làm nghề chế biến nước mắm, ruốc các loại, tiêu biểu như gia đình chị Tuyết Lương, thôn Xuân Hải, mỗi năm thu nhập hàng tỷ đồng.

​Ông Trần Ngọc Lý, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Thạch Bằng cho biết: Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, đồng bào công giáo ở đây rất đồng lòng, người dân tự bỏ hàng ngàn ngày công làm các công trình phúc lợi.

Năm nay, xã làm mới gần 65km đường bêtông, gần 33km kênh mương nội đồng, làm mới ba hội quán, 19 phòng học ở các bậc học và nhiều công trình khác trị giá hàng chục tỷ đồng là nhờ vào sự đóng góp của nhân dân. Tiêu biểu cho phong trào xây dựng nông thôn mới ở xã Thạch Bằng là các thôn Trung Nghĩa, Phú Nghĩa, Xuân Hòa, Xuân Hải, Xuân Khánh, Khánh Yên, nhân dân đã đóng góp từ 300.000 đến 500.000 đồng/người /năm xây dựng cơ sở hạ tầng.

​Trong không khí phấn khởi đón chào Lễ Giáng sinh, nhân dân xã Thạch Bằng nói chung và đồng bào giáo xứ Trung Nghĩa đón nhận thêm niềm vui xã cán đích nông thôn mới. Đó là sự nỗ lực của mỗi người dân, của từng gia đình để biến mảnh đất vùng biển ngang nghèo khó trở thành địa phương giàu mạnh.

​Ông Võ Tá Luận, Bí thư huyện ủy Lộc Hà chia sẻ: "Chúng tôi rất vui khi đoàn kiểm tra xây dựng nông thôn mới đã đánh giá và công nhận 19/19 tiêu chí nông thôn mới xã Thạch Bằng đều đạt. Đó là thành quả, sự đóng góp, sự đồng lòng đoàn kết lương - giáo của một xã khó khăn trở thành địa phương có thành tích vượt trội như hôm nay."

Trong quá trình triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Lộc Hà có các chính sách hỗ trợ xã Thạch Bằng như tạo điều kiện cho nhân dân vay vốn phát triển sản xuất, đóng mới tàu thuyền. Bên cạnh đó, huyện quy hoạch, xây dựng Khu tiểu thủ công nghiệp ở xã Thạch Kim, từ đó có chính sách, cơ chế cho bà con giáo xứ Trung Nghĩa và nhân dân có nhu cầu xây dựng các mô hình chế biến hải sản thuận tiện gần cảng cá Thạch Kim. Hơn hết là sự đồng lòng chung sức của đồng bào công giáo "Sống tốt đời, đẹp đạo," "Kính Chúa yêu nước," nghiêm chỉnh chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

​Rời giáo xứ Trung Nghĩa, chúng tôi đến vùng giáo xứ Lộc Thủy, xã Thạch Long, huyện Thạch Hà, đây cũng là địa phương cán đích nông thôn mới năm nay. Ông Nguyễn Quang Trung, Chủ tịch Hội đồng mục vụ giáo xứ Lộc Thủy cho biết: Giáo xứ Lộc Thủy mới tổ chức kỷ niệm 100 năm thành lập. Hệ thống tường rào ở nhà thờ được đầu tư làm mới, khuôn viên rộng đẹp và uy nghi, con đường phía trước nhà thờ đã mở rộng khang trang. Thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, bà con giáo xứ Lộc Thủy đóng góp nhiều ngày công để làm đường giao thông, hội quán xóm. Giáo xứ còn huy động quỹ Hội đồng bác ái quyên góp trên 300 triệu đồng làm mới 4 ngôi nhà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn.

​Phía trước thánh đường là con đường uốn lượn bên dòng sông Vọc Sim, nhà nhà mọc lên san sát thể hiện sự trù phú ở vùng quê yên bình này. Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà Nguyễn Quốc Hương bày tỏ: Xã Thạch Long về đích nông thôn mới, thực sự là nỗ lực của chính quyền và đồng bào lương - giáo trong việc chung sức xây dựng nông thôn mới.

​Xã Thạch Long có gần 1.500 hộ với 5.690 nhân khẩu, trong đó đồng bào công giáo chiếm một nửa dân số chủ yếu sinh sống ở thôn Đông Hà I và Đông Hà II. Hiện nay, xã Thạch Long xây dựng 28 mô hình phát triển sản xuất, trong đó có 5 mô hình doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm. Một số mô hình tiêu biểu như nuôi tôm thâm canh, mô hình cánh đồng mẫu 28 ha bố trí gieo, cấy giống lúa mới, 4 tổ hợp đóng tàu thuyền...

​Một trong những thành quả trong xây dựng nông thôn mới Hà Tĩnh đó sự chung sức, đồng lòng đoàn kết lương giáo trong thực hiện các tiêu chí nông thôn mới. Đồng bào công giáo đều hưởng ứng một cách nhiệt tình và có những đóng góp rất lớn xây dựng quê hương. Đến thời điểm này, tỉnh Hà Tĩnh có 26 xã về đích nông thôn mới, trong đó nhiều địa phương có đông giáo dân là xã Thạch Bằng (Lộc Hà), Thạch Long, Thạch Tân (Thạch Hà), Gia Phố (Hương Khê).

​Hà Tĩnh là một trong những tỉnh có đông đồng bào theo đạo Công giáo, có 6 giáo hạt, 59 giáo xứ, 232 giáo họ và nhiều tu viện, cơ sở nữ tu Mến Thánh giá, Bác ái khác. Đồng bào công giáo chiếm 11,5% dân số toàn tỉnh với trên 149.000 nhân khẩu.

Ông Từ Văn Diện, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Tĩnh khẳng định: Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, các cấp chính quyền đã tranh thủ sự ủng hộ của các ban hành giáo xứ, giáo họ, từ đó đồng bào lương, giáo cùng chung tay đóng góp tiền của, ngày công để xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi. Sự đóng góp của đồng bào công giáo trong chương trình xây dựng nông thôn mới hết sức to lớn và đáng trân trọng.

​Trong niềm vui đón Lễ Giáng sinh, đồng bào công giáo càng phấn khởi hơn vì đã đóng góp sức mình trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước theo tinh thần "Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục