Động lực mới thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại Việt-Trung

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung khẳng định chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là động lực mới thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước.
Động lực mới thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại Việt-Trung ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Theo đặc phái viên TTXVN, chiều 15/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Trung Quốc theo lời mời của Thủ tướng Quốc Vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường, tham dự Hội chợ Trung Quốc-ASEAN (CAEXPO), Hội nghị Thượng đỉnh thương mại, đầu tư Trung Quốc-ASEAN (CABIS) lần thứ 13 và thăm Khu Hành chính đặc biệt Hong Kong từ ngày 10-15/9.

Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung đã trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí tháp tùng đoàn.

TTXVN xin trân trọng giới thiệu nội dung cuộc phỏng vấn:

- Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa và những kết quả nổi bật của chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc?

- Thứ trưởng Lê Hoài Trung: Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, thời gian qua, công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta được triển khai tích cực, toàn diện theo đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, tiếp tục đưa các mối quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu. Ta đã tổ chức thành công nhiều chương trình đối ngoại cấp cao, tiếp tục làm sâu sắc quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn, các đối tác quan trọng.

Chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là chuyến thăm chính thức Trung Quốc đầu tiên của Lãnh đạo cấp cao ta sau Đại hội XII và Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV; cũng là chuyến thăm chính thức Trung Quốc đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị người đứng đầu Chính phủ.

Chuyến thăm lần này có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện sự coi trọng của Đảng, Nhà nước ta đối với việc củng cố và tăng cường quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện với Trung Quốc; là dịp để lãnh đạo cấp cao hai nước đi sâu trao đổi các biện pháp nhằm tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác thực chất, kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không để ảnh hưởng tới môi trường hòa bình, ổn định cũng như sự phát triển của quan hệ hai nước.

Trung Quốc vừa là nước láng giềng vừa là nước lớn, đối tác quan trọng hàng đầu về kinh tế-thương mại của ta. Việc phát triển quan hệ ổn định, lành mạnh và bền vững với Trung Quốc luôn là lựa chọn chiến lược và là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam; có ý nghĩa quan trọng góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, thực hiện thắng lợi mục tiêu đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Chương trình chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước ta rất phong phú, với khoảng 50 hoạt động khác nhau như hội đàm, trao đổi, làm việc, tham dự hội nghị, tọa đàm, thăm thực tế... với các vị lãnh đạo, các tổ chức chính trị xã hội, giới doanh nghiệp, đại diện quần chúng nhân dân, các cơ quan đại diện ta.

Trung Quốc coi trọng chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn, tổ chức những nghi thức lễ tân cao nhất đối với người đứng đầu Chính phủ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình; hội đàm với Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Khắc Cường; có các cuộc gặp với Ủy viên trưởng Nhân đại Trương Đức Giang, Chủ tịch Chính hiệp Du Chính Thanh, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trương Cao Lệ; cùng Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Lưu Diên Đông dự buổi biểu diễn nghệ thuật của ta tại Bắc Kinh; tiếp Phó Chủ tịch Chính hiệp Vương Gia Thụy và lãnh đạo các địa phương Đoàn đến thăm. Các cuộc hội đàm, hội kiến diễn ra trong không khí hữu nghị, chân thành, thẳng thắn, đạt được nhiều kết quả quan trọng, thể hiện trên 3 phương diện chính như sau:

Một là, tăng cường tin cậy chính trị. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đã đi sâu trao đổi, đạt được nhận thức chung rộng rãi về việc không ngừng củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống và thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung phát triển ổn định, lành mạnh, tạo môi trường thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước của mỗi nước. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và các vị Lãnh đạo cấp cao Trung Quốc khẳng định coi trọng và kiên trì thực hiện nhất quán phương châm phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài với Việt Nam.

Lãnh đạo hai bên cũng nhất trí về các biện pháp nhằm tăng cường tin cậy chính trị, bao gồm duy trì tiếp xúc thường xuyên giữa Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước bằng các hình thức linh hoạt để kịp thời trao đổi ý kiến về những vấn đề lớn và quan trọng trong quan hệ hai nước; phát huy tốt vai trò của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt-Trung trong việc điều phối, thúc đẩy thực hiện nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước; triển khai hiệu quả hợp tác giữa hai Đảng; tăng cường giao lưu, hợp tác hữu nghị giữa cơ quan lập pháp, các tổ chức chính trị và trong các lĩnh vực ngoại giao, quốc phòng, an ninh và thực thi pháp luật của hai nước; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động giao lưu hữu nghị nhân dân, nhất là giữa thế hệ trẻ hai nước.

Hai là, thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác thực chất phát triển cân bằng, hiệu quả. Tại cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Lý Khắc Cường, hai bên đã dành nhiều thời gian trao đổi và đạt nhất trí về một loạt các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai nước, nhất là thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, tài chính giữa hai nước bước sang giai đoạn phát triển mới cân bằng, hiệu quả.

Hai bên nhất trí chú trọng áp dụng các biện pháp thiết thực cải thiện hơn nữa sự mất cân bằng thương mại hai nước, mở rộng hơn nữa hợp tác về đầu tư, tài chính tiền tệ. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác về nông nghiệp, môi trường, khoa học công nghệ, giao thông vận tải; tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, thể thao, du lịch; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho tăng cường hợp tác cùng có lợi giữa các địa phương hai nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao đổi chân thành, thẳng thắn về một số bất cập trong hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước hiện nay; đề nghị hai bên đẩy nhanh giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong các dự án hợp tác tại Việt Nam; nêu rõ những ưu tiên và tiêu chí trong chiến lược phát triển bền vững của ta làm cơ sở quy hoạch, thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước phát triển trong thời gian tới.

Phía Trung Quốc khẳng định sẵn sàng thúc đẩy thương mại song phương phát triển cân bằng, ổn định; khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng nhập khẩu các mặt hàng có sức cạnh tranh của Việt Nam, bao gồm nông, lâm, thủy sản, gạo, các sản phẩm sữa, hoa quả đã chế biến.

Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết Trung Quốc đã áp dụng nhiều biện pháp tăng cường nhập khẩu các mặt hàng của Việt Nam, trong đó có mặt hàng gạo; sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam thành lập thêm các Văn phòng xúc tiến thương mại tại một số địa phương của Trung Quốc; tăng cường đầu tư vào các dự án phù hợp với nhu cầu và chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam.

Trong chuyến thăm, hai bên đã ra Thông cáo chung đánh giá quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian qua, đề ra các định hướng, biện pháp cụ thể trong thời gian tới; ký kết được hơn 10 văn kiện hợp tác trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư, tài chính, nông nghiệp, ứng phó biến đổi khí hậu, giáo dục, du lịch.

Trong thời gian chuyến thăm, các bộ, ngành và địa phương của ta cũng đã gặp gỡ trao đổi cụ thể về tình hình hợp tác với các đối tác tương ứng phía Trung Quốc. Phía Trung Quốc đã cam kết viện trợ thiết bị hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu trị giá 20 triệu Nhân dân tệ dành cho Việt Nam; hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu các giống lúa, cây trồng thích nghi với điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long. Hai bên nhất trí triển khai hợp tác tìm kiếm cứu nạn trên biển, xử lý thỏa đáng các vụ việc nảy sinh về n ghề cá trên biển phù hợp với quan hệ hữu nghị hai nước.

Ba là, kiểm soát tốt bất đồng, ổn định tình hình trên biển. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định đường lối nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông đối với chiến lược phát triển của mỗi nước, sự phát triển ổn định, lành mạnh của quan hệ Việt-Trung và đối với hòa bình, ổn định khu vực và quốc tế; đề nghị các bên kiềm chế không có những hành động làm phức tạp thêm tình hình, không quân sự hóa.

Lập trường của Việt Nam là kiên trì giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý, thông qua đàm phán tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được; bày tỏ mong muốn ASEAN và Trung Quốc đạt được thỏa thuận đề cương của Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa năm 2017, hoàn tất COC trong năm 2017 nhân dịp 15 năm ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) (2002) .

Hai bên nhất trí tuân thủ “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”, phát huy tốt các cơ chế đàm phán hiện có; thực hiện toàn diện, hiệu quả và đầy đủ DOC, sớm xây dựng COC, kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Trong thời gian ở Bắc Kinh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp gỡ thân nhân các cựu cố vấn Trung Quốc từng tham gia giúp đỡ Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp, lãnh đạo Hội Hữu nghị đối ngoại nhân dân Trung Quốc và Hội Hữu nghị Trung-Việt. Thủ tướng bày tỏ sự trân trọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đối với sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu của Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc dành cho Việt Nam trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây; mong muốn củng cố và phát huy lâu dài truyền thống hữu nghị quý báu giữa hai nước. Các cuộc gặp diễn ra rất cảm động, thắm tình hữu nghị, đồng chí anh em. Các bạn Trung Quốc thể hiện những tình cảm tốt đẹp với Việt Nam, khẳng định sẽ tiếp tục góp phần làm sâu sắc hơn nữa tình cảm hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Động lực mới thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại Việt-Trung ảnh 2Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi lễ khai mạc hội chợ. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt tại Trung Quốc, Hong Kong, thông báo tình hình phát triển kinh tế-xã hội trong nước, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước ta, nhất là đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con, động viên bà con ổn định cuộc sống, hướng về Tổ quốc, đóng góp vào việc củng cố tình hữu nghị truyền thống Việt Nam-Trung Quốc.

Chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thành công tốt đẹp, tạo thêm những điều kiện thuận lợi quan trọng cho việc tiếp tục đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc đi vào chiều sâu và động lực mới thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước phát triển cân bằng, hiệu quả vì lợi ích của hai nước, hai dân tộc, vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và quốc tế.

- Trong chuyến thăm lần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã dự Hội chợ, Hội nghị thượng đỉnh thương mại và đầu tư Trung Quốc-ASEAN lần thứ 13, Thứ trưởng đánh giá như thế nào về sự tham gia của Việt Nam trong Hội chợ lần này?

- Thứ trưởng Lê Hoài Trung: Hội chợ Trung Quốc-ASEAN là hội chợ triển lãm quy mô lớn do Trung Quốc và 10 nước ASEAN phối hợp tổ chức. Liên tục trong 12 năm từ khi Hội chợ đầu tiên được tổ chức năm 2004, Việt Nam đã tích cực tham gia và luôn là nước có số lượng doanh nghiệp và quy mô gian hàng lớn nhất trong các nước ASEAN tham dự Hội chợ chỉ sau nước chủ nhà Trung Quốc. Hội chợ năm nay được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ đối thoại ASEAN-Trung Quốc, có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Năm nay là lần đầu tiên Việt Nam tham dự Hội chợ với vai trò “Quốc gia danh dự” hay còn gọi là “nước chủ đề” của hội chợ. Việt Nam đã tham gia gần 250 gian hàng của 140 doanh nghiệp từ 20 tỉnh, thành phố trên cả nước với diện tích trên 5000 m2 , tăng 35% so với năm 2015, tiếp tục là nước có nhiều doanh nghiệp và gian hàng nhất trong số các nước ASEAN. Khu gian hàng Quốc gia Việt Nam với chủ đề thành phố đẹp mang thông điệp “Buôn Ma Thuột - thủ phủ của càphê châu Á” đã thu hút hàng chục nghìn lượt khách đến tham quan, giao dịch.

Phát biểu tại Lễ khai mạc hội chợ và Hội nghị đối thoại bàn tròn với các doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quảng bá tiềm năng hợp tác của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh đổi mới, đi sâu hội nhập quốc tế, đồng thời phát đi thông điệp mạnh mẽ về thiện chí và vai trò của Việt Nam trong việc thúc đẩy hơn nữa hợp tác thực chất, cùng có lợi giữa ASEAN và Trung Quốc; khẳng định Việt Nam luôn khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp ASEAN và Trung Quốc phát triển hợp tác kinh doanh, mở rộng đầu tư tại Việt Nam, vì lợi ích của tất cả các bên.

Việc Việt Nam phát huy tốt vai trò “Quốc gia danh dự” thể hiện mong muốn của Chính phủ, các địa phương và doanh nghiệp Việt Nam trong việc tăng cường hợp tác toàn diện với Trung Quốc và các địa phương của Trung Quốc, đóng góp vào thành công của Hội chợ Trung Quốc-ASEAN, tiếp tục là cầu nối quan trọng trong hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN, cũng như quảng bá tốt hình ảnh quốc gia, thương hiệu và sản phẩm Việt Nam, tăng cường xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam sang các nước ASEAN và Trung Quốc.

Ban tổ chức phía Trung Quốc đã dành cho doanh nghiệp Việt Nam nhiều ưu đãi trong việc bố trí các gian hàng tại hội chợ, thể hiện thiện chí và sự coi trọng của Trung Quốc trong hợp tác kinh tế, thương mại với Việt Nam. Theo báo cáo của Ban tổ chức và các doanh nghiệp Việt Nam, đến cuối thời gian Hội chợ, ta đã ký kết nhiều hợp đồng và bán hàng ngay tại Hội chợ hơn 100 triệu USD.

Tại Quảng Tây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp đồng chí Bành Thanh Hoa, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Khu ủy Quảng Tây và đồng chí Trần Vũ, Chủ tịch chính quyền Quảng Tây.

Tại các buổi tiếp, hai bên đã trao đổi về việc thực hiện tốt nhận thức chung và các thỏa thuận quan trọng giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác thực chất, cùng có lợi; tăng cường phối hợp phòng chống tội phạm, quản lý trật tự trị an khu vực biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thông quan, phối hợp giải quyết thỏa đáng vấn đề lao động qua biên giới.

Việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm di tích Khu học xá Trung ương, trường học Việt Nam đặt tại Trung Quốc trong những năm 1951-1957, thể hiện sự trân trọng của Việt Nam đối với tình hữu nghị và sự ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai Đảng, hai nước trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc ở mỗi nước.

- Việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Hong Kong trong chuyến thăm này có ý nghĩa như thế nào đối với việc tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Hong Kong thưa Thứ trưởng?

- Thứ trưởng Lê Hoài Trung: Hong Kong là một trong những trung tâm tài chính-thương mại quan trọng của khu vực và thế giới; tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam với Hong Kong là rất lớn. Thời gian qua, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, du lịch giữa Việt Nam với Đặc khu hành chính Hong Kong phát triển nhanh, ổn định. Hong Kong hiện là đối tác thương mại lớn thứ 9 và đối tác đầu tư lớn thứ 6 của ta.

Trong cuộc hội kiến giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng khu hành chính đặc biệt Hong Kong Lương Chấn Anh, hai bên nhất trí thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch và giao lưu nhân dân giữa hai bên, cùng nỗ lực đẩy nhanh hoàn tất đàm phán để ký kết Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Hong Kong trong năm 2016.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị hai bên cần tăng cường trao đổi đoàn giữa các cơ quan chính quyền, hiệp hội ngành nghề; đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, tài chính, tiền tệ. Trưởng khu hành chính đặc biệt Hong Kong Lương Chấn Anh khẳng định Hong Kong coi trọng việc tăng cường hợp tác cùng có lợi với Việt Nam, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc phát triển đi vào chiều sâu, đồng thời sẵn sàng phát huy vai trò làm cầu nối để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường và nguồn vốn quốc tế.

Tại buổi đến chào Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, Tổng Thư ký chính quyền Hong Kong cho biết, ngay sau chuyến thăm Việt Nam của bà tháng 8/2016 vừa qua, chính quyền Hong Kong đã triển khai một số biện pháp nhằm mở rộng giao lưu hợp tác với Việt Nam như dỡ bỏ cảnh báo du lịch đến Việt Nam, đồng ý để hãng hàng không Vietjet Air mở đường bay thành phố Hồ Chí Minh-Hong Kong, Cục Du lịch Hong Kong cũng có kế hoạch tăng cường các tuyến du lịch đường biển từ Hong Kong đến thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Nẵng, Hải Phòng trong thời gian tới.

Trong thời gian thăm Hong Kong, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có nhiều hoạt động quan trọng, đạt nhiều kết quả. Thủ tướng đã dự và phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Hong Kong với sự tham dự của hơn 300 doanh nghiệp, nhà đầu tư của Hong Kong, Trung Quốc và Việt Nam; gặp gỡ, tọa đàm với đại diện 16 Quỹ đầu tư hàng đầu thế giới về quản lý và tư vấn đầu tư có trụ sở tại Hong Kong với tổng trị giá tài sản quản lý lên đến hơn 9.500 tỷ USD; Thủ tướng cũng dành thời gian tiếp nhiều doanh nghiệp lớn của Hong Kong đang đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.

Tại các hoạt động này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh đến tính ổn định của chính sách kinh tế vĩ mô và những nỗ lực mạnh mẽ của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; giới thiệu những chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư của Việt Nam; hoan nghênh các doanh nghiệp Hong Kong tiếp tục đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, vận tải biển, cơ sở hạ tầng.

Đồng thời, Thủ tướng cũng cam kết sẽ tạo mọi điều kiện và bảo đảm quyền lợi cho các nhà đầu tư ở Việt Nam, coi thành công của các nhà đầu tư nước ngoài chính là thành công của Việt Nam, góp phần tăng cường vai trò của khu vực tư nhân đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.

Đại diện các doanh nghiệp Hong Kong đánh giá cao nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thời gian qua; bày tỏ mong muốn sẽ tiếp tục đầu tư và phát triển sâu rộng hơn nữa tại Việt Nam. Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Hong Kong, doanh nghiệp hai bên đã ký 10 thỏa thuận hợp tác và hợp đồng thương mại với tổng trị giá lên đến hơn 10 tỷ USD.

Cùng với kết quả tốt đẹp của chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam, các hoạt động tiếp xúc phong phú, thực chất của Thủ tướng với lãnh đạo chính quyền, doanh nghiệp Hong Kong, cũng như việc ta ký kết một số thỏa thuận, hợp đồng hợp tác nêu trên kỳ vọng sẽ tạo động lực mới cho hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Hong Kong tiếp tục phát triển hơn nữa trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục