Đồng Nai: Lần đầu tiên phát hiện cá thể cò mỏ thìa tại hồ Trị An

Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai lần đầu tiên phát hiện một cá thể cò mỏ thìa, loài chim có tên trong Sách Đỏ Việt Nam 2007 và Danh lục Đỏ IUCN 2009.
 Đồng Nai: Lần đầu tiên phát hiện cá thể cò mỏ thìa tại hồ Trị An ảnh 1Loài cò mỏ thìa có trong Sách Đỏ Việt Nam 2007. (Nguồn: carolinabirds.org)

Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai cho biết, vừa ghi nhận được một cá thể cò mỏ thìa tại tiểu khu 116, hồ Trị An.

Đây là lần đầu tiên, loài chim này hiện diện ở Khu bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai.

Trước đó, năm 2005 các nhà khoa học đã phát hiện loài cò mỏ thìa hiện diện ở Tiền Hải (Thái Bình) và Biên Hòa (Đồng Nai).

Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây loài này chỉ còn ghi nhận ở Vườn quốc gia Xuân Thủy ( Nam Định).

Đây là loài chim có tên trong Sách Đỏ Việt Nam 2007 và Danh lục Đỏ IUCN 2009.

Loài chim này sống ở những nơi nước nông, diện tích mặt thoáng lớn như các vùng đất ngập nước có bùn, đất sét hoặc cát mịn.

Chúng có thể sống tại vùng đầm lầy, sông, hồ, khu vực bị ngập lụt ở vùng nước ngọt, nước mặn hay nước lợ, đặc biệt tại các vùng đảo cỏ thảm thực vật nổi.

Các chuyên gia cho rằng, cá thể cò mỏ thìa vừa phát hiện tại hồ Trị An là loài cò thìa châu Âu (tên tiếng Anh là Black-faced Spoonbill; tên khoa học là Eurasian Spoonbill).

Theo các tài liệu, loài cò thìa hiện diện ở Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam.

Trên thế giới, loài chim này được pháp luật bảo hộ tại nhiều nước như Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Các khu vực trú đông được bảo vệ bao gồm Vườn quốc gia Đài Nam (Đài Loan), Mai Po (Hong Kong), Manko (Nhật Bản), Xuân Thủy (Nam Định) và Tiền Hải (Thái Bình) của Việt Nam.

Theo các nhà khoa học, hồ Trị An là khu vực nằm dọc theo đường bay Đông Á-Australia, là vùng đất ngập nước và là khu vực rất quan trọng để các loài chim có thể tạm nghỉ trong cuộc hành trình di trú./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục