"Đóng cửa trường vì dịch bệnh là không chính xác"

Cục trưởng Y tế Dự phòng khẳng định thông tin một số trường đóng cửa và cho học sinh nghỉ học vì dịch tay chân miệng là không chính xác.
Trước thông tin về việc một số cơ sở trường học, nhà trẻ mẫu giáo tại Thành phố Hồ Chí Minh phải đóng cửa do dịch tay chân miệng, ngày 21/7, phóng viên đã có cuộc trao đổi với tiến sỹ Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Việt Nam xung quanh vấn đề trên.

Sau đây là nội dung cuộc trao đổi.

Cục trưởng có thể cho biết ý kiến trước thông tin có một số trường học, cơ sở mẫu giáo, nhà trẻ tại Thành phố Hồ Chí Minh phải đóng cửa do dịch tay chân miệng bùng phát mạnh và lan rộng?

Cục trưởng Nguyễn Văn Bình: Tôi xin khẳng định rằng thông tin một số cơ sở trường học, nhà trẻ mẫu giáo phải đóng cửa và cho học sinh nghỉ học vì dịch tay chân miệng bùng phát là thông tin hoàn toàn không chính xác. Đúng là dịch tay chân miệng tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam như Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương... gia tăng mạnh về số người mắc, có trường hợp tử vong, song chưa đến mức phải đóng cửa hoặc cho học sinh nghỉ học.

Việc các cơ sở giáo dục, nhà trẻ tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có quận 8 cho đóng cửa trường học hoàn toàn là tự phát, không có bất kỳ thông báo hay ý kiến nào từ phía ngành y tế. Theo quy định, chỉ khi nào Trung tâm Y tế dự phòng hoặc Sở Y tế tỉnh, thành phố hay Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế có ý kiến, công văn yêu cầu cho học sinh nghỉ học, cơ sở đó mới được đóng cửa trường.

Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết mới chỉ có một số cháu bị bệnh, nhưng Ủy ban Nhân dân quận 8, một số nhà trường đã tự đóng cửa trường học, cho các cháu nghỉ ở nhà mà chưa có ý kiến của ngành y tế... Đến thời điểm này, ngành y tế chưa có ý kiến yêu cầu các trường đóng cửa và cho các cháu nghỉ học do dịch tay, chân, miệng vì dịch bùng phát.

Thưa Cục trưởng, vậy diễn tiến của dịch tay chân miệng hiện nay ở Việt Nam đang ở mức nào? So với khu vực và thế giới, tỷ lệ mắc bệnh, tử vong ở Việt Nam đang ở mức nào?

Cục trưởng Nguyễn Văn Bình: Bệnh tay chân miệng ở Việt Nam có xu hướng gia tăng liên tiếp từ tuần thứ 20 đến tuần thứ 27 của năm. Từ tuần thứ 28, số người mắc đã giảm 21,2% so với tuần trước đó, cụ thể khu vực miền Nam giảm 19,4%, khu vực miền Trung giảm 36,2%. Tuy nhiên đến nay, số trường hợp mắc tay chân miệng trong tuần tại khu vực này vẫn cao hơn so với các khu vực còn lại và so với cùng kỳ năm 2010.

Các trường hợp mắc và tử vong do tay chân miệng từ đầu năm đến nay tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam, chiếm 80,9% số mắc và 89,5% số tử vong của cả nước.

Theo báo cáo giám sát của Viện Vệ sinh dịch tễ-Pasteur: từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 20.772 trường hợp mắc tay chân miệng ở 47 địa phương; trong đó đã có 57 trường hợp tử vong tại 10 tỉnh, thành phố. So với cùng kỳ năm 2010, số mắc của cả nước tăng 3,6 lần. Tuy số ca tử vong ở Việt Nam khá cao, nhưng so với thế giới, số ca tử vong thông thường do dịch tay chân miệng mới chiếm 0,7 phần ngàn trên tổng số ca mắc.

Vậy ngành y tế có thể đưa ra dự báo diễn biến dịch ở Việt Nam thời gian tới ra sao?

Cục trưởng Nguyễn Văn Bình: Tại Việt Nam, bệnh tay chân miệng gặp rải rác, quanh năm ở hầu hết các địa phương trong cả nước; từ tuần thứ 20 của năm đến nay, bệnh tay chân miệng có xu hướng tăng nhanh.

Dự báo trong thời gian tới, số người mắc bệnh này tiếp tục gia tăng bởi từ tháng 8 đến tháng 11 ghi nhận số ca nhiễm bệnh cao hơn hẳn. Cho đến thời điểm hiện nay, công tác phòng chống bệnh tay chân miệng đã được đẩy mạnh tại tất cả các tuyến, bước đầu đã có hiệu quả và đang trong tầm kiểm soát của y tế các địa phương.

Tác nhân gây bệnh và diễn biến của dịch tay chân miệng hiện nay có gì bất thường so với mọi năm hay các nước trong khu vực?

Cục trưởng Nguyễn Văn Bình: Hầu hết các trường hợp bệnh tay chân miệng sẽ qua khỏi nếu nguyên nhân gây bệnh là do Coxsackievirus (A16), nhưng nếu do nhiễm Enterovirus 71, trẻ có biểu hiện nặng hơn, có thể bị biến chứng viêm màng não, viêm cơ tim cấp, viêm phổi.

Mọi lứa tuổi đều có thể bị nhiễm Enterovirus, nhưng không phải tất cả đều bị bệnh mà bệnh chỉ xảy ra ở những cơ thể không có miễn dịch chống lại Enterovirus. Trẻ nhũ nhi, trẻ em và ngay cả thiếu niên, người trưởng thành nếu chưa có miễn dịch đều có thể mắc bệnh tay chân miệng. Tỷ lệ trẻ lớn tử vong do chân tay miệng thấp hơn ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi (hai trường hợp tử vong trong tổng số trên 800 trường hợp mắc bệnh).

Để thích ứng với diễn biến của dịch tay chân, miệng và các bệnh dịch, vừa qua Bộ Y tế đã ban hành phác đồ điều trị bệnh tay chân miệng. Đồng thời, ngày 20/7, Cục quản lý Dược Việt Nam đã có công văn khẳng định các dịch sát khuẩn, dịch truyền thuốc hỗ trợ điều trị dịch tay chân miệng, đảm bảo đủ cung cấp cho các cơ sở y tế cả nước trong mọi tình huống dịch.

Cục Y học dự phòng Việt Nam tiếp tục cử lãnh đạo Cục cùng nhiều chuyên gia về các vùng trọng điểm nhằm giúp địa phương tăng cường biện pháp phòng chống dịch, cung cấp Cloramin cho các địa phương miền Trung và Tây Nguyên; hướng dẫn cách phòng tránh bệnh tay chân miệng cho người dân, đề nghị nhân dân tuân thủ triệt để nhằm ngăn ngừa nhiễm bệnh.

Xin cảm ơn Cục trưởng!

Nhật Minh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục